Kết quả kinh doanh khả quan, VN-Index vượt mốc 1.000 điểm trong tháng 10?
TCDN - Theo VDSC, thị trường có thể khởi sắc trong tháng Mười nhờ nội tại vĩ mô tích cực và KQKD quý III khả quan của các nhóm ngành dẫn dắt. Mặc dù vậy, khả năng duy trì trên mốc này vẫn đối diện nhiều thách thức, đặc biệt trong bối cảnh dòng tiền ngoại vẫn chưa có dấu hiệu quay trở lại
CTCP Chứng khoán Rồng Việt vừa phát hành Báo cáo Chiến lược đầu tư tháng 10/2019 với tiêu đề “LỰC ĐẨY TỪ BÊN TRONG”. Theo đó có một số thông tin được tổng hợp và phân tích kỹ với nhiều thông tin đáng chú ý có ảnh hưởng tới TTCK Việt Nam.
KQKD quý III có thể tiếp tục khả quan nhờ môi trường vĩ mô trong nước
Môi trường vĩ mô trong nước tích cực khi tăng trưởng kinh tế đạt 6,98% sau 9T/2019 và cao nhất trong 9 năm qua so với cùng kỳ. Trong khi đó lạm phát tiếp tục ở mức thấp khi chỉ đạt 2,5% và thấp hơn nhiều mục tiêu của chính phủ. Vốn FDI đăng ký và giải ngân ghi nhận tăng tích cực trong tháng Chín khi tăng lần lượt là 47% và 60% MoM. Bối cảnh vĩ mô trong nước tích cực có thể hỗ trợ cho kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trên sàn. Theo như khảo sát từ chuyên viên ngành đối với nhóm cổ phiếu trong VN30, chúng tôi nhận thấy tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sẽ phân hóa giữa các nhóm ngành và giữa các cổ phiếu. Trong đó, các cổ phiếu dẫn đầu trong một số nhóm ngành đã tăng trưởng tốt sau sáu tháng như Ngân hàng, Bất động sản và Bán lẻ có thể tiếp tục ghi nhận tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận khả quan.
Theo VDSC, KQKD quý II đã ảnh hưởng khá nhiều đến diễn biến thịtrường trong tháng Bảy. Do đó với dự báo KDKQ quý III tiếp tục khả quan ở các cổ phiếu dẫn đầu trong các nhóm ngành quan trọng, thị trường thời gian tới có thể diễn biến khá tích cực.
Dòng tiền ngoại bị ảnh hưởng bởi rủi ro từ bên ngoài
Mặc dù khía cạnh trong nước thuận lợi, môi trường bên ngoài vẫn còn nhiều rủi ro khi nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, đang có xu hướng tăng chậm lại. Chỉ số sản xuất của Mỹ chỉ đạt 47,8 trong tháng Chín, thấp nhất trong 10 năm qua. Kết quả là thị trường đang đặt cược nhiều hơn vào việc Fed có thể sẽ phải tiếp tục giảm lãi suất vào kỳ họp cuối tháng Mười này. Trong khi đó, diễn biến chiến tranh thương mại đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý của thị trường trong suốt một năm qua. Mặc dù Mỹ Trung sẽ tiếp tục nối lại đàm phán trong tháng Mười tuy nhiên những động thái từ phía Mỹ như chỉ trích Trung Quốc hay xem xét hạn chế đầu tư sang Trung Quốc và hủy bỏ niêm yết của các công ty Trung Quốc ở sàn giao dịch chứng khoán Mỹ đang cho thấy vẫn chưa có một dấu hiệu rõ ràng về một thỏa thuận. Diễn biến Brexit thời gian qua mặc dù không ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, hạn chót để nước Anh rời khỏi Châu Âu đang tới gần trong khi Thủ tướng Anh tuyên bố sẽ không kéo dài thời gian. Do đó trong trường hợp Anh rời Châu Âu mà không có thỏa thuận có thể ảnh hưởng đến các thị trường quốc tế và gián tiếp ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam. Do đó, dòng tiền ETF có thể tiếp tục bị ảnh hưởng trong thời gian tới. ETF đã ghi nhận rút ròng 12 triệu đô trong tháng Chín và với độ trễ một tháng của dòng tiền ETF và giao dịch khối ngoại trên sàn, rất có thể các nhà đầu tư ngoại sẽ tiếp tục bán ròng trên sàn nhưng sẽ ít hơn so với tháng vừa rồi.
VN-Index có thể cán mốc 1.000 điểm vào cuối tháng 10
Theo VDSC, với sự ổn định vĩ mô, triển vọng tăng trưởng tốt và sự cải thiện lợi nhuận tích cực từ các Doanh nghiệp niêm yết, VN-Index có khả năng duy trì trên 1.000 điểm vào cuối năm 2019. thị trường có thể khởi sắc trong tháng Mười nhờ nội tại vĩ mô tích cực và KQKD quý III khả quan của các nhóm ngành dẫn dắt. Do vậy, xác suất VNIndex vượt ngưỡng 1.000 điểm đang cao hơn. Mặc dù vậy, khả năng duy trì trên mốc này vẫn đối diện nhiều thách thức, đặc biệt trong bối cảnh dòng tiền ngoại vẫn chưa có dấu hiệu quay trở lại.”
Thị trường dao động với biên độ ngày càng hẹp và các nhịp điều chỉnh/hồi phục ngày càng ngắn hơn, thể hiện qua việc VN-Index 2 lần tiếp cận ngưỡng kháng cự 1.000 điểm trong tháng 9. Các yếu tố vĩ mô trong nước tích cực như Ngân hàng nhà nước giảm lãi suất điều hành và tăng trưởngGDP cùng kỳ cao nhất trong 9 năm là điểm sáng hỗ trợ thị trường trong bối cảnh nhà đầu tư ngoại vẫn bán ròng. Một sự kiện đáng chú ý cuối tháng vừa qua là kỳ công bố xếp hạng thị trường của FTSE Russell.Trong lần review này TTCK Việt Nam vẫn chưa được nâng hạng từ thị trường Frontier lên Secondary Emerging do tiêu chí trọng yếu “Bù trừ và Thanh toán – T+2/T+3” bị đánh giá ở mức“hạn chế”. Ngoài ra, FTSE cũng khuyến nghị Việt Nam cần rút ngắn thời gian mở tài khoản và cócơ chế mới dễ dàng hơn trong giao dịch giữa các nhà đầu tư ngoại đối với với các cổ phiếu đã hoặc đang gần chạm tỷ lệ giới hạn sở hữu nước ngoài.
VDSC đánh giá, tác động đan xen từ yếu tố thế giới và trong nước khiến việc đoán định điểm số thị trường trở nên không còn trọng yếu. Thay vào đó, như quan điểm xuyên suốt từ đầu năm, VDSC đề cao việc chọn lọc cổ phiếu nhiều hơn. Theo đó, các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh gắn liền với sự tăng trưởng từ tiêu dùng và đầu tư trong nước là những doanh nghiệp mà NĐT với mục tiêu nắm giữ dài hạn có thể xem xét.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899