Các tài xế Grab phản đối công ty có đúng luật?

14/12/2020, 20:11

TCDN - Một luật sư nhận định các tài xế Grab chỉ là những người lao động. Họ không có động cơ xấu mà chỉ muốn đấu tranh, yêu cầu Grab đảm bảo các quyền lợi của họ.

Do hãng Grab tăng giá cước và tăng chiết khấu từ 25% lên 30% đối với mỗi cuốc xe, nhiều tài xế Grab đã đồng loạt phản ứng bằng hành động tắt phần mềm ứng dụng đặt xe App, tụ tập và diễu hành trên đường phố Hà Nội trong mấy ngày qua.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó giám đốc Công ty TNHH Luật TGS, cho hay đây không phải là lần đầu tiên các tài xế Grab đình công, tụ tập đông người để phản đối các chính sách của Grab mà trước đây nhiều vụ việc tương tự đã diễn ra.

"Nguyên nhân của các vụ việc là do Grab thay đổi chính sách, ảnh hưởng đến quyền lợi của các tài xế mà lại thiếu cơ chế, cách thức trao đổi minh bạch và tạo sự đồng thuận cần thiết, gây ra sự bức xúc và những phản ứng gay gắt từ phía các tài xế Grab", ông Hùng nói.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó giám đốc Công ty TNHH Luật TGS.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó giám đốc Công ty TNHH Luật TGS.

Mặt khác, theo luật sư Hùng, các quy định của pháp luật về hoạt động của các dịch vụ gọi xe công nghệ mới đang dần được xây dựng và hoàn thiện, vẫn còn chưa đầy đủ và có nhiều hạn chế, dẫn đến các lỗ hổng pháp lý có nguy cơ phát sinh các vướng mắc và tranh chấp.    

"Vì vậy, để hạn chế các vụ việc tương tự, trước tiên, Grab cần có những cơ chế minh bạch và phù hợp hơn trong việc điều chỉnh các chính sách của họ, để tạo ra sự hài hòa, cân bằng hơn về lợi ích và sự đồng thuận cho các tài xế. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần phải tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật, để tạo ra những khung pháp lý có thể phòng ngừa và giải quyết hiệu quả hơn các vụ việc tương tự", ông Hùng phát biểu.

Theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật Quản lý thuế, từ ngày 05/12/2020, mức thuế GTGT đối với dịch vụ gọi xe công nghệ sẽ tăng từ 3% lên 10% trên doanh thu. Đây là sự điều chỉnh cần thiết, phù hợp với các quy định pháp luật về thuế, cũng như thông lệ quốc tế và tạo ra sự bình đẳng trong kinh doanh giữa các doanh nghiệp. Với sự thay đổi này, Grab và các hãng gọi xe công nghệ khác sẽ phải tính toán, điều chỉnh lại về kê khai và nộp thuế.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, thuế GTGT là một loại thuế gián thu và thu của người tiêu dùng, người sử dụng dịch vụ, còn tài xế và Grab không phải đóng. Grab chỉ có nghĩa vụ thu, kê khai và nộp hộ người sử dụng dịch vụ. Đó là nghĩa vụ của Grab, không phải là nghĩa vụ của tài xế.

Vì vậy, Grab không thể lấy lý do tăng thuế GTGT theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ để vừa tăng giá cước, vừa tăng tỷ lệ chiết khấu của các tài xế. Hành động ấy ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của các tài xế nên họ có lý do chính đáng để phản ứng.

Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật Quản lý thuế, từ ngày 05/12/2020, mức thuế GTGT đối với dịch vụ gọi xe công nghệ sẽ tăng từ 3% lên 10% trên doanh thu.

Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật Quản lý thuế, từ ngày 05/12/2020, mức thuế GTGT đối với dịch vụ gọi xe công nghệ sẽ tăng từ 3% lên 10% trên doanh thu.

Các tài xế Grabike có quyền nêu ý kiến, thể hiện thái độ, sự phản đối của họ với với các chính sách mới của Grab, ví dụ như tăng giá cước. Song việc các tài xế Grabike đình công, tụ tập đông người nơi công cộng như những ngày vừa qua là hành động mang tính tự phát và không tuân thủ đúng các quy định về trình tự, thủ tục của việc đình công theo quy định của Luật lao động và quy định về tụ tập đông người ở nơi công cộng theo Nghị định số 38/2005/NĐ-CP của chính phủ.

Luật sư Hùng lưu ý rằng các tài xế Grabike chỉ là những người lao động, họ không có động cơ xấu mà chỉ muốn đấu tranh, yêu cầu Grab đảm bảo các quyền lợi của họ.

"Do đó, nếu các hoạt động này diễn ra một cách có trật tự, ôn hòa và không có các hành vi quấy rối, phá hoại, gây mất trật tự công cộng, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, chúng ta cũng không nên có quan điểm pháp lý quá cứng nhắc về vấn đề trình tự, thủ tục pháp lý mà nên có sự cảm thông và chia sẻ với các tài xế. Điều quan trọng là phía Grab và các cơ quan chức năng cần có những giải pháp phù hợp để giải quyết vụ việc, cũng như tránh lập lại các vụ việc tương tự và bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho các tài xế", ông Hùng nói.

Mạc Phong
Bạn đang đọc bài viết Các tài xế Grab phản đối công ty có đúng luật? tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Sau Grab, Gojek cũng tăng giá cước bù thuế GTGT
Tiếp sau Grab, từ ngày 12/12, Gojek cũng vừa tăng cước dịch vụ xe ôm công nghệ (GoRide), giao đồ ăn (GoFood), giao hàng (GoSend) tại Tp.HCM và Hà Nội sau khi Nghị định 126 có hiệu lực.