Bộ trưởng Tài chính: Nâng trần nợ công nhưng phải kiểm soát chặt bội chi và hiệu quả vay vốn

26/05/2025, 16:56
báo nói -

TCDN - Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, cho rằng việc nâng trần nợ công là đúng như phải mức bội chi ngân sách trong giới hạn cho phép và chất lượng sử dụng vốn vay bởi đã có tình trạng một số địa phương sử dụng không hiệu quả dẫn đến gánh nặng cho ngân sách.

Sáng 26/5, góp ý vào dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) về mức trần nợ vay của ngân sách địa phương, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), cho rằng quy định của luật hiện hành rất thông thoáng, tạo điều kiện cho địa phương, đặc biệt là những địa phương có nguồn thu thấp thì được mức trần vay tới 80%. Như vậy sẽ rất tốt để địa phương được chi cho đầu tư phát triển và đảm bảo an sinh xã hội.

Đối với những thành phố như TP Hải Phòng, Tp.HCM, TP Hà Nội, Đà Nẵng có nguồn thu cao thì mức vay tới 120% thì rất cần thiết vì những địa phương này nếu có khó khăn gì họ thu họ vẫn trả nợ được rất sòng phẳng.

Đại biểu Phạm Văn Hòa.

Đại biểu Phạm Văn Hòa.

Tuy nhiên, theo đại biểu, việc áp dụng mức trần vay nợ 80% đồng đều cho tất cả các địa phương, bao gồm cả những địa phương rất khó khăn, cần được xem xét kỹ lưỡng. Cần có cơ chế kiểm soát và giám sát chặt chẽ để tránh tình trạng địa phương không có khả năng trả nợ sau khi vay. Khi đó, ngân sách trung ương sẽ phải gánh phần bù, dẫn đến nguy cơ làm tăng trần nợ công của trung ương. Đối với các địa phương này, đại biểu đề nghị phải giám sát nghiêm ngặt danh mục vay; mục đích vay, lĩnh vực đầu tư cụ thể phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc cho vay kèm theo cơ chế giám sát chặt chẽ như vậy sẽ giúp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Trong khi đó, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) bày tỏ băn khoăn khi nâng mức vay dư nợ của địa phương gấp 4 lần.

Đại biểu phân tích, năm 2024 chúng ta trần nợ công gần 40% tương đương với 4 triệu tỷ và ở đây trung ương là 35%, còn địa phương là 5%. Nếu chúng ta nâng lên gấp 4 lần tại địa phương thì bây giờ địa phương sẽ là 20%, cộng lên là có hơn 50%, gần 60%, cộng với nhu cầu vay của ngân sách trung ương hiện nay lại rất cao.

Do đó, đại biểu cho rằng, nếu không tính toán kỹ lưỡng, việc vay vượt trần là hoàn toàn có thể xảy ra, trong khi trần nợ công hiện tại do Quốc hội quy định là 60%. Cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, đồng ý việc nâng trần nhưng cần xác định rõ mức tăng bao nhiêu, điều tiết ra sao để tránh phát sinh thêm gánh nặng nợ công từ cả phía địa phương.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng.

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, khi tính toán việc điều chỉnh trần nợ công cho các địa phương, Bộ Tài chính đã tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng. Hiện nay, trần nợ công do Quốc hội cho phép là 60% GDP, trong khi thực tế đến hết năm 2024, tỷ lệ nợ công mới chỉ ở mức 34,7% GDP. Do đó, việc điều chỉnh mức dư nợ của ngân sách địa phương đã được đánh giá một cách thận trọng, trên cơ sở tương quan với các chỉ tiêu an toàn nợ công được Quốc hội quyết định cho giai đoạn 2021–2025.

Bộ trưởng cũng cho biết, theo dự thảo văn kiện trình Đại hội 14 của Đảng, trong giai đoạn 2026 - 2030, bội chi ngân sách nhà nước dự kiến ở mức 5% GDP, trong đó ngân sách địa phương ở mức 0,7% GDP.

Lãnh đạo Bộ Tài chính đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu về việc cần thiết nâng trần nợ công, song nhấn mạnh phải kiểm soát chặt hai vấn đề lớn. Thứ nhất là kiểm soát nợ công và bội chi trong giới hạn Quốc hội cho phép. Thứ hai là đảm bảo chất lượng vay và hiệu quả sử dụng vốn. Bộ trưởng cảnh báo, từng có giai đoạn một số địa phương sử dụng vốn vay kém hiệu quả, gây gánh nặng lên ngân sách. Vì vậy, tư duy quản lý cần giống như trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng - tức là mọi khoản vay, dù là vốn ODA do trung ương vay lại, trái phiếu chính phủ hay khoản vay của địa phương - đều phải được tính toán kỹ lưỡng, không chỉ về hiệu quả kinh tế - xã hội mà còn về hiệu quả tài chính.

Hà Linh
Bạn đang đọc bài viết Bộ trưởng Tài chính: Nâng trần nợ công nhưng phải kiểm soát chặt bội chi và hiệu quả vay vốn tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Năm 2024 nợ công gần 35%/GDP
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, nợ công/GDP đến cuối năm 2024 ước thực hiện 34,7%, nợ Chính phủ/GDP ước thực hiện 32,2%, nợ nước ngoài của quốc gia/GDP ước thực hiện 31,8%, trong phạm vi Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 giai đoạn 2021-2025.
Năm 2023 nợ công đạt 36,6% GDP
Đến cuối năm 2023, dư nợ công khoảng 36,6% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 33,8% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 18,8% thu ngân sách nhà nước.
Dự báo dư nợ công khoảng 40% GDP vào cuối năm 2024
Chính phủ dự báo đến cuối năm 2024, dư nợ công khoảng 39-40% GDP, nợ Chính phủ khoảng 37-38% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 38-39% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước khoảng 23-24%...

x