Cho Thủy sản Hùng Vương vay hơn 2.000 tỷ, BIDV liệu có đòi được?

06/11/2019, 09:25

TCDN - Ba ngân hàng thương mại lớn đang rót hơn 3.000 tỷ cho Thủy sản Hùng Vương vay, trong đó riêng BIDV là hơn 2.000 tỷ.

Nếu tình hình SXKD của thủy sản Hùng Vương không được cải thiện trong năm 2020, toàn bộ dư nợ vay hơn 3.000 tỷ đồng của các ngân hàng đang cho thủy sản Hùng Vương vay có nguy cơ trở thành nợ xấu.

Nếu tình hình SXKD của thủy sản Hùng Vương không được cải thiện trong năm 2020, toàn bộ dư nợ vay hơn 3.000 tỷ đồng của các ngân hàng đang cho thủy sản Hùng Vương vay có nguy cơ trở thành nợ xấu.

Cùng với khoản lỗ khủng 237 tỷ đồng vừa được công bố, Công ty Cổ phần Hùng Vương (mã CK: HVG) đã nâng số lỗ cả năm tài chính 2019 cho kỳ kế toán từ 01/10/2018 đến 30/9/2019 lên 500 tỷ đồng đồng, lợi nhuận chưa phân phối trên BCTC hợp nhất tại 30/9/2019 lên đến 892 tỷ đồng.

Trái ngược với nhiều kỳ vọng của giới đầu tư, kết quả SXKD của thủy sản Hùng Vương ngày một đi xuống. Các ngân hàng tài trợ vốn cho thủy sản Hùng Vương cũng đang đối mặt rủi ro trong việc thu hồi các khoản cho thủy sản Hùng Vương vay.

Theo BCTC hợp nhất, tại 30/9/2019 thủy sản Hùng Vương có tổng dư nợ vay ngân hàng là 3.062 tỷ đồng, trong đó dư nợ ngắn hạn lên tới 2.932 tỷ đồng và dư nợ vay dài hạn 130 tỷ đồng. Dư nợ vay ngắn hạn gồm 2.839 tỷ đồng vay ngắn hạn ngân hàng và 92 tỷ đồng vay ngân hàng dài hạn đến hạn trả.

Trong số các chủ nợ của thủy sản Hùng Vương, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là ngân hàng có dư nợ lớn nhất gồm 1.901 tỷ đồng cho vay ngắn hạn, 73,8 tỷ đồng cho vay dài hạn đến hạn trả và 30,5 tỷ đồng cho vay dài hạn.

Tổng cộng dư nợ cho vay của BIDV tại thủy sản Hùng Vương là 2.005 tỷ đồng, chiếm 65,5% tổng dư nợ vay ngân hàng của thủy sản Hùng Vương. Đầu kỳ tại 01/10/2018, tổng dư nợ của BIDV tại thủy sản Hùng Vương là 1.926,3 tỷ đồng gồm 1.842,5 tỷ đồng cho vay ngắn hạn, 42,5 tỷ đồng cho vay dài hạn đến hạn trả và 41,3 tỷ đồng cho vay dài hạn.

Như vậy, so với đầu kỳ, dư nợ vay của thủy sản Hùng Vương tại BIDV tăng 79 tỷ đồng.

Chủ nợ lớn thứ hai của thủy sản Hùng Vương là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với dư nợ cho vay ngắn hạn là 601 tỷ đồng, chiếm 19,5% tổng dư nợ vay ngân hàng của thủy sản Hùng Vương. Xếp thứ ba là Ngân hàng phát triển TP HCM (HDBank) với tổng dư nợ là 284 tỷ đồng, gồm 178 tỷ đồng cho vay ngắn hạn, 17,8 tỷ đồng cho vay dài hạn đến hạn trả và 87,9 tỷ đồng cho vay dài hạn.

Với số dư tiền tại 30/9/2019 chỉ vỏn vẹn có 68,4 tỷ đồng, tiền gửi ngân hàng 36,1 tỷ đồng và dòng tiền thuần từ hoạt động SXKD âm 130 tỷ đồng, tình hình tài chính và hoạt động SXKD của thủy sản Hùng Vương hiện rất khó khăn.

Khả năng cao, thủy sản Hùng Vương sẽ phải tiếp tục thanh lý các khoản đầu tư để có dòng tiền trả nợ vay ngân hàng trong năm tài chính 2020.

Nếu tình hình SXKD của thủy sản Hùng Vương không được cải thiện trong năm 2020, toàn bộ dư nợ vay hơn 3.000 tỷ đồng của các ngân hàng đang cho thủy sản Hùng Vương vay có nguy cơ trở thành nợ xấu, trong trường hợp đó BIDV sẽ là ngân hàng chịu nhiều thiệt hại nhất.

Việt Đặng
Bạn đang đọc bài viết Cho Thủy sản Hùng Vương vay hơn 2.000 tỷ, BIDV liệu có đòi được? tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan