Chứng khoán Việt Nam: 1 trong 10 thị trường phục hồi tốt nhất thế giới

19/01/2021, 10:27

TCDN - Năm 2020 thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 TTCK có sức chống chịu với đại dịch và phục hồi tốt nhất thế giới. Chỉ số VN-Index vượt 1.100 điểm, đạt 1103,87 điểm, tăng mạnh tới 67% so với thời điểm thấp nhất của năm 2020, tăng 14,9% so với thời điểm cuối năm 2019...

Quy mô thị trường cổ phiếu tăng mạnh

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, năm 2020, mặc dù chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, nhờ Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, tình hình kinh tế vĩ mô trong nước có nhiều điểm sáng, CTTCK Việt Nam đã phục hồi bền vững và tăng trưởng ngoạn mục trên hầu hết tất cả các khía cạnh của thị trường vào giai đoạn cuối năm 2020.

TTCK Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 thị trường chứng khoán có sức chống chịu với đại dịch và phục hồi tốt nhất thế giới. Chỉ số VN-Index vượt 1.100 điểm, đạt 1103,87 điểm, tăng mạnh tới 67% so với thời điểm thấp nhất của năm 2020, tăng 14,9% so với thời điểm cuối năm 2019; chỉ số HNX Index tăng gần 119% so với thời điểm cuối quý I/2020 và tăng 98,1% so với cuối năm 2019.

Quy mô thị trường cổ phiếu vượt mục tiêu Chính phủ đề ra cho đến năm 2020 và thị trường trái phiếu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 5.294 nghìn tỷ đồng, tăng 69% so với thời điểm cuối quý I và tăng 20,8% so với cuối năm 2019, tương đương với 87,7% GDP năm 2019 và 84,1%GDP năm 2020, vượt mục tiêu đề ra.

Thị trường trái phiếu có 477 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt 1.388 nghìn tỷ đồng, tăng 16,8% so với cuối năm 2019 (tương đương 23% GDP).

Thanh khoản của thị trường tăng mạnh lên mức cao kỷ lục cho thấy sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng giá trị giao dịch bình quân năm 2020 đạt trên 7.420 tỷ đồng/phiên, tăng 59,3% so với bình quân năm 2019.

Thanh khoản trên thị trường trái phiếu tiếp tục tăng trưởng mạnh, bình quân đạt trên 10.393 tỷ đồng/phiên, tăng 13% so với năm 2019.

Số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới tăng kỷ lục trong năm 2020. Số tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới năm 2020 đạt 393.659 tài khoản, tăng 94% so với số lượng tài khoản mở mới trong năm năm 2019, khối ngoại mở mới 2.856 tài khoản.

Luỹ kế tới hết tháng 12/2020, tổng số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đạt hơn 2,77 triệu tài khoản, tăng 16,7% so với cuối năm 2019.

ck-kyym-1477639350221

Cùng với đó, TTCK phái sinh tiếp tục đóng vai trò phòng vệ rủi ro hiệu quả, có tác dụng ổn định tâm lý nhà đầu tư. Khối lượng giao dịch bình quân đạt 156.852 hợp đồng/phiên, tăng 77% so với bình quân năm 2019. Tính tại thời điểm 31/12/2020, khối lượng mở (OI) toàn thị trường đạt 40.339 hợp đồng, tăng 143% so với cuối năm 2019.

TTCK tiếp tục khẳng định là kênh huy động vốn quan trọng với tổng mức huy động trên TTCK ước đạt 413.700 tỷ đồng, tăng 30% so với cuối năm 2019.

Năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch, trong đó lợi nhuận sau thuế của các công ty đã bị ảnh hưởng rõ rệt. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp niêm yết/đăng ký giao dịch vẫn có kết quả kinh doanh khả quan, số lượng công ty báo cáo có lãi vẫn chiếm 84% tổng số công ty đã thực hiện báo cáo trong quý III/2020.

Nhiều giải pháp hỗ trợ cho thị trường kịp thời

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của TTCK toàn cầu, trong đó có TTCK Việt Nam do tác động bởi dịch COVID-19, UBCKNN đã báo cáo Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ triển khai kịp thời các giải pháp, chính sách ứng phó với tác động của dịch COVID-19 đối với ngành chứng khoán.

Trong bối cảnh dịch COVID-19, UBCKNN tăng cường công tác giám sát, phối hợp giám sát thường xuyên và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trên TTCK góp phần tích cực để thị trường phát triển ổn định. Năm 2020, UBCKNN ra quyết định xử phạt đối với 380 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền phạt và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp là 22,2 tỷ đồng; có 2 vụ án liên quan đến thao túng TTCK đã được xét xử.

Đồng thời, UBCKNN đã nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm năm 2020. Theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, UBCKNN đã tổ chức xây dựng kế hoạch soạn thảo và tích cực triển khai xây dựng 3 Nghị định, 11 Thông tư quy định chi tiết Luật Chứng khoán. Đến nay, toàn bộ 3 Nghị định và 11 Thông tư đã được ký ban hành.

Đáng chú ý, công tác quản lý và tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán tiếp tục được thực hiện tích cực và đúng lộ trình. Trong năm 2020, đã đưa ra khỏi diện kiểm soát đối với 02 CTCK; Có quyết định về việc chấm dứt hoạt động đối với 1 CTCK; đưa vào diện kiểm soát đối với 1 CTCK; thu hồi giấy phép hoạt động 1 CTQLQ và tạm ngừng hoạt động 01 CTQLQ. Tình hình hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán về cơ bản vẫn duy trì được sự ổn định và có tăng trưởng.

Công tác quản lý hoạt động phát hành chứng khoán, quản lý công ty đại chúng, xem xét hoạt động kiểm toán ngày càng được nâng cao. Năm 2020, UBCKNN đã nâng cấp hệ thống công bố thông tin công ty đại chúng IDS Pro và chính thức vận hành từ tháng 12/2020.

unnamed

Về nâng hạng thị trường chứng khoán, UBCKNN đã tận dụng Hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng thế giới (WB) về nâng hạng thị trường trong khuôn khổ chương trình phát triển thị trường vốn J-CAP. Hỗ trợ kỹ thuật tập trung vào các hoạt động nhằm đánh giá, tư vấn về các giải pháp nhằm tháo gỡ những trở ngại đối với việc nâng hạng TTCK từ Cận biên lên Mới nổi theo phân hạng của MSCI và/hoặc FTSE Russell.

Kết quả là FTSE Russell tiếp tục duy trì Việt Nam trong danh sách chờ xét nâng hạng (Watch list) từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Bên cạnh đó, UBCKNN hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch Diễn đàn thị trường vốn ASEAN (ACMF) năm 2020. Các cơ quan quản lý thị trường vốn ASEAN hoan nghênh các nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu hội nhập thị trường vốn trong khu vực ASEAN, làm sâu sắc hơn sự gắn kết của khu vực với cộng đồng quốc tế vì phát triển bền vững, đồng thời nâng cao khả năng thích ứng và năng lực thể chế của ASEAN.

Tiếp đà tăng trưởng cho năm 2021

Những ngày đầu của năm kinh tế 2021, thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ, vượt ngoài mọi dự đoán. Thị trường chứng khoán ngày 18/1, trong phiên sáng chứng kiến chỉ số VN-Index giảm nhẹ 0,44 điểm xuống 1.193,76 điểm.

Toàn sàn có 239 mã tăng, trong khi có 212 mã giảm và 45 mã đứng ở mức giá tham chiếu.Chỉ số UPCoM - Index cũng giảm nhẹ 0,13 điểm xuống 78,51điểm. Toàn sàn có 147 mã tăng, trong khi có 89 mã giảm và 54 mã đứng giá.

Chỉ số HNX-Index tăng mạnh tới 6,88 điểm lên 232,35 điểm. Toàn sàn có 98 mã tăng giá, 94 mã giảm giá và 47 mã đứng giá.

UBCKNN cho biết càng về cuối năm, thực tế càng chứng minh Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, kinh tế vĩ mô trong nước có nhiều điểm sáng. Việt Nam là một trong số ít nước giữ được mức tăng trưởng dương 2,91% và được dự báo phục hồi ở mức 6,5 – 6,8% trong năm 2021. Đây là động lực chính giúp củng cố lòng tin của NĐT và thu hút dòng vốn đầu tư vào TTCK.

Nhiều nhà đầu tư mới (FO) liên tục mở tài khoản, mà nạp tiền vào tài khoản để chơi chứng khoán. Năm 2020 số lượng tài khoản nhà đầu tư mở mới tăng khoảng 109% so với năm 2019.

Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính – Tiền tệ quốc gia cho biết, TTCK Việt Nam có sự đồng pha với chứng khoán thế giới khi so với Nhật Bản và Mỹ, tuy nhiên mức tăng trưởng của chứng khoán Việt Nam ấn tượng hơn (122%).

Hầu như các nhóm ngành đều biến động mạnh, trong đó sản xuất giấy, môi giới chứng khoán và thép là 3 ngành có giá cổ phiếu biến động mạnh nhất.

Trong 1 cuộc hội thảo mang tên "Triển vọng kinh tế - tài chính 2021- 2025: Cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán", Công ty cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (VFS) cho rằng với những động lực phục hồi, tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2021, cùng với dư địa, tiềm năng phát triển của TTCK, những nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán tiếp tục được đẩy mạnh. Và Công ty Chứng khoán Nhất Việt dự báo 2 kịch bản cho TTCK năm 2021.

Theo đó chỉ số Vn-Index năm 2021 có thể chạm đến ngưỡng 1250-1280. Tuy nhiên, cũng không loại trừ kịch bản xấu với các yếu tố rủi ro dịch bệnh, căng thẳng địa chính trị toàn cầu, VN-Index có thể lui về vùng 950-1050 điểm.

Khuyến nghị về giải pháp đối với nhà đầu tư trong năm 2021, chuyên gia Cấn Văn Lực nhấn mạnh, trong bối cảnh, xu hướng mới, yêu cầu mới cơ hội, thách thức mới, nhà đầu tư cần lưu ý các vấn đề gồm: lợi nhuận luôn đi kèm với rủi ro, vì thế cần đầu tư theo “khẩu vị rủi ro” của mình; phải xác định rõ mục đích đầu tư; đa dạng hóa sản phẩm đầu tư; không dùng đòn bẩy quá nhiều; tránh tâm lý bầy đàn, theo phong trào; hãy là nhà đầu tư thông thái ...

PV(t/h)
Bạn đang đọc bài viết Chứng khoán Việt Nam: 1 trong 10 thị trường phục hồi tốt nhất thế giới tại chuyên mục Chứng khoán của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan