Các doanh nghiệp bảo hiểm hưởng lợi lớn nhờ Covid-19
TCDN - Dịch bệnh khiến các sản phẩm mang tính chất bảo vệ trước rủi ro đối với cá nhân tăng trưởng mạnh mẽ. Trong khi đó, tỷ lệ bồi thường năm 2020 ở mức thấp kỷ lục do lệnh giãn cách khiến người dân han chế đến bệnh viện và các cơ sở khám bệnh.
Theo Hiệp Hội Bảo Hiểm Việt Nam (AVI), doanh thu phí bảo hiểm sức khỏe và nhân thọ lần lượt tăng 25,6% và 21,2% so với cùng kỳ sau 9 tháng năm 2020. Tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ đã tăng 5,4%.
Dịch bệnh Covid-19 khiến bảo hiểm hàng không, du lịch và vận chuyển hàng hóa (chiếm khoảng 6% tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ) bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các sản phẩm mang tính chất bảo vệ trước rủi ro đối với cá nhân tăng trưởng mạnh mẽ.
Trong khi nhu cầu mua bảo hiểm nhân thọ tăng, tỷ lệ bồi thường năm 2020 lại ở mức thấp nhất trong vòng 13 năm qua khi chỉ chiếm 34%. Dịch bệnh một lần nữa tác động tới thói quen sinh hoạt của người dân, khiến mọi người hạn chế đến bệnh viện và các cơ sở khám bệnh, dẫn đến việc thanh toán cho các chi phí y tế phát sinh giảm.
Những nhân tố trên mang lại lợi ích lớn cho các công ty bảo hiểm. Tổng lợi nhuận trước thuế 9 tháng năm 2020 của các công ty bảo hiểm niêm yết tăng 19% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận dự kiến tiếp tục cải thiện trong quý 4/2020, khi Bộ Tài chính tiếp tục ban hành Thông tư 89/2020/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 26/12/2020, giảm gánh nặng dự phòng toán học cho các công ty bảo hiểm nhân thọ. Điều này giúp cải thiện lợi nhuận kế toán và giảm áp lực vốn ngắn hạn cho các công ty bảo hiểm nhân thọ.
Kênh bancassurance ngày càng đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ. Trong 9 tháng 2020, kênh bancassurance chiếm 30% tổng doanh thu phí khai thác mới và 18,3% tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ.
Trong tháng 11 và tháng 12, có hai hợp đồng bancassurance độc quyền lớn được ký kết giữa ACB và SunLife Việt Nam; Vietinbank và Manulife. Những hợp đồng bancassurance mới được ký gần đây hứa hẹn tạo ra nhiều thay đổi hơn nữa vào năm 2021 trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt trên thị trường bảo hiểm nhân thọ.
Cuối năm 2020, thương vụ Manulife hoàn tất mua lại AVIVA Việt Nam hứa hẹn tác động lớn tới vị trí của các công ty bảo hiểm. Sau khi sáp nhập, thị phần bảo hiểm nhân thọ của Manulife tăng lên khoảng 18,5%, đã tiến sát với vị trí số 1 của Prudential với 18,8%. Đứng sau là nhiều tên tuổi lớn khác như Generali, MB Ageas, FWD…
Đánh giá về năm 2021, SSI Research cho rằng nhu cầu các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ tiếp tục ở mức khá và nhờ các hợp đồng banca độc quyền mới được ký kết, các công ty bảo hiểm có thể tiếp cận nhóm khách hàng tiềm năng lớn hơn.
Trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát và không còn giãn cách xã hội, các hoạt động bán hàng (họp mặt, hội nghị khách hàng...) sẽ có thể phục hồi về mức trước Covid, thúc đẩy hoạt động bán hàng mạnh mẽ hơn.
Kinh tế phục hồi sẽ thúc đẩy bảo hiểm phi nhân thọ tăng trở lại. Tăng trưởng GDP được dự báo sẽ đạt khoảng 6,5% vào năm 2021 khi các hoạt động kinh tế hồi phục. Do đó, bảo hiểm hàng hóa, hàng không, du lịch và bảo hiểm bảo an tín dụng sẽ có thể đạt được mức tăng trưởng trước Covid – 19.
Tuy nhiên, các yếu tố hỗ trợ lợi nhuận trong năm 2020 là thị trường cổ phiếu sôi động và tỷ lệ bồi thường cải thiện có thể không lặp lại vào năm 2021. Lãi suất bình quân năm 2021 ước tính cũng thấp hơn mức trung bình năm 2020 từ 75-85 điểm cơ bản, do đó, SSI Research cho rằng tăng trưởng lợi nhuận của các công ty bảo hiểm năm 2021 sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào việc mở rộng tài sản quản lý
Một số rủi ro với các công ty bảo hiểm có thể gặp phải trong thời gian tới đó là môi trường lãi suất thấp kéo dài. Môi trường lãi suất thấp sẽ làm cho lợi nhuận đầu tư gặp khó khăn và làm giảm lợi nhuận của các công ty bảo hiểm vì phần lớn danh mục đầu tư của các công ty bảo hiểm là tiền gửi ngân hàng và trái phiếu chính phủ.
Ngoài ra, nếu lợi suất trái phiếu chính phủ giảm hơn nữa, gánh nặng sẽ đặt lên dự phòng kỹ thuật bảo hiểm nhân thọ - ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận kế toán
Bên cạnh đó, chi phí tái bảo hiểm đang có xu hướng tăng. Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam thua lỗ cao, đặc biệt trong lĩnh vực bảo hiểm tài sản, đã khiến các nhà tái bảo hiểm quốc tế tăng giá tái bảo hiểm.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899