Cam Lộ sẽ sớm trở thành trung tâm cây dược liệu của Quảng Trị

27/10/2022, 11:20

TCDN - Nói đến cây dược liệu ở Quảng Trị nhiều người nghĩ ngay đến huyện Cam Lộ, bởi đây đang là tâm điểm phát triển cây dược liệu của tỉnh, loại cây này không những mang lại lợi ích về kinh tế mà còn đem đến những dòng sản phẩm có lợi cho sức khỏe của con người.

Là huyện nằm ở vùng gò đồi, Cam Lộ mang sắc thái của vùng chuyển tiếp địa hình từ dãy Trường Sơn thấp dần ra biển với 3 tiểu vùng rõ rệt tạo ra một vùng sinh thái đa dạng, nhiều tiềm năng để phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp hàng hóa mang tính tập trung cao. Vùng đất đỏ bazan với độ cao lý tưởng phù hợp để phát triển cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày đặc biệt là cây dược liệu với dược tính cao.

Sản phẩm dược liệu Cam Lộ được trung bày tại các Hội chợ thương maị

Sản phẩm dược liệu Cam Lộ được trung bày tại các Hội chợ thương maị

Từ những lợi thế đặc tính về thổ nhưỡng, những năm qua cùng với việc phát triển các loại cây trồng công nghiêp, cây dược liệu tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện Cam Lộ đã phát triển khá nhanh, mang tính chuyên canh, mà ban đầu được bắt nguồn từ thôn Định Sơn, xã Cam Nghĩa (Cam Lộ). Trước đây, để có nguyên liệu dùng nấu cao dược liệu, người dân thôn Định Sơn phải vào rừng tìm kiếm, khai thác hoặc thu mua từ các tỉnh khác về. Từ năm 2014, một số cây như chè vằng, cà gai leo được người dân nơi đây trồng thử nghiệm tại vườn nhà để chủ động nguồn nguyên liệu. Về sau bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2015, huyện Cam Lộ bắt đầu trồng thử nghiệm 2ha cà gai leo, 1ha chè vằng.

Đến năm 2016, huyện tiếp tục mở rộng mô hình trồng thử nghiệm các giống cây dược liệu như cà gai leo, chè vằng, ngưu tất, sinh địa, nghệ trên diện tích gần 30ha. Đến năm 2017, huyện Cam Lộ ban hành chính sách phát triển vùng nguyên liệu cao dược liệu với quy mô 30ha trồng cây chè vằng ở các xã: Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thủy, Cam Tuyền, Cam Hiếu và thị trấn Cam Lộ.

Như vậy, cho đến nay diện tích cây dược liệu trên địa bàn huyện Cam Lộ có trên 250ha bao gồm quế 114ha, chè vằng 68ha, cà gai leo 10ha, an xoa 15ha, nghệ 50ha và một số cây dược liệu khác như tràm năm gân, ba kích, hà thủ ô đỏ, đinh lăng, rau đay, xạ hương... tập trung phần lớn ở các xã Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Tuyền, Cam Hiếu, Cam Thủy. Ngoài ra, huyện đã triển khai xây dựng mô hình ươm giống Quế 1ha và một số giống cây dược liệu khác nhằm đảm bảo nguồn giống tại chỗ phục vụ cho địa bàn huyện và toàn tỉnh, nguồn thu mang lại từ trồng cây dược liệu, bình quân mỗi năm đạt khoảng 150 triệu đồng/ha, tạo việc làm cho khoảng 1.000 lao động.

Theo đó, một số loại dược liệu đã được mở rộng quy mô sản xuất để chế biến như chè vằng, nghệ, cà gai leo, an xoa... Các sản phẩm dược liệu được sản xuất và tiêu thụ với quy mô và số lượng tương đối lớn như: tinh bột nghệ, tinh dầu tràm, cao an xoa, cao lá vằng, trà cao lá vằng, cao cà gai leo, trà cà gai leo,...đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin dùng... Các sản phẩm này chủ yếu dưới dạng trà, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm... phục vụ bồi bổ sức khỏe, làm đẹp. Một số doanh nghiệp trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư trồng, thu mua chế biến dược liệu cùng với các cơ sở sản xuất, chế biến quy mô hộ gia đình, tạo nên các sản phẩm có thương hiệu.

Cây dược liệu trên cùng đất Cam Lộ

Cây dược liệu trên cùng đất Cam Lộ

Ông Phạm Viết Thanh - Trưởng Phòng Nông nghiệp PTNT Cam Lộ cho biết: Để nâng cao giá trị sản phẩm, tạo đầu ra thuận lợi cho người dân trồng cây dược liệu, thời gian qua, UBND huyện Cam Lộ đã tích cực tìm kiếm, kêu gọi liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời cũng đã được Trung tâm xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch tỉnh Quảng Trị quan tâm hỗ trợ, giới thiệu với các đối tác đến thăm và làm việc, đầu tư, liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Nhờ vậy, đã ký kết trồng và tiêu thụ sản phẩm cây quế với Công ty Quế hồi Việt Nam; ký kết bản ghi nhớ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dược liệu an xoa với Công ty Cổ phần AGRIDYNAMICS Việt Nam được thành phố Cal - Nev - Ari (Hoa Kỳ) hỗ trợ, tạo ra bước đột phá quan trọng trong xuất khẩu hàng hóa nông sản, đến nay, đã xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ 3 đợt với số lượng 3 tấn cao an xoa - giá trị hàng tỷ đồng. Bên cạnh đó, để chủ động trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu sản phẩm từ cây dược liệu, UBND huyện đã tạo điều kiện để Công ty Cổ phần AGRIDYNAMICS khảo sát, đầu tư xây dựng nhà máy chế biến các loại dược liệu xuất khẩu.

Ngày 16/5/2022, Công ty đã tiến hành khởi công xây dựng nhà máy tại Cụm công nghiệp Cam Hiếu, với công suất 300 tấn/năm. Điều đáng quan tâm, đó là sau một thời gian kết nối, làm việc giữa UBND huyện Cam Lộ và Công ty Cổ phần AGRIDYNAMICS Việt Nam, ngày 26/7/2022, UBND huyện đã tổ chức lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với thành phố Cal - Nev - Ari (Hoa Kỳ) với các nội dung về hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của huyện Cam Lộ vào thị trường Hoa Kỳ như: cao dược liệu (cao an xoa, cao rau đay quả dài, cây xạ hương, cao chè vằng, cao cà gai leo, cao hà thủ ô, ...), trà túi lọc (trà tía tô, trà cà gai leo, trà cần tây, trà diếp cá...), tinh bột nghệ, tiêu, gạo, dầu lạc, và các sản phẩm tiềm năng khác. Đồng thời tổ chức triển khai đầu tư xây dựng các nhà máy công nghệ cao, đầu tư trang thiết bị, máy móc sản xuất các sản phẩm từ cây dược liệu; đầu tư và phát triển vùng nguyên liệu để trồng cây dược liệu tập trung, quy mô lớn nhằm phục vụ chế biến xuất khẩu và tiêu thụ.

Ông Trần Hoài Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cho hay: Giai đoạn 2021 - 2025, Cam Lộ quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất tập trung chuyên canh ổn định với diện tích 500ha, trong đó có 100ha chè vằng; 200ha cây an xoa, 50ha cà gai leo, 100ha cây tràm năm gân Nhật Bản và 50ha các cây dược liệu khác như hà thủ ô, sâm bố chính, nghệ...

Đồng thời nghiên cứu, xây dựng ứng dụng quy trình kỹ thuật sản xuất giống, thâm canh trồng thuần, hữu cơ, công nghệ cao, có mã vùng và các chứng nhận hữu cơ, VietGAP… Bên cạnh đó, huyện Cam Lộ cũng chú trọng tuyên truyền, vận động người sản xuất rừng bảo tồn, khoanh nuôi và khai thác hợp lý các cây dược liệu dưới tán rừng để liên kết với các cơ sở, HTX chế biến gắn với đổi mới công nghệ chế biến, xây dựng thương hiệu tham gia vào chuỗi sản phẩm OCOP huyện, tỉnh và cả nước. Phấn đấu đến năm 2025, huyện trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh Quảng Trị.

Huy Long
Bạn đang đọc bài viết Cam Lộ sẽ sớm trở thành trung tâm cây dược liệu của Quảng Trị tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Quảng Trị xem xét thu hồi 60ha đất của 2 dự án treo
UBND tỉnh Quảng Trị đang xem xét đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc thu hồi đất đối với dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Đông Hà và dự án Xây dựng, phát triển và kinh doanh hạ tầng Cụm công nghiệp Đông Gio Linh do có nhiều vi phạm.