Đại biểu băn khoăn về tỷ lệ chia tiền thuê đất, thuế VAT giữa Trung ương và địa phương

26/05/2025, 15:48
báo nói -

TCDN - Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) sáng 26/5, nhiều ý kiến đại biểu quốc hội băn khoăn về tỷ lệ phân chia nguồn thu ngân sách trung ương và ngân sách địa phương về tiền thuê đất, tiền thuế VAT.

Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) cơ bản đồng tình với Phương án 2 là chỉ quy định các nguồn thu phân chia, không quy định cụ thể tỷ lệ phân chia tại dự thảo Luật và giao cho Chính phủ xây dựng phương án về tỷ lệ chia trình Quốc hội xem xét, quyết định, điều chỉnh để phù hợp với quan điểm mới về xây dựng pháp luật là chỉ quy định nguyên tắc, bảo đảm sự chủ động, linh hoạt trong điều hành ngân sách.

Riêng đối với quy định khoản thu tiền sử dụng đất: Tại điểm d khoản 2 (phương án 1) hay điểm g khoản 2 (phương án 2) Điều 35 dự thảo Luật, đại biểu ủng hộ chủ trương cần điều tiết nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để góp phần giữ vững vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, về lâu dài cần giảm dần tỷ trọng nguồn thu từ tiền sử dụng đất trong tổng thu ngân sách địa phương.

Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ).

Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ).

Thay vào đó yêu cầu các địa phương cần có giải pháp quy hoạch và quản lý đất đai một cách bền vững, minh bạch; nhà nước thực hiện đa dạng hóa nguồn thu ngân sách trên cơ sở khai thác hiệu quả tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cải cách thuế tài sản, thuế môi trường, đẩy mạnh thu ngân sách từ khu vực kinh tế số, công nghệ cao… Nhưng trong ngắn hạn, nhất là đối với các địa phương hiện nay chưa cân đối được ngân sách thì khoản thu tiền sử dụng đất vẫn chiếm tỷ trọng cao để địa phương có nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Theo đại biểu Nam, để có thể khai thác được nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, địa phương phải thực hiện rất nhiều bước: Quy hoạch, thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật… Tổng kinh phí phát sinh các nội dung có liên quan mà ngân sách địa phương phải bố trí bình quân trong giai đoạn 2020 - 2024 chiếm 35 - 40% tổng số thu từ dự án có tính tiền sử dụng đất (phần chi phí này sẽ ngày càng tăng cao do lạm phát và áp dụng bảng giá đất tính bồi thường mới). Hơn nữa, nếu quy định tỷ lệ đối với các địa phương chưa cân đối được ngân sách, ngân sách trung ương lại phải điều tiết lại kéo dài thời gian, tăng chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.

“Từ những lý do trên, trước mắt đối với những địa phương chưa cân đối được ngân sách đề nghị vẫn giữ nguyên khoản thu tiền sử dụng đất là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100%. Tuy nhiên nội dung này để tôi đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương sau sắp xếp, sáp nhập trong từng giai đoạn cụ thể để đảm bảo tính linh hoạt chủ động”, đại biểu Nguyễn Thành Nam cho hay.

Liên quan thu phân chia tỉ lệ % từ thuế VAT, ngân sách trung ương hưởng 70% và địa phương là 30%, hay nguồn thu từ tiền sử dụng đất và tiền thuê đất, địa phương không được hưởng 100% như hiện hành mà chỉ hưởng 70%. Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Tp.HCM) cho rằng, việc địa phương chỉ còn giữ lại 70% nguồn thu là không phù hợp.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Tp.HCM).

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Tp.HCM).

Vì vậy ông cho rằng cần tiếp tục giữ nguyên quy định để đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số, phát huy tiềm năng địa phương khi hợp nhất, sáp nhập, mở rộng không gian phát triển, đặc biệt Hà Nội và Tp.HCM là những địa phương có nhiều dự án đầu tư lớn.

Đại biểu nêu ví dụ từ Tp.HCM, để đáp ứng nhu cầu đầu tư công đến năm 2030, vốn ngân sách cần huy động là 1,1 triệu tỷ đồng. Với nguồn thu từ đất là 550.000 tỷ đồng, nhưng phải điều tiết 30% về ngân sách trung ương, tức mỗi năm hụt thu hơn 33.000 tỷ đồng.

Theo đại biểu Ngân, điều này ảnh hưởng kế hoạch triển khai đầu tư công của thành phố, đặc biệt nhu cầu đầu tư cho hệ thống đường sắt đô thị lên tới 40 tỷ USD, các dự án đường mở rộng kết nối Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và xây dựng các cầu. Do đó, đại biểu kiến nghị trước mắt 10 năm tới chưa thu khoản này, còn nếu thu chỉ nên ở mức 5-10%.

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết Đại biểu băn khoăn về tỷ lệ chia tiền thuê đất, thuế VAT giữa Trung ương và địa phương tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Sửa đổi toàn diện Luật Ngân sách nhà nước
Ngày 11/4, Bộ Tài chính phối hợp với Dự án Tăng cường Quản lý tài chính công tại Việt Nam do Liên minh châu Âu tài trợ (GIZ) tổ chức Hội nghị thảo luận và đưa ra những ý kiến đóng góp cho Dự án sửa đổi toàn diện Luật Ngân sách nhà nước.

x