Đại biểu muốn tăng lương cơ sở từ ngày 1/1/2023
TCDN - Đại biểu Thái Thu Xương (Hậu Giang) kiến nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét tăng lương cơ sở từ ngày 1/1/2023 thay vì thời điểm 1/7/2023 theo đề xuất của Chính phủ. Chính phủ cần kiềm chế lạm phát, kiềm giá tránh tình trạng lương chưa tăng thì giá đã tăng, lương tăng 1 đồng giá tăng 2 đồng.
Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 27/11, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) cho rằng, tiền lương chậm được điều chỉnh, làm xảy ra hiện tượng cán bộ, công chức chuyển sang khu vực tư.
Đại biểu nhấn mạnh: “Từ 1/7/2019 đến nay, tiền lương cơ bản chưa được điều chỉnh, trong khi đó hàng năm chỉ số giá tiêu dùng vẫn tăng khoảng 4% làm cho tiền lương thực tế và chất lượng cuộc sống giảm xuống. Điều này tạo sự chuyển dịch nhân lực từ khu vực công sang khu vực tư”.
Trong khi đó, đại biểu Thái Thu Xương (Hậu Giang) cho rằng, do tình hình kinh tế, chính trị khu vực và thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, chuỗi cung ứng hàng hóa ở các thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro do giá cả không ổn định, đã tác động mạnh đến đời sống, việc làm và thu nhập của người lao động, đặc biệt là các nhóm yếu thế, lao động nghèo, lao động nhập cư tại các đô thị, khu công nghiệp lớn.
“Áp lực công việc quá lớn nhưng sự quan tâm đối với lực lượng lao động này chưa nhiều, chưa có chính sách đãi ngộ, hỗ trợ tương xứng đối với công sức của họ bỏ ra”, đại biểu nói.
Cũng theo đại biểu, thời gian gần đây khi có thông tin lương tối thiểu vùng được Chính phủ tăng thì giá cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc điều trị bệnh, sách giáo khoa, xăng dầu, viện phí, học phí… tăng liên tục. Trong khi tiền lương thực tế của cán bộ công chức, viên chức từ năm 2019 đến nay chưa tăng.
Lương tối thiểu vùng của người lao động tăng không cao chỉ 6%, thấp hơn nhiều so với chỉ số trượt giá và tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP. Điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống vật chất của cán bộ công chức viên chức đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp tới đối tượng yếu thế, người làm công ăn lương gây tâm lý lo âu cho đối tượng này.
“Từ ý chí nguyện vọng cử tri công chức, viên chức, đại biểu kiến nghị đề xuất Chính phủ, Quốc hội nghiên cứu thời gian tăng lương càng sớm càng tốt. Theo ý kiến của đại đa số công chức, viên chức người lao động đề xuất Chính phủ tăng lương từ 1/1/2023 vì theo phương án trình của Chính phủ từ 1/7/2023. Bên cạnh đó Chính phủ cần kiềm chế lạm phát, kiềm giá tránh tình trạng lương chưa tăng thì giá đã tăng, lương tăng 1 đồng giá tăng 2 đồng. Nếu như thế đời sống người dân nói chung càng khó khăn hơn”, đại biểu cho hay.
Thông tin tổng hợp ý kiến từ 19 tổ thảo luận về ngân sách cho thấy, nhiều ý kiến nhất trí với mức tăng lương cơ sở (1,8 triệu đồng/tháng) và tăng chi trả cho một số đối tượng như phương án Chính phủ trình.
Một số ý kiến cho rằng, tính từ lúc tăng lương vào thời điểm tháng 7/2019 cho đến tháng 7/2023 theo dự kiến tới đây là 4 năm. Như vậy người hưởng lương từ ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ngành giáo dục, y tế, kể cả cán bộ, công chức cấp xã.
Do đó, 11 đại biểu Quốc hội phản ánh, mong muốn của người hưởng lương là kiến nghị Chính phủ cần cân đối nguồn để bảo đảm điều chỉnh tăng lương sớm hơn từ ngày 1/1/2023, góp phần bảo đảm đời sống cho người hưởng lương.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị lưu ý việc điều chỉnh tăng trợ cấp cho người có công cần bảo đảm cao hơn chuẩn nghèo đô thị.
Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, việc thực hiện tăng lương cơ sở năm 2023 là cần thiết, nhưng cũng cần điều chỉnh trợ cấp bảo trợ xã hội ở mức cao hơn do hiện tại, mức hỗ trợ (360.000 đồng/người/ tháng) còn khá thấp so với mức chuẩn nghèo ở thành thị và nông thôn và cũng điều chỉnh từ ngày 1/7/2023 để bảo đảm tính thống nhất .
Có ý kiến nhất trí tăng lương tối thiểu, tuy nhiên đề nghị không tăng đồng đều, chỉ tăng cho bộ phận lương thấp, đồng thời phải có đánh giá lại mức sống cơ bản, mức sống tối thiểu theo vùng miền, khu vực. Đề nghị xem xét không tăng lương cơ sở đối với những đơn vị, địa phương có cơ chế đặc thù.
Có ý kiến đại biểu đề nghị tăng phụ cấp của cán bộ không chuyên trách cấp xã do mức hỗ trợ hiện tại chưa tạo được sự động viên cho người thực hiện nhiệm vụ; làm rõ các cơ quan thanh tra nhà nước có được điều chỉnh tăng lương cơ sở hay không.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng, cần xác định thời gian cụ thể thực hiện cải cách tiền lương từ năm 2024 trong Nghị quyết của Quốc hội, tránh tình trạng trì hoãn, kéo dài việc thực hiện Nghị quyết của Trung ương.
Chiều 20/10, thừa uỷ quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình Quốc hội tờ trình đánh giá tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách Nhà nước, phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023 và Kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2023-2025.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong năm 2023 chưa thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương. Tuy nhiên, từ ngày 1/7/2023 sẽ thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (khoảng 20,8%). Đồng thời sẽ tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách Nhà nước đảm bảo khoảng 12,5% và hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng chi trợ cấp ưu đãi người có công và tăng chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%.
Bên cạnh đó, từ ngày 1/1/2023 áp dụng điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận số 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị. “Các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định. Trong giai đoạn 2023 - 2025, cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính tăng thu ngân sách địa phương so với dự toán để dành nguồn cải cách tiền”, ông Phớc nêu. Đối với các cơ quan, đơn vị đang thực hiện các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù, tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù được cấp có thẩm quyền quy định đối với một số cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước cho tới khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899