Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội
TCDN - Chiều 3/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương tháng 6/2025. Hội nghị được kết nối trực tuyến từ Trụ sở Chính phủ tới 34 tỉnh, thành phố và hơn 3.300 xã, phường, đặc khu trong cả nước.
Theo chương trình, phiên họp tập trung đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 6, quý 2 và 6 tháng đầu năm năm 2025; tình hình phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao, công tác cải cách thủ tục hành chính; các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 7/2025 và trong thời gian tới.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đây là hội nghị đầu tiên sau cuộc cách mạng có tính lịch sử "sắp xếp lại giang sơn" và chính thức đồng loạt vận hành bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp từ 1/7/2025 tại 34 tỉnh, thành phố, 3.321 xã, phường, đặc khu trong cả nước.
Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đã đi qua 1/2 thời gian năm 2025 trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến mới, nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhưng nhìn chung khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ và thuận lợi.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương tháng 6/2025.
Tình hình thế giới có những điểm nổi bật, như: Mỹ công bố mức thuế đối ứng rất cao; xung đột leo thang ở nhiều nơi, căng thẳng hơn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày gay gắt; tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại; chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy cục bộ; giá dầu thô, giá vàng biến động mạnh; thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường và tác động ngày càng nặng nề nền kinh tế Việt Nam.
"Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy biến động và bất định - phân cực về chính trị - phân tách về kinh tế - phân mảnh về thể chế - phân hóa về phát triển và giàu nghèo", Thủ tướng nói.
Ở trong nước, dưới sự lãnh đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai đồng bộ 8 nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.
Các nhiệm vụ này gồm: Thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên trong năm 2025 và tạo đà, tạo lực, tạo thế tăng trưởng 2 con số những năm tới; đàm phán thuế với Mỹ và mở rộng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, sản xuất; trình ban hành và tổ chức triển khai các nghị quyết của Bộ Chính trị cùng các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về "bộ tứ trụ cột"; chuẩn bị, phục vụ chu đáo kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15 mang tính "lịch sử"; tổ chức đại hội Đảng các cấp, tiến đến Đại hội 14 của Đảng; tổ chức chu đáo, thành công chuỗi các sự kiện kỷ niệm lớn của dân tộc; triển khai vượt tiến độ phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước và dự kiến hoàn thành dịp kỷ niệm 80 năm thành lập nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh đó, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, tham gia của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giúp đỡ, hợp tác của bạn bè quốc tế, tình hình kinh tế - xã hội nhìn chung tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, tính chung 6 tháng đầu năm 2025 tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực.
Nổi bật là tăng trưởng được thúc đẩy, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; bội chi, nợ công thấp hơn nhiều giới hạn quy địnho; các lĩnh vực văn hoá, xã hội, an sinh xã hội được chú trọng; đời sống nhân dân được nâng lên; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; đối ngoại và hội nhập được đẩy mạnh; giữ vững được môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển đất nước.
Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ rõ, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức, các động lực truyền thống phải có biện pháp để tăng tốc hơn, các động lực mới chưa được phát huy hết.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899