Chính thức bỏ hộ kinh doanh khỏi Luật Doanh nghiệp

17/06/2020, 09:52

TCDN - Sáng nay (17/6), Quốc hội nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và biểu quyết thông qua dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Theo đó, bỏ quy định về chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp.

Kết quả cho thấy 90,68% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành với việc thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ: Với đa số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Quốc hội chính thức thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội.

Quốc hội chính thức thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội.

Trong đó, bỏ quy định về chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Đồng thời, để bảo đảm tính liên tục cho đến khi ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh, cần thiết giao Chính phủ hướng dẫn đăng ký và hoạt động đối với hộ kinh doanh.

Về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, một số ý kiến cho rằng, khoản 1 Điều 7 quy định: “tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm” và điểm a khoản 1 Điều 27 Luật Doanh nghiệp năm 2014 có quy định: “ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư, kinh doanh”.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, doanh nghiệp vẫn phải đăng ký chi tiết những ngành, nghề đăng ký kinh doanh với Cơ quan đăng ký kinh doanh. Do đó, đề nghị bổ sung nội dung này theo hướng doanh nghiệp không cần phải đăng ký ngành, nghề kinh doanh mà pháp luật không quy định phải có điều kiện.

Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cũng quy định rõ những tổ chức, cá nhân không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam, bao gồm:

Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;

Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;

Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;

Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.

Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;

Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.

PV
Bạn đang đọc bài viết Chính thức bỏ hộ kinh doanh khỏi Luật Doanh nghiệp tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Cấp thiết đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp
Sáng 21/5, Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã thảo luận lần cuối về dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), trước khi chính thức thông qua vào ngày 16/6 tới đây.