CEO Mancom Ngô Trọng Thanh: Áp thuế với các sản phẩm bán qua sàn thương mại điện tử là cần thiết và cấp bách

13/10/2024, 10:14

TCDN - Theo CEO Mancom Ngô Trọng Thanh, việc áp thuế với các sản phẩm bán qua sàn thương mại điện tử là cần thiết và cấp bách để tạo ra sân chơi công bằng hơn, phần nào mang lại ‘khoảng thở’ cho doanh nghiệp.

Nhân Kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh Nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2024), Tổng giám đốc Công ty Mancom Ngô Trọng Thanh đã có những chia sẻ với Tài chính Doanh nghiệp về nhận định, thách thức cho doanh nghiệp trong giai đoạn này.

Thời điểm này là năm thứ 2 từ khi đại dịch covid-19 kết thúc, với tư cách người người chủ doanh nghiệp, ông đánh giá thế nào về tình hình kinh tế hiện nay, khó khăn và thách thức?

CEO Mancom Ngô Trọng Thanh - Trong suốt thời gian dịch giã, chúng ta đã từng động viên nhau chịu đựng trong đại dịch trăm năm có một, với niềm tin sau cơn mưa trời lại sáng. Năm 2023, chúng ta lại tiếp tục động viên nhau, do sự phục hồi không đến nhanh như kỳ vọng. Và ít nhất đến thời điểm này của năm 2024, sự phục hồi vẫn còn ở nơi xa lắm.

Tổng giám đốc Công ty Mancom Ngô Trọng Thanh: Hãy cố gắng khám phá sức mạnh tiềm ẩn trong mô hình Modition của doanh nghiệp.

Tổng giám đốc Công ty Mancom Ngô Trọng Thanh: Hãy cố gắng khám phá sức mạnh tiềm ẩn trong mô hình Modition của doanh nghiệp.

Cho dù, số liệu tổng kết về tăng trưởng GDP quý 3/2024 được cho là vượt dự tính, và cũng có một vài ngành hàng đã khởi sắc, nhưng với những gì được nghe, được thấy từ các doanh nghiệp, tôi tin rằng vẫn có khoảng lệch pha lớn giữa con số vĩ mô và cảm nhận của giới doanh nhân.  

Kinh tế của chúng ta vốn có độ trễ nhất định so với thế giới, và lần này không ngoại lệ. Mỹ, Châu Âu và những đầu tàu kinh tế khác đang lấy lại đà tang trưởng. Và vì vậy, chúng ta sẽ tiếp tục đặt kỳ vọng vào thời gian tới, với những cơ sở logic hơn, thay vì cảm xúc.

Ông nhận định có thách thức nào cho doanh nghiệp trong giai đoạn này?

CEO Mancom Ngô Trọng Thanh - Xin được tập trung vào những thách thức của doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Tuy doanh thu của họ chỉ chiếm 20% trong toàn ngành công nghiệp, nhưng chiếm gần 90% số lượng doanh nghiệp của chúng ta. Có thể về mặt kinh tế, họ chưa phải là thành phần quan trọng nhất, nhưng dưới góc độ xã hội, họ là thành phần đông đảo, nơi giải quyết công ăn việc làm cho giới lao động, là nguồn thu nhập nuôi sống cho bao gia đình công nhân, đặc biệt tại các vùng kém phát triển.

Bên cạnh những khó khăn thách thức cố hữu, như trình độ quản lý, chất lượng nhân lực, lợi nhuận biên, hay khả năng tiếp cận vốn, thì thời gian gần đây, họ phải đối diện với một thách thức mới, phải cạnh tranh quyết liệt hàng Trung Quốc tràn vào thị trường nội địa, thông qua các trang mạng điện tử.

Hơn 20 năm trước, trong chuyến công tác sang Trung Quốc lần đầu tiên, tôi đã rất sửng sốt với sự chuẩn bị của phía bạn trước khi mở cửa đường biên mậu với Việt nam. Đối tác của tôi khi đó nói tiếng Việt hoàn hảo, hiểu biết thị trường Việt Nam hơn cả người bản xứ.

Sau hơn 20 năm, ngày hôm nay họ hiểu thị trường hơn nữa, lại thêm sự vượt trội về công nghệ, trong đó có thương mại điện tử, họ có khả năng cung cấp hàng hóa rẻ, đẹp, và dịch vụ giao hàng hết sức nhanh trong toàn quốc. 

Hàng chục tỷ dollars mỗi năm, hầu như không đóng thuế, và phần lớn là hàng tiêu dùng - đây cũng chính là ngành hàng chủ đạo của các công ty SME trong nước. 

Con số hàng chục tỷ dollars tiền hàng này bằng doanh thu của bao nhiêu doanh nghiệp SME trong nước? Đó thực sự là một thách thức quá lớn với doanh nghiệp SME của chúng ta.  

Và họ có những lợi thế rất lớn?

CEO Mancom Ngô Trọng Thanh - Cách đây vài năm, khi tư vấn cho 1 doanh nghiệp Việt mở rộng thị trường sang Myanmar, nơi hàng Trung Quốc có thị phần rất lớn. Tôi cùng một chủ doanh nghiệp sang bên đó nghiên cứu thị trường, nghiên cứu đối thủ cạnh tranh. Trên đường về nước, chúng tôi nhìn nhau thở dài. Nếu không có những sản phẩm mang dấu ấn riêng, chúng tôi sẽ không có cơ hội. Nếu cùng sản xuất 1 mặt hàng, giá thành của chúng tôi sẽ gấp ít nhất 2 lần so với họ.

Với bất kỳ doanh nghiệp nào, quy mô thị trường luôn là yếu tố đầu tiên để xem xét. Nhờ thị trường 1,4 tỷ dân, GDP bình quân đầu người khoảng $13,000 năm 2024, sức mua nội địa của họ đã đủ màu mỡ để các doanh nghiệp của họ phát triển. Hơn thế nữa, chính phủ Trung Quốc còn ưu đãi thế cho hàng xuất khẩu. Mỗi mặt hàng xuất đi, được hoàn thuế thậm chí tới 18%.

Nhưng điều đáng nể nhất, sức cạnh tranh lớn nhất chính là chuỗi cung ứng của họ. Từ chuỗi công nghiệp phụ trợ cho sản xuất - nơi mỗi doanh nghiệp chuyên môn hóa 1 mặt hàng, thậm chí 1 chi tiết nhỏ, cùng với quy mô sản xuất khổng lồ đã giúp họ hạ giá thành tới mức khó tin. Xa hơn nữa, chuỗi cung ứng lưu thông nhịp nhàng cùng nền tảng thương mại điện tử, như Alibaba, Tiktok,… đã đẩy sức cạnh tranh vượt trội trên phần lớn các công đoạn, từ nguyên liệu - sản xuất - tiếp thị - tới lưu thông phân phối.

Người ta nói rằng, vài trăm năm trước người Hoa di cư đã xây dựng lên cơ nghiệp trên miền đất mới, khởi đầu chỉ từ 1 thùng lạc rang húng lìu. Ngày nay, họ cũng có làn sóng tiếp theo, không chỉ húng lìu, mà bằng hàng ngàn, hàng triệu mặt hàng tiêu dùng.

Là đất nước cận biên, mối rủi ro đó dường như lớn hơn với chúng ta so với các quốc gia khác.

Vậy đâu là lợi thế, hay thị trường mà doanh nghiệp SME của chúng ta cần khai thác trên chính thị trường trong nước?

CEO Mancom Ngô Trọng Thanh - Việc đầu tiên, chúng ta cần các chính sách vĩ mô của các cơ quan công quyền. Việc áp thuế với các sản phẩm bán qua sàn thương mại điện tử là cần thiết và cấp bách. Điều này đã được các nước láng giềng như Thailand, Malaysia, Indonesia,… áp dụng từ lâu, để tạo ra sân chơi công bằng hơn, phần nào mang lại ‘khoảng thở’ cho doanh nghiệp của họ.

Thậm chí, chính phủ Indonesia đang có kế hoạch cấm sàn thương mại điện tử giá rẻ Temu của Trung Quốc với cáo buộc tổn hại cho nền kinh tế và xã hội.

Nhưng tất nhiên, quan trọng nhất là mỗi doanh nghiệp cần tìm ra thị trường riêng của mình, với những sản phẩm và dịch vụ mà mình có lợi thế cạnh tranh.

Đầu năm nay, trong buổi chào xuân năm mới, một doanh nhân vốn là khách hàng của tôi đang hoạt động trong ngành thực phẩm đã tâm sự "em cảm thấy giờ chỉ có thực phẩm mình mới có cửa so với họ".

Điều đó đúng, và phản ánh phần nào về thị trường, nơi lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp chúng ta đã và đang có. Thực phẩm luôn có tính địa phương, và chúng ta hơn ai hết sẽ chiều chuộng khẩu vị người tiêu dung trong nước tốt hơn.

Trong những chương trình tư vấn cho khách hàng là các doanh nhân trong nước, tôi hay gợi ý về mô hình Modition - sự kết hợp giữa Modern (hiện đại) và Tradition (Truyền thống). Trong đó, những sản phẩm dịch vụ mang tính truyền thống được nâng tầm, phù hợp vưới cuộc sống hiện đại là một xu hướng được người tiêu dùng đánh giá cao. Nó mang lại những giá trị truyền thống của ông cha, nhưng được nâng cấp, mang đến sự thuận tiện cho nhịp sống hiện đại.  

Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam, ông muốn nhắn nhủ điều gì đến các doanh nhân?

CEO Mancom Ngô Trọng Thanh - Hãy cố gắng khám phá sức mạnh tiềm ẩn trong mô hình Modition của doanh nghiệp.

Viết Dinh
Bạn đang đọc bài viết CEO Mancom Ngô Trọng Thanh: Áp thuế với các sản phẩm bán qua sàn thương mại điện tử là cần thiết và cấp bách tại chuyên mục DOANH NHÂN của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

CEO Mancom Ngô Trọng Thanh: Khó khăn nào cũng có giải pháp
Theo CEO Mancom Ngô Trọng Thanh, doanh nghiệp Việt phần lớn là có quy mô nhỏ nhưng có sự linh hoạt để thích ứng với sự biến động thị trường. Đã trải qua bao nhiêu biến cố và khủng hoảng, doanh nghiệp chúng ta cứ lặng lẽ tự đối mặt tự cứu mình trước khi trời cứu. Khó khăn nào cũng có giải pháp.