Cấm xuất cảnh do nợ thuế: Tập trung vào người có nguy cơ, không phải tất cả

28/06/2024, 08:35
báo nói -

TCDN - Cấm xuất cảnh khi nợ thuế là một trong những biện pháp đảm bảo thu hồi nợ thuế, chống chây ỳ nợ thuế. Biện pháp cấm xuất cảnh này chủ yếu tập trung vào đối tượng là những người đại diện pháp luật của pháp nhân nợ thuế trên cơ sở cân nhắc hồ sơ người nộp thuế.

Là biện pháp cứng rắn, bảo đảm nguồn thu ngân sách

Chia sẻ với cơ quan báo chí về vấn đề cấm xuất cảnh đối với các trường hợp nợ thuế, tại Họp báo quý 2/2024 của Bộ Tài chính, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, việc cấm xuất cảnh chủ yếu tập trung vào đối tượng là những người đại diện pháp luật của pháp nhân nợ thuế.

Theo ông Đặng Ngọc Minh, nội dung này đã được quy định trong Luật Quản lý thuế cũng như trong nghị định của Chính phủ. Biện pháp cấm xuất cảnh chủ yếu tập trung vào đối tượng là những người đại diện pháp luật của pháp nhân nợ thuế, là một trong những biện pháp đảm bảo thu hồi nợ thuế, chống chây ỳ nợ thuế.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh.

Bên cạnh đó, đối với cá nhân, biện pháp này cũng áp dụng đối với người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế và người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, cơ quan Thuế có nhiều biện pháp để xác định trường hợp cấm xuất cảnh, trong đó sẽ tập trung vào trường hợp có nguy cơ chứ không phải là tất cả các trường hợp. Như vậy, cơ quan Thuế sẽ cân nhắc việc cấm xuất cảnh phụ thuộc vào hồ sơ cụ thể của người nộp thuế.

Về trình tự, với cá nhân thông thường, cơ quan Thuế sẽ có tin nhắn nhắc nhở, đôn đốc người nộp thuế. Sau các biện pháp đó, người nộp thuế vẫn chưa nộp tiền thuế nợ, cơ quan Thuế mới gửi thông tin cho cơ quan xuất cảnh để thực hiện biện pháp tạm hoãn theo đúng quy định. “Quy trình này được thực hiện rất chặt chẽ”, ông Minh nhấn mạnh.

Hiện, thông báo tạm hoãn xuất cảnh sẽ được gửi trực tiếp đến người nộp thuế theo địa chỉ đăng ký với cơ quan Thuế. Tuy nhiên, một số trường hợp do người nợ thuế thay đổi địa chỉ, không thông báo cập nhật cho cơ quan Thuế nên khi cơ quan Thuế gửi thông báo sẽ không nhận được.

Trước lo ngại của nhiều cá nhân về việc trở thành đối tượng bị hoãn xuất cảnh do không nắm được nợ thuế, ông Đặng Ngọc Minh cho biết, vừa qua, ngành Thuế đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người nộp thuế, trong đó đã triển khai ứng dụng hỗ trợ người nộp thuế như ứng dụng eTax Mobile. Hiện nay, theo ghi nhận của ngành Thuế, đã có hơn 1 triệu người tải eTax Mobile và sử dụng ứng dụng này.

Đối với việc quyết toán thuế có từ 2 nguồn thu nhập trở lên, hiện nay eTax Mobile đã có thông tin thu nhập từ 2 nguồn trở lên phải có nghĩa vụ tự quyết toán thuế. Trong 3 năm vừa qua, nếu cá nhân có nhiều nguồn thu nhập thì ứng dụng eTax Mobile cũng đã hỗ trợ thông báo về vấn đề này.

Theo Lãnh đạo Tổng cục Thuế, tới đây, những thông báo liên quan đến nghĩa vụ thuế cũng sẽ được cơ quan Thuế gửi lên ứng dụng này, đảm bảo thông tin kịp thời hơn. Trên thực tế, có trường hợp người nộp thuế không nhận được thông báo kịp thời nếu gửi thông báo qua địa chỉ kinh doanh, hoặc email đăng ký do người nộp thuế thay đổi địa chỉ không báo cho cơ quan Thuế.

Bên cạnh đó, sắp tới, một nội dung lớn cũng sẽ được triển khai là việc đưa số định danh căn cước công dân thành mã số thuế cá nhân. Qua đây, ngành Thuế cũng mong muốn người nộp thuế cập nhật thông tin hơn để giúp ngành Thuế quản lý tốt hơn.

Phó tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho biết, Tổng cục Thuế mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục thông tin tuyên truyền về ứng dụng này để người nộp thuế tiếp cận, nắm rõ được thông tin cũng như nghĩa vụ của cá nhân.

Trước đó, liên quan tới thông tin nhiều cá nhân bị hoãn xuất cảnh do nợ thuế, Tổng cục Thuế đã khuyến nghị người nộp thuế cần chủ động tra cứu nợ thuế đảm bảo hoàn thành nghĩa vụ thuế trước khi xuất cảnh.

Theo Tổng cục Thuế, theo quy định tại Luật Quản lý thuế, trường hợp sau 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, NNT chưa nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt thì cơ quan quản lý thuế thông báo cho NNT biết số tiền thuế, tiền phạt còn nợ và số ngày chậm nộp.

Luật Quản lý thuế cũng quy định việc cho phép NNT nộp dần tiền thuế nợ trong trường hợp có bảo lãnh của ngân hàng. Như vậy, cơ quan thuế đã nhắc nhở để các trường hợp vô tình nợ thuế khẩn trương nộp thuế và cũng có phương án nộp dần cho doanh nghiệp khó khăn không nộp được hết nợ một lần.

Về trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh, Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/2020/NĐ-CP đã quy định: các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh là cá nhân, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của NNT là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Hiện nay, số lượng NNT nợ thuế kéo dài là khá nhiều. Theo đó, với các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế thực hiện rà soát, đối chiếu, xác định chính xác nghĩa vụ nộp thuế của NNT thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh trước khi thực hiện gửi Thông báo đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và NNT để NNT hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xuất cảnh.

Đồng thời, NNT có thể chủ động tra cứu nợ thuế của mình trên hệ thống của ngành Thuế để đảm bảo hoàn thành nghĩa vụ thuế trước khi xuất cảnh. Biện pháp tạm hoãn xuất cảnh sẽ là một biện pháp cảnh báo cho NNT đang nợ thuế để đảm bảo việc hoàn thành nghĩa vụ thuế vào ngân sách nhà nước để nâng cao tính tuân thủ của NNT.

Không phân biệt mức tiền nợ thuế

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Gần đây, ngày càng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bị cấm xuất cảnh vì nợ thuế, thậm chí với số tiền rất nhỏ, chưa tới 1 triệu đồng.

Điển hình như cuối tháng 5/2024, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 4 (Cục Hải quan Tp.HCM) có 5 thông báo gửi Cục Quản lý xuất cảnh đề nghị tạm hoãn xuất cảnh với một số đại diện pháp luật của các doanh nghiệp đang nợ thuế. 

Trong đó có trường hợp của bà L.H.B - Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH Thương mại hóa chất G.T (Bình Dương). Bà L.H.B bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 18/5 với lý do doanh nghiệp mà bà đang đại diện pháp luật nợ thuế 997.222 đồng. 

Một số lãnh đạo doanh nghiệp khác cũng bị cấm xuất cảnh do nợ thuế. Có những trường hợp số tiền nợ thuế không nhiều.

Trong đó, có ông T.T.Q, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Ngọc Diệu. Doanh nghiệp này bị cưỡng chế số tiền nợ thuế chỉ hơn 10 triệu đồng.

Ông D.H.S, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Gỗ Sài Gòn Đông Dương, cũng bị tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 18/5 do doanh nghiệp này nợ thuế hơn 61 triệu đồng.

Giám đốc một công ty tại Tp.HCM cũng bị tạm hoãn xuất cảnh do doanh nghiệp nợ 1,1 triệu đồng tiền thuế, chưa bao gồm các khoản phạt chậm nộp.

Trên thực tế, chuyện cấm xuất cảnh vì nợ thuế đã được áp dụng từ vài năm nay. Nhưng sự việc được quan tâm nhiều gần đây khi có hàng dài doanh nhân trong danh sách nợ thuế bị bêu tên ở trang thông tin của hải quan địa phương.

Nhiều người cho rằng, quy định này là cần thiết song có phần hơi cứng nhắc. Bởi trong số những người nợ thuế, có nhiều người do kinh tế khó khăn, cũng có người do không biết mình nợ thuế. Mức nợ thuế chỉ vài trăm ngàn đồng cũng bị cấm xuất cảnh là chưa phù hợp.

Có ý kiến cho rằng, cần phải có quy định rõ ràng hơn về vấn đề này. Ví dụ như tăng ngưỡng áp dụng mức nợ thuế là bao nhiêu thì mới cấm xuất cảnh, vì không doanh nghiệp nào trốn vài trăm nghìn đồng tiền thuế, hoặc cơ quan thuế phải làm cách nào để người thi hành quyết định được biết mình đang nợ thuế, đến thời hạn nào không thi hành sẽ bị cấm xuất cảnh. 

Trả lời báo chí, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận định, pháp luật hiện hành không quy định cụ thể số tiền nợ thuế bị cấm xuất cảnh. Như vậy, để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, dù có nợ thuế số tiền lớn hay nhỏ, đều có thể bị tạm hoãn xuất cảnh.

Chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được cho biết, việc cấm xuất cảnh do nợ thuế đã quy định trong Luật Quản lý thuế. Số tiền nợ thuế dưới 1 triệu đồng so với hoạt động, quy mô vốn của doanh nghiệp là rất nhỏ. Do đó, nếu lấy lý do khó khăn nên không nộp được số thuế này là chưa hợp lý mà có dấu hiệu chây ỳ.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SB Law chia sẻ, trước mắt cơ quan thuế nên đề xuất mức nợ thuế khi áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh như một cá nhân nợ thuế trên 100 triệu đồng hay doanh nghiệp nợ hơn 1 tỷ đồng.

Doanh nhân, doanh nghiệp cần chấp hành nghiêm pháp luật

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Trong thời gian ngắn, các chi cục hải quan thuộc Cục Hải quan Tp.HCM đã ra quyết định liên quan đến việc tạm hoãn xuất cảnh với hàng chục cá nhân là đại diện pháp luật của doanh nghiệp (DN) do nợ thuế.

Điển hình, Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực IV vừa gửi Cục Quản lý Xuất nhập cảnh - Bộ Công an, thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Lê Huy Bình, Giám đốc, đại diện pháp luật của Công ty TNHH Thương mại Hóa chất Hải Đăng. Lý do: công ty ông Bình chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế 977,2 triệu đồng tiền thuế.

Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực IV cũng thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Nguyễn Hữu Huỳnh, Giám đốc, đại diện pháp luật chi nhánh Công ty TNHH công nghệ thực phẩm An Thái. Công ty ông Huỳnh nợ gần 290 triệu đồng tiền thuế. Cũng với việc bị cưỡng chế hơn 10,2 triệu đồng tiền thuế, ông Trần Tô Quyền, Giám đốc, đại diện pháp luật của Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Ngọc Diệu bị tạm hoãn xuất cảnh.

Chi cục Thuế khu vực Biên Hòa - Vĩnh Cửu, thuộc Cục Thuế tỉnh Đồng Nai thông báo về việc đề nghị Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) tạm hoãn xuất cảnh đối với 64 cá nhân là đại diện pháp luật của các DN nợ thuế.

Trước đó, tháng 10/2023, Chi cục Thuế khu vực quận 7 - huyện Nhà Bè trực thuộc Cục Thuế Tp.HCM cũng đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấm xuất cảnh đối 11 cá nhân là đại diện pháp luật của 11 DN nợ thuế.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó cục trưởng Cục Thuế Tp.HCM, pháp luật cho phép ngành thuế gửi thông báo đề nghị Cục Quản lý Xuất nhập cảnh tạm hoãn xuất cảnh đối với người vi phạm về thuế. "Sau khi các cá nhân này nộp thuế đầy đủ, cơ quan thuế sẽ thông báo cho Cục Quản lý Xuất nhập cảnh biết để tháo gỡ việc tạm hoãn xuất cảnh" - ông Dũng nói thêm.

Trong các trường hợp người đại diện DN nợ thuế bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh có đơn vị nợ vài chục tỷ đồng nhưng cũng có DN nợ chỉ vài trăm ngàn đồng. Như trường hợp giám đốc, người đại diện pháp luật Công ty TNHH Thương mại Hóa chất Gia Thăng bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh do DN này nợ thuế hơn 997.000 đồng, chưa gồm các khoản phạt chậm nộp.

Theo các DN, mục đích cuối cùng của các biện pháp chế tài đối với DN nợ thuế là làm sao thu được số tiền nợ đó về cho ngân sách nhà nước. Vì vậy, biện pháp cưỡng chế tài khoản DN phải là ưu tiên hàng đầu.

Giám đốc một DN ở quận 7 cho biết năm 2023, ông từng nhận thông báo của Chi cục Thuế quận 7 về việc DN nợ thuế GTGT khoảng 10 triệu đồng. Cơ quan thuế yêu cầu trong vòng 5 ngày kể từ khi phát hành thông báo, DN phải nộp thuế, nếu không sẽ tiến hành biện pháp chế tài, trong đó có đề nghị tạm hoãn xuất cảnh. "Kế toán công ty làm báo cáo thuế đầy đủ nhưng quên nộp thuế, đến khi nhận thông báo thì lập tức nộp thuế và nộp phạt.

Các biện pháp cưỡng chế đầu tiên là phong tỏa tài khoản ngân hàng, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng… Khi đó, nếu DN vẫn không nộp thuế thì buộc cơ quan thuế phải áp dụng nhiều biện pháp khác, trong đó có việc đề nghị cấm xuất cảnh đối với người đại diện pháp luật. Cơ quan thuế là đơn vị chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc chủ DN bị cấm xuất cảnh.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành thuế là tập trung thu hồi nợ thuế, bảo đảm nguồn thu nhà nước. Do đó cơ quan thuế phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế để DN có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách.

Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 36 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 về các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh thì:

Các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh

...

4. Người phải thi hành án dân sự, người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự nếu có căn cứ cho thấy việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để bảo đảm việc thi hành án.

5. Người nộp thuế, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

6. Người đang bị cưỡng chế, người đại diện cho tổ chức đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn.

7. Người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn.

...

Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 126/2020/NĐ-CP cũng có quy định về các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh liên quan đến việc hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế bao gồm:

Hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh

1. Các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh bao gồm:

a) Cá nhân, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

...

Theo các quy định trên, giám đốc doanh nghiệp nợ thuế và đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì sẽ bị cấm xuất cảnh.

Hiện pháp luật chưa quy định cụ thể ngưỡng nợ bị áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh đối với trường hợp này.

Vì vậy, nếu chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, dù có đang nợ thuế bao nhiêu cũng sẽ bị cấm xuất cảnh. Thậm chí, nhiều giám đốc doanh nghiệp bị cấm xuất cảnh chỉ vì nợ thuế từ vài trăm nghìn đồng hoặc vài triệu đồng đến hàng trăm tỷ đồng.

Viết Dinh
Bạn đang đọc bài viết Cấm xuất cảnh do nợ thuế: Tập trung vào người có nguy cơ, không phải tất cả tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan