Cạnh tranh khốc liệt, nhưng dư địa hàng không Việt Nam vẫn còn rất lớn

07/10/2019, 06:38

TCDN - Nhiều dự án hãng bay mới đang được đề xuất, chờ cấp phép. Sự hào hứng mở hãng bay mới cho thấy sự hấp dẫn của thị trường này.

Tăng trưởng vượt bậc

Trong khoảng hơn chục năm qua, ngành hàng không Việt Nam đã có những bước tăng trưởng vượt bậc. Năm 2008, Việt Nam mới chỉ có 60 máy bay, thì đến nay đã tăng gấp hơn 3 lần, lên 192 chiếc. Trước đây đội bay chủ yếu chỉ có Vietnam Airlines, trong khi hiện đã có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp tư nhân như Vietjet, Bamboo Airways... Cho đến hết tháng 9/2019, đội tàu bay cánh bằng của các hãng hàng không Việt Nam đạt 200 chiếc, tăng gần gấp đôi so với thời điểm tháng 8/2014 (102 chiếc).

Trong đó, Vietnam Airlines (bao gồm Vasco) 98 tàu, Jetstar Pacific Airlines 18 tàu, Vietjet 70 tàu, Bamboo Airways 10 tàu. 8 tháng đầu năm 2019, sản lượng vận chuyển hành khách của các hãng hàng không đạt 53,3 triệu khách tăng 11,5%, trong đó, các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển đạt 37,3% tăng gần 10% so với cùng kỳ 2018.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành, sự phát triển của hàng không Việt Nam xuất phát từ tăng trưởng kinh tế trong nước và thu nhập của người dân, nhiều năm qua, GDP của Việt Nam tăng trưởng rất ấn tượng. Trong 10 năm qua đạt ổn định từ 5,5 - 7,5%/năm, hàng không tăng trưởng gấp từ hai đến 2,5 lần là hoàn toàn phù hợp đánh giá, dự báo của các tổ chức lớn trên thế giới.

Ông Thành cho rằng, dư địa phát triển hàng không của Việt Nam còn rất lớn, hiện năng lực chuyên chở mới đạt 50 triệu lượt/năm. Ngành hàng không có đặc thù không chỉ tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong nước mà cả quốc tế, an toàn luôn phải được đặt lên hàng đầu, điều này không chỉ quyết định sự tồn tại của một hãng hàng không mà còn là danh dự, uy tín của cả quốc gia.

Miếng bánh ngon, nhiều đại gia dòm ngó

Hiện tại, thị trường hàng không hiện có sự tham gia khai thác của 5 hãng hàng không Việt Nam và hơn 70 hãng hàng không nước ngoài từ 24 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới. Tại thị trường nội địa, nhóm Vietnam Airlines (Vietnam Airlines và Jetstar) đang chiếm 49,8% thị phần, Vietjet đang nắm 44%. Hãng hàng không mới tham gia thị trường từ tháng 1/2019 Bamboo Airways đang nắm giữ 4,2% và Vasco chiếm 2%. 

hang-khong-15629316641401148389209

Các hãng hàng không Việt Nam đang khai thác thường lệ 138 đường bay quốc tế và 50 đường bay nội địa. Trong đó, Vietnam Airlines bay 60 đường quốc tế, 33 đường nội địa, Jetstar bay 13 đường quốc tế, 23 đường nội địa. Vietjet đang khai thác 96 đường bay quốc tế, 35 đường bay nội địa. Bamboo Airways chưa bay quốc tế và đang khai thác 22 đường bay nội địa.

Vasco khai thác 9 đường bay nội địa. Chiếm phần lớn trong “miếng bánh” hàng không béo bở hiện nay là Vietnam Airlines và Vietjet Air. Đáng chú ý là thị phần bay của Vietjet Air tăng rất mạnh và đang gần bám sát tổng số chuyến bay của Vietnam Airlines.

Hãng hàng không giá rẻ AirAsia (Malaysia) vừa tái khẳng định mục tiêu đầu tư vào Việt Nam khi ký kết biên bản ghi nhớ với Hàng không Hải Âu (HAA) để thành lập hãng hàng không giá rẻ, sau 3 lần nỗ lực xâm nhập nhưng thất bại.

AirAsia vẫn đang nỗ lực xâm nhập thị trường hàng không Việt Nam

AirAsia vẫn đang nỗ lực xâm nhập thị trường hàng không Việt Nam

Ts. Trần Quang Châu - Chủ tịch Hội khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam đánh giá, “bức tranh hàng không của Việt Nam đẹp như hiện nay có phần không nhỏ nhờ sự tham gia của tư nhân, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng. Thêm hãng hàng không tức là thêm cạnh tranh chất lượng và dịch vụ. Hành khách sẽ có cơ hội sử dụng phương tiện vận chuyển hàng không với mức giá hợp lý, phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của từng phân khúc.

Khi “miếng bánh” hàng không đang ngày càng có nhiều doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước nhắm đến, sự cạnh tranh của các hãng hàng không sẽ ngày càng khốc liệt. Hiện nay, Vietnam Airlines và Vietjet Air gần như chiếm toàn bộ thị phần nội địa. Trong khi Vietnam Airlines hướng đến phân khúc khách hàng cao cấp, lấy chất lượng dịch vụ làm điểm mạnh, thì Vietjet và Jetstar cạnh tranh bằng tiêu chí về giá.

Sự xuất hiện của Bamboo Airways với mô hình kết hợp hàng không với du lịch, tập trung khai thác những sân bay chưa hoạt động hết công suất đã mang lại một "làn gió" mới cho thị trường."

Một “cuộc chơi lớn” luôn không hề dễ dàng, đặc biệt khi kinh doanh vận chuyển hàng không là lĩnh vực đặc thù, đòi hỏi các hãng hàng không phải thực sự có năng lực về tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý vận hành, khai thác đội tàu bay. 

Thực tế, tại Việt Nam, từng có nhiều hãng hàng không phải bỏ dở cuộc chơi hoặc “chết” từ trong trứng nước, như: Indochina Airlines, Mekong Air, Trai Thien Air Cargo, Blue Sky Air...Có hãng đã bay thương mại được 1 đến hơn 2 năm (điển hình là Indochina Airlines, Mekong Air), có hãng đã được cấp phép song lại im ắng, không thấy có bất cứ hoạt động gì chứng tỏ có thể cất cánh (Trai Thien Air Cargo), thậm chí gần như biến mất (Blue Sky Air).

Jetstar Pacific - hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Việt Nam - từng đứng trên bờ vực phá sản do ngập trong nợ nần, thua lỗ tới hơn 2.000 tỷ đồng. Năm 2012, nhờ được “về một nhà” với Vietnam Airlines, tái cơ cấu đã dần thoát lỗ và bắt đầu có lãi.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng đã có chính sách huy động nguồn lực xã hội vào hạ tầng hàng không, có một số nhà đầu tư tư nhân đã tham gia đầu tư vào hạ tầng hàng không. Sân bay Vân Đồn chính là một mô hình thành công về việc thu hút xã hội hóa và giúp cho địa phương phát triển du lịch rất tốt. Tương tự, tại Bình Định, cách đây vài năm, Quy Nhơn mỗi năm chỉ đón vài chục nghìn khách quốc tế, sau khi Tập đoàn FLC đầu tư khu du lịch nghỉ dưỡng và mở đường bay, thủ phủ của Bình Định đã trở thành điểm du lịch được nhiều người ưa chuộng.

Sân bay Phù Cát mấy năm trước, Nhà nước còn phải hỗ trợ giá cho Hãng Vietnam Airlines, còn bây giờ, mỗi ngày sân bay này đã có 20 chuyến bay cất và hạ cánh, đón hơn 300 nghìn khách quốc tế mỗi năm. 

Lê Khôi
Bạn đang đọc bài viết Cạnh tranh khốc liệt, nhưng dư địa hàng không Việt Nam vẫn còn rất lớn tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan