Chưa đưa khách du lịch vào Việt Nam, thu ngân sách khó phục hồi sớm

02/11/2020, 16:07
báo nói -

TCDN - Tại tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 ngày 2/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, “mặc dù khát khao phát triển rất lớn, nhưng chúng tôi quyết định chưa thể đưa khách du lịch vào Việt Nam”.

Hụt thu lớn vì phải đóng cửa du lịch

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, thảo luận tại tổ 9 (gồm các đoàn Gia Lai, Lạng Sơn và Hải Phòng) về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng cho biết, ngành dịch vụ du lịch hiện bị tác động thiệt hại nặng nề. Trong điều kiện bình thường, chúng ta có thể đón 21 triệu khách quốc tế trong năm nay với doanh thu trên 60 tỷ USD. Tuy nhiên, chúng ta chấp nhận thiệt hại để bảo vệ sức khỏe nhân dân, kiểm soát dịch bệnh. Với những nhà đầu tư, nhà ngoại giao, nhà quản lý công nhân lành nghề…, Việt Nam tạo điều kiện để nhập cảnh nhưng có sự kiểm soát, cách ly, không vì kinh tế mà bỏ qua việc đề phòng, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết năm nay hụt thu gần đến 200.000 tỷ đồng. Quảng Nam hụt thu gần 4.000 tỷ vì du lịch gần như đóng cửa, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... cũng hụt thu lớn, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế. Một loạt các doanh nghiệp gặp khó khăn đã ảnh hưởng đến việc làm, đời sống của một bộ phận nhân dân, đặc biệt là người dân ở đô thị mất việc làm nhiều.

“Mặc dù khát khao phát triển rất lớn, nhưng chúng tôi quyết định chưa thể đưa khách du lịch vào Việt Nam. Cái này người ta phản đối lắm, nhưng dịch bệnh này lớn quá, không thể kiểm soát nên phải cương quyết”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho hay, ta chấp nhận việc này để bảo vệ sức khỏe nhân dân, chấp nhận kiểm soát tốt dịch bằng cách không đưa khách du lịch nước ngoài vào từ nay đến cuối năm. Tôi cũng bị phản đối cái này, nhiều người nói phải đưa khách du lịch vào nhưng không thể. Thủ tướng tái khẳng định, không vì kinh tế mà chủ quan chống dịch.

Thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định chưa thể mở cửa cho khách du lịch vào Việt Nam do dịch bệnh còn phức tạp.

Thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định chưa thể mở cửa cho khách du lịch vào Việt Nam do dịch bệnh còn phức tạp.

Tăng thu ngân sách khó phục hồi sớm, cải cách tiền lương phải lùi lại

Tại phiên họp tổ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, 10 tháng mới thu được 75,2% dự toán, giảm 10,3% so cùng kỳ năm 2019 và là mức thấp nhất 10 năm gần đây.

Với ước tính mức thu năm nay giảm khoảng 190.000 tỷ đồng so với dự toán, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội đề xuất tăng bội chi, tăng chi cho phòng chống dịch, nhưng trong phạm vi phải đảm bảo ổn định vĩ mô cho các năm tiếp theo, một yếu tố vô cùng quan trọng. 

Báo cáo về dự toán năm 2020 - 2021, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay, dự tính tăng trưởng năm tới ở mức 6 - 6,5% là khá cao, nhất là khi quy mô GDP năm sau tính theo cách mới cao hơn 25%. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh vẫn rất khó dự đoán, khó khăn kinh tế dự kiến còn kéo dài vài năm.

Dựa trên tình hình thực tế, Bộ Tài chính đã đề xuất phương án thận trọng và báo cáo chính thức với Thủ tướng về đề nghị tăng thu ngân sách năm tới chỉ ở mức 5 - 7%, với mức tăng GDP khoảng 6 - 6,5%.

Cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, từ kinh nghiệm thực tế những năm 2012 - 2014, giai đoạn kinh tế đi lên sau khó khăn thì tăng thu nội địa chỉ bằng một nửa GDP danh nghĩa (gồm GDP thực tế cộng với lạm phát). Điều này chắc chắn lặp lại trong thời gian tới, bởi 93 - 94% doanh nghiệp của chúng ta là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, nên phải có thời gian dài để phục hồi. Do đó, phương án dự toán trình ra Quốc hội lần này có mức tăng thu nội địa là 5 - 6%, là phương án đã được làm việc rất kỹ với các địa phương, bộ ngành để thông qua trước khi trình. 

Về con số bội chi, với dự tính kinh tế có thể còn khó khăn trong vài ba năm tới, trong điều kiện cần tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển, Bộ Tài chính đề xuất đưa bội chi 2021 lên 5% GDP (chưa điều chỉnh), tương ứng 4% GDP đã điều chỉnh. Theo đó, đã có 109.000 tỷ đồng tăng thêm dành cho đầu tư. Tuy nhiên tổng chi ngân sách nhà nước năm 2021 vẫn giảm khoảng 58.000 - 60.000 tỷ đồng so với năm 2020, do đó vẫn phải "thắt lưng buộc bụng" trong chi thường xuyên. 

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, trong điều kiện giảm tổng chi như vậy thì dự toán chi năm 2021 cho đầu tư đã tăng lên 28,3% tổng chi, là mức cao nhất từ trước đến nay. Đây là yếu tố rất quan trọng để tạo thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng, kích cầu trong nước của giai đoạn sau. Cùng với đó, 3 chương trình mục tiêu quốc gia vẫn tiếp tục ưu tiên. Đó là lý do chi thường xuyên sẽ càng khó khăn, trong đó có chi cho cải cách tiền lương đã phải lùi lại. 

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết Chưa đưa khách du lịch vào Việt Nam, thu ngân sách khó phục hồi sớm tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan