Chuyển đổi số quản lý thuế: Xu hướng thế giới và kinh nghiệm áp dụng tại Việt Nam

18/08/2023, 16:39
báo nói -

TCDN - Do đại dịch COVID-19, những lo lắng về rủi ro lạm phát, suy thoái kinh tế cùng kế hoạch tài chính cho những mục tiêu dài hạn mà chính phủ các nước đang có xu hướng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quản lý thuế nhằm xây dựng một hệ thống quản lý hiệu quả và minh bạch.

2-1

TÓM TẮT: 

Do đại dịch COVID-19, những lo lắng về rủi ro lạm phát, suy thoái kinh tế cùng kế hoạch tài chính cho những mục tiêu dài hạn mà chính phủ các nước đang có xu hướng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quản lý thuế nhằm xây dựng một hệ thống quản lý hiệu quả và minh bạch. Bài viết nhằm tổng hợp những xu hướng chuyển đổi số trên thế giới và kinh nghiệm thực hiện ở một số quốc gia, trên cơ sở đó đề xuất những bài học áp dụng cho quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam.

1. Giới thiệu

Chuyển đổi số là sự thay đổi mang tính căn bản về công nghệ và tâm lý, tạo ra sự đột phá và chuyển đổi quy trình cả bên trong và bên ngoài tổ chức. Chuyển đổi số theo nghĩa rộng hơn sẽ bao gồm cả các hoạt động chuyển đổi con người, nhận thức, và chuyển đổi tổ chức. Trong đó, số hóa thông tin và số hóa quy trình sẽ là một phần để tổ chức chuyển đổi số thành công. Nghiên cứu liên quan đến chuyển đổi số trong khu vực doanh nghiệp, chính phủ, tư nhân, đang dần trở nên phổ biến trong thời gian gần đây. Trong lĩnh vực tài chính, cụ thể về chuyển đổi số quản lý thuế đang là mối quan tâm của chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Chuyển đổi số trong quản lý thuế là quá trình ứng dụng số hóa và số hóa quy trình vào công việc và nghiệp vụ, quy trình vận hành của quản lý thuế ở các tổ chức từ cơ quan thuế đến doanh nghiệp, người dân và các bên liên quan, nhằm quản lý tổ chức hiệu quả và tạo ra các giá trị mới.

Các số liệu toàn cầu như tốc độ tăng trưởng GDP, mức đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, tỷ lệ nộp thuế trên GDP bình quân trong năm 2020 đều giảm so với trước đại dịch, đặc biệt ở các nước khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Thêm vào đó là mối lo ngại về cuộc khủng hoảng kinh tế sắp đến và những ảnh hưởng hậu đại dịch COVID-19, cơ quan quản lý thuế ở nhiều nước gặp phải những vấn đề chung sau: thu ngân sách giảm mạnh do hoạt động kinh tế bị thu hẹp; do các gói kích thích nới lỏng quản lý thuế, chẳng hạn như hoãn nộp thuế, miễn và giảm; do sự do dự trong việc tăng thuế suất hoặc thực hiện các công cụ mới trong quá trình phục hồi do khả năng cạnh tranh mối quan tâm và tăng trưởng, đặc biệt ở các nước châu Á nơi có sự cạnh tranh cao về thuế; do sự thay đổi phương thức làm việc sang làm việc từ xa, làm cho một số chức năng truyền thống của thuế khó thực hiện hơn.

Ngoài ra, cơ quan quản lý thuế cũng được giao nhiệm vụ mới, như tạo ra cổng cho người nộp thuế tiếp cận các chương trình kích cầu và lợi ích, sử dụng công nghệ mới để kiến tạo một hệ thống thuế hiệu quả, minh bạch và thân thiện. Có thể nói, chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong quản lý thuế nói riêng là xu hướng không thể tránh của thời đại, mỗi quốc gia và tổ chức sẽ tùy vào đặc điểm của riêng mình để có những bước chuyển đổi phù hợp.

Việt Nam trong những năm qua đã có những hành động cụ thể trong công tác chuyển đổi số ở các lĩnh vực, ví dụ như trong ngành Tài chính với Quyết định số 2445/QĐ-BTC ngày 28/12/2018 của Bộ Tài chính phê duyệt kiến trúc Chính phủ điện tử ngành Tài chính nêu rõ tầm nhìn giai đoạn 2021-2025, tuy nhiên lại chưa có một lộ trình chuyển đổi số cụ thể của ngành thuế. Do vậy, bài viết này nhằm tổng hợp những xu hướng về chuyển đổi số trên thế giới, thảo luận những kinh nghiệm xây dựng quy trình chuyển đổi số của một số quốc gia, và trên cơ sở đó đề xuất những trọng tâm mà các nhà xây dựng chính sách, định hướng chuyển đổi số quản lý thuế Việt Nam có thể tham khảo.

2. Kinh nghiệm chuyển đổi số trong quản lý thuế ở một số quốc gia

Do có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến quản lý thuế cũng như chuyển đổi số trong quản lý thuế mà mỗi quốc gia sẽ có sự khác nhau trong quá trình tiến hóa chuyển đổi số. Nhưng nhìn chung, việc triển khai chuyển đổi kỹ thuật số diễn ra sẽ theo từng bước, theo module và theo từng giai đoạn, nhưng sẽ dựa trên những cơ sở nền tảng nhất định. Trong chuyển đổi số quản lý thuế, nghiên cứu đã tổng hợp để có một sự chuyển đổi thành công cần:

- Chính phủ cần xác định và chia sẻ tầm nhìn về mục tiêu của chuyển đổi số.

- Xác định cách tiếp cận tùy vào tốc độ, phạm vi của từng bước thay đổi, và các chiến lược ngắn hạn và trung hạn.

- Là một “quá trình liên tục”, chuyển đổi kỹ thuật số quản lý thuế đang được thực hiện theo các bước hoặc các mô-đun xác định do một số yếu tố như tài chính, năng lực của chính phủ, con người, tầm nhìn, chiến lược, khả năng hấp thụ sâu và rộng công nghệ hiện có, cơ sở hạ tầng, ...

- Xác định những điểm tương đồng của khu vực trong việc áp dụng các quy trình cụ thể trong khu vực và thế giới về quản lý thuế và các công nghệ, từ đó học hỏi trong việc điều phối các bước chuyển đổi kỹ thuật số.

- Lập danh mục các công nghệ cụ thể hoặc ứng dụng các công nghệ cụ thể đang được triển khai ở nhiều nước.

- Kiểm soát những thách thức và rủi ro trong quá trình thực hiện. Phần tiếp theo trình bày kinh nghiệm nổi bật trong chuyển đổi số quản lý thuế ở một số quốc gia mà Việt Nam có thể tham khảo.

2.1. Indonesia.

Ngoài những điểm chung về vị trí nằm trong khu vực ASEAN, những hiệp định thương mại tự do, thì Indonesia và Việt Nam có những điểm chung về kinh tế và thuế như: Nền kinh tế phi chính thức cao dẫn đến cơ sở thuế thu hẹp; nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân thấp do thuế suất thấp và ngưỡng thu nhập cao cho nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân cao; đang áp dụng nhiều biện pháp ưu đãi và miễn thuế cho nhiều ngành; mức tuân thủ và thực thi thuế được đánh giá là yếu làm giảm nguồn thu của ngân sách. Do vậy, Indonesia được chọn là một trong những nước Việt Nam có thể học hỏi từ quá trình chuyển đổi số quản lý thuế do những thành công bước đầu của họ.

Indonesia đã đạt được những dấu mốc quan trọng trong quá trình chuyển đổi số quản lý thuế, bất chấp sự phức tạp của việc quản lý hệ thống thuế kỹ thuật số ở nhiều cấp với 17.000 hòn đảo và hơn 600 dân tộc và ngôn ngữ. Kinh nghiệm của Indonesia đã đưa ra nhiều bài học cho các nước và khu vực, bao gồm: (1) Tăng cường quản lý sự thay đổi và đầu tư vào con người, cải thiện đào tạo cho cán bộ thuế và một chế độ đãi ngộ cạnh tranh hơn để giữ chân và tuyển dụng nhân viên có kỹ năng cao; (2) Tận dụng hệ sinh thái kỹ thuật số đang phát triển , hợp tác với khu vực tư nhân, cung cấp cho người nộp thuế khả năng tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ giá trị gia tăng thông qua các nhà cung cấp dịch vụ bên thứ ba; và (3) Sắp xếp các bên liên quan để thực hiện quá trình mua sắm hiệu quả, với sự hỗ trợ từ các cấp chính phủ cao nhất. Tương lai, Indonesia định hướng quy trình số hóa như sau:

- Nghiên cứu và xây dựng hỗ trợ cho chiến lược số hóa thuế dài hạn, hỗ trợ các bên liên quan hiểu được hành trình số hóa của quốc gia và những lợi ích tiềm năng to lớn của chiến lược.

- Tập trung vào việc đơn giản hóa và tối ưu hóa quy trình, đặc biệt là đối với các thủ tục sau khi nộp đơn.

- Do cấu trúc dữ liệu của các loại thuế khác nhau thường khác nhau khiến cho việc phân tích dữ liệu trở nên khó khăn hơn, do vậy số hóa thuế cần nhấn mạnh vào tiêu chuẩn hóa dữ liệu để cải thiện các luồng quy trình, cho phép nhiều thông tin chi tiết theo hướng dữ liệu hơn để củng cố việc triển khai và hoạch định chính sách hiệu quả hơn.

- Tiếp tục tận dụng hệ sinh thái thanh toán kỹ thuật số đang phát triển của đất nước. Ví dụ như ứng dụng Application Programming Interfaces cho phép cơ quan thuế cung cấp các dịch vụ mới cho người nộp thuế với tốc độ nhanh hơn, cải thiện trải nghiệm của người nộp thuế.

2.2. Singapore

Là một quốc gia có thành tích nổi bật trong kinh tế từ thương mại đến đầu tư trong khu vực và trên thế giới, những kinh nghiệm của Singapore trong chính sách quản lý luôn đáng để học hỏi. Điểm chung trong nguồn thu ngân sách của Singapore và Việt Nam là tỷ trọng thuế thu nhập doanh nghiệp cao, đến là thuế thu nhập cá nhân và thuế vào hàng hóa, dịch vụ, tuy nhiên khi Singapore được xem là thiên đường của đầu tư và khởi nghiệp nhờ chính sách thuế đơn giản và thân thiện, thì tại Việt Nam thuế và quản lý thuế còn nhiều bất cập.

Điểm chung trong xây dựng chính sách quản lý của Singapore là xây dựng hệ thống kết nối tất cả các kế hoạch trong các lĩnh vực khác nhau, đưa các hiệp hội ngành công nghiệp cũng như các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ kết nối với nhau; trong đó chính phủ thay vì áp dụng cách tiếp cận từ trên xuống thì họ sẽ làm việc với các hiệp hội kinh tế, các doanh nghiệp, các hội đoàn và các bên liên quan chặt chẽ hơn để tìm được công cụ phù hợp nhất giúp hệ thống phát triển. Trong chuyển đổi số quản lý thuế cũng tương tự, đây là một điểm để Việt Nam xem xét học hỏi.

Trong bối cảnh cần gia tăng các khoản thu sau đại dịch để củng cố ngân sách, hỗ trợ tài chính cho mục tiêu dài hạn như biến đổi khí hậu, dân số già và nhu cầu chăm sóc sức khỏe, chính phủ Singapore ngoài việc tăng hoặc áp dụng các loại thuế mới thì điều quan trọng là tăng hiệu quả thu thuế từ các nguồn thu hiện có. Do vậy, số hóa quản lý thuế là một công cụ quan trọng để tăng cường huy động nguồn lực trong nước. Tuy nhiên, nước này khẳng định số hóa không thể thay thế cho các khía cạnh khác của chính sách quản lý thuế, như: Đơn giản hóa các quy tắc thuế nội địa; Xây dựng lòng tin giữa cơ quan thuế, doanh nghiệp và người nộp thuế; Thúc đẩy văn hóa tuân thủ thuế tự nguyện. Do vậy xây dựng quy trình số hóa quản lý thuế tại Singapore nổi bật với 3 bài học chính:

- Lấy người nộp thuế làm trung tâm: Phát triển các phương thức nộp thuế thuận tiện. Ví dụ: Người nộp thuế được tùy chọn thanh toán điện tử, thanh toán qua mã QR PayNow, sử dụng hệ thống thanh toán thời gian thực PayNow. Người nộp thuế được phục vụ thông qua các kênh tự trợ kỹ thuật số như cổng thông tin điện tử cá nhân hóa “myTax” một cửa để người nộp thuế hoàn tất giao dịch; Trang web của cục thuế cung cấp cho người nộp thuế thông tin để thực hiện nghĩa vụ thuế, Chatbot để giúp người nộp thuế giải đáp thắc mắc 24/7; Số hóa thông tin liên lạc đến người nộp thuế; đơn giản hóa và thiết kế lại các thông báo thuế, ví dụ: một thông báo thuế tài sản duy nhất cho tất cả tài sản thuộc sở hữu của người nộp thuế, thay vì thông báo riêng cho từng tài sản;

- Thiết lập quan hệ đối tác và đồng sáng tạo với người nộp thuế: Số hóa chuyển đổi công tác thuế trong doanh nghiệp từ một mảng riêng biệt trở thành một bộ phận của hệ thống kinh doanh, tích hợp trong các ứng dụng kế toán và tài chính, giúp nghiệp vụ thuế trở nên liền mạch và tự động kết nối với các hoạt động hàng ngày, kết nối với các dịch vụ thuế của chính phủ, mang lại sự thuận tiện và tăng tính tuân thủ về thuế cho doanh nghiệp. Để làm được điều này, Singapore áp dụng phương pháp tiếp cận bên ngoài đối với chuyển đổi kỹ thuật số, gồm các bước: 1. Phân tích phản hồi từ người nộp thuế và các bên liên quan để hiểu thế nào một thiết kế tốt; 2. Hiểu được nhu cầu của người nộp thuế và các bên liên quan để xác định điểm trống, điểm yếu và kết hợp với chúng để tìm giải pháp; 3. Khai thác các tính năng "thông minh" tiềm năng mới để tăng cường trải nghiệm lấy người nộp thuế làm trung tâm.

2.3 Hàn Quốc

Hàn Quốc là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực số hóa quản lý thuế với một hệ thống thuế minh bạch, hiệu quả, đơn giản và công bằng, tích hợp thông tin đa diện về người nộp thuế. Trọng tâm chiến lược của Hàn Quốc là đánh thuế điện tử tiên tiến toàn diện, cả về thể chế và công nghệ, nếu cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại là điều kiện tiên quyết cho quá trình số hóa, thì một khuôn khổ thể chế và pháp lý lành mạnh cũng như văn hóa tuân thủ thuế cũng đóng một vai trò quan trọng không kém. Có thể đánh giá Hàn Quốc là quốc gia có sự chuyển đổi số toàn diện và bài bản trong quản lý thuế. Đối với Việt Nam, đặc biệt sau thời kỳ COVID 19 là sự tương đồng trong việc thực hiện những chính sách hỗ trợ giảm, giãn thuế cho doanh nghiệp và người dân tương tự Hàn Quốc, Do vậy, kinh nghiệm số hóa quản lý thuế từ Hàn Quốc mà Việt Nam có thể tham khảo gồm:

- Thuế cho sự phát triển bền vững: Mọi nỗ lực cải cách chính sách thuế và cải thiện quản lý thuế cần dựa trên cơ sở công chúng đồng thuận mạnh mẽ rằng nguồn thu từ thuế là nguồn tài chính thiết yếu cho sự phát triển bền vững của một quốc gia. Chính phủ và công dân của các nước nên đồng ý về vai trò của thuế trong phân phối lại thu nhập cho sự phát triển chung, đặc biệt ở những quốc gia có mức độ bất bình đẳng thu nhập cao, việc sử dụng thuế có thể là một trong những công cụ quan trọng để giảm bất bình đẳng và thúc đẩy tăng trưởng. Ở Hàn Quốc, tính minh bạch và tiện lợi mà thuế điện tử mang lại không chỉ tăng hiệu quả mà còn tăng cường công bằng theo chiều ngang và chiều dọc của hệ thống thuế và giúp xây dựng niềm tin giữa những người nộp thuế.

- Hai trụ cột để số hóa quản lý thuế: Kinh nghiệm của Hàn Quốc nhấn mạnh rằng quản lý thuế cần được phát triển đông thời cả về thể chế và công nghệ. Sức ì lớn trong văn hóa đóng thuế và xung đột giữa các lợi ích khác nhau có thể là rào cản để thực hiện chính sách thuế thành công, do vậy chính phủ cần lưu ý việc thiết kế thể chế trước khi triển khai các công nghệ mới cho cơ quan quản lý thuế để thúc đẩy việc áp dụng rộng rãi hệ thống. Các chính sách thiếu chặt chẽ và thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan trong chính phủ và giữa các cơ quan tư nhân và nhà nước là những trở ngại phổ biến đối với việc quản lý hiệu quả dữ liệu thuế.

Do vậy, chính phủ Hàn Quốc đã chuẩn bị khung thể chế để tạo điều kiện cho cơ chế chia sẻ thông tin liên cơ quan và để đảm bảo tính toàn vẹn, tính tương thích và tính bảo mật của dữ liệu. Ngoài ra, công nghệ nên được áp dụng trên cơ sở thể chế hợp lý, các chính phủ nên xem xét việc học tập và nhập khẩu công nghệ từ khu vực tư nhân hoặc chính phủ nước ngoài. Việc có các chuyên gia có chuyên môn và kiến thức sâu rộng về công nghệ thông tin, luật thuế và quản lý là rất quan trọng để đảm bảo sự thành công của quá trình số hóa.

Những chuyên gia này đóng vai trò là cầu nối giữa cán bộ thuế và chuyên viên công nghệ thông tin, giữa cơ quan thuế và các công ty công nghệ thuê ngoài. Họ làm việc theo cả hai hướng: dịch các yêu cầu thực tế của cán bộ thuế thành chi tiết của hệ thống công nghệ thông tin và kiểm tra hệ thống do các công ty thuê ngoài phát triển để xác nhận rằng chúng đáp ứng các yêu cầu của các quy định về thuế. Ngoài ra, việc dựa vào đội ngũ nhân viên nội bộ chịu trách nhiệm phát triển hệ thống giúp tăng cường bảo mật thông tin và mang lại sự gắn kết, bền vững cho quá trình số hóa.

- Số hóa dần công tác quản lý thuế: Hệ thống thuế của Hàn Quốc đã không trở nên minh bạch trong một sớm một chiều mà bắt đầu bằng việc sửa đổi lại văn hóa thanh toán của Hàn Quốc theo hướng dựa trên thẻ bằng cách cung cấp khuyến khích người làm công ăn lương sử dụng thẻ, cơ quan thuế đã nắm bắt thành công các giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng vốn lâu nay bị che giấu và bỏ sót trên tờ khai thuế. Tiếp đó hệ thống nhận tiền mặt đã được giới thiệu để giúp cơ quan thuế đảm bảo an toàn cho các giao dịch còn lại dựa trên tiền mặt. Sau đó, hóa đơn điện tử được triển khai khiến nộp thuế minh bạch hơn, nghiệp vụ miễn thuế GTGT tốt hơn. Hàn Quốc chứng minh những nỗ lực bền vững nhằm cải thiện thể chế trong một thời gian dài đã mang lại những kết quả đáng kể trong việc xây dựng thuế điện tử thân thiện và minh bạch với người nộp thuế.

- Công nghệ tiên tiến về thuế điện tử hướng đến tất cả người nộp thuế và các bên liên quan: Các nhà hoạch định chính sách phải luôn ghi nhớ cách áp dụng công nghệ trong các dịch vụ thuế để giảm thiểu gánh nặng cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, các doanh nghiệp tự doanh và hỗ trợ việc tuân thủ của những người nộp thuế bị thiệt thòi, không được dẫn đến việc xa lánh một nhóm người nộp thuế nhất định. Ngoài ra, các công nghệ mới có thể cung cấp các kênh giáo dục người nộp thuế thân thiện hơn và dễ tiếp cận hơn và quảng bá công khai. Cơ quan thuế có thể sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội khác nhau, chẳng hạn như YouTube hoặc Facebook, để nâng cao hiểu biết về thuế của những người nộp thuế bất kể họ ở đâu.

3. Kinh nghiệm áp dụng cho Việt Nam

Với vị trí là một bộ phận của ngành Tài chính, ngành Thuế và chuyển đổi số quản lý ngành Thuế đang có sự vận động cùng với những định hướng và lộ trình trong chuyển đổi số. Theo đó, trước tiên cần ưu tiên xây dựng một lộ trình thống nhất và rõ ràng.

Từ kinh nghiệm của các nước, Việt Nam khi xây dựng thực hiện chuyển đổi số cần lưu ý những nguyên tắc:

- Chiến lược về công nghệ và lộ trình: Việt Nam cần đánh giá xem mình đang ở đâu trong các bước của quá trình biến đổi và phát triển kỹ thuật số. Thông qua đó sẽ xác định được tiến độ và vị trí số hóa mà mình muốn hướng đến. Để đạt được tầm nhìn, cơ quan thuế phải vạch ra toàn cảnh công nghệ hiện tại và hình thành chiến lược công nghệ cho 2-5 năm tới. Điều này sẽ giúp hướng các nguồn lực tập trung vào các sáng kiến phù hợp vào đúng thời điểm.

- Bộ kỹ năng: Cơ quan thuế phải lập kế hoạch xây dựng năng lực triển khai nhằm hỗ trợ hoạt động trong tương lai số hóa. Năng lực với khả năng sáng tạo cho phép nắm bắt ý tưởng mới và công nghệ mới nhất. Đồng thời, nâng cao năng lực nói chung là một phần chính của hành trình chuyển đổi kỹ thuật số, đảm bảo một đội ngũ nhân viên sẵn sàng cho từng giai đoạn.

- Sự tham gia của các bên liên quan: Tất cả các sáng kiến chuyển đổi đều yêu cầu sự tham gia chuyên sâu của người dùng, người nộp thuế. Cần xác định đối tượng trọng tâm hướng đến trong quá trình chuyển đổi số quản lý thuế tại Việt Nam. Trong mối liên hệ này, sự tham gia của các bên liên quan càng sớm thì họ càng hiểu lý do thay đổi sớm hơn, đóng góp tầm nhìn và yêu cầu của họ cho những thay đổi và chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận sáng kiến khi triển khai.

- Quản lý sự thay đổi: Thông thường, đại đa số người nộp thuế sẽ bị ảnh hưởng bởi một sự chuyển đổi mạnh mẽ, và do đó, quản lý thay đổi nội bộ và sự hỗ trợ của công chúng đều cần thiết cho sự thành công.

- Phân bổ và giải ngân ngân sách: Sau khi đã xác định được tiến trình, mức độ phân bổ và giải ngân ngân sách cho từng giai đoạn cũng cần được xác định. Điều này thể hiện sự cam kết ngân sách của chính phủ và là cơ sở để đo lường tiến độ thực hiện so với kế hoạch.

Về lộ trình đề nghị trong xây dựng kế hoạch số hóa quản lý thuế:

Bước 1. Xác định tầm nhìn và mục tiêu, bao gồm Hoạch định tầm nhìn dựa trên tầm nhìn kinh doanh của cơ quan thuế; Tham khảo kinh nghiệm của các cơ quan thuế đồng cấp trong hành trình số hóa; Thiết lập các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Bước 2. Đánh giá và phân tích sự khác biệt, gồm Phân tích tình hình hiện tại, xác định các điểm yếu của hệ thống; Đánh giá mức độ tuân thủ thuế hiện tại và phân tích những vấn đề tiềm ẩn; Phân tích quy trình làm việc và lợi ích có được từ số hóa; Đánh giá môi trường công nghệ thông tin hiện tại, chính sách, luật pháp, cơ sở hạ tầng, ứng dụng, hệ thống thông tin và nhu cầu phát triển.

Bước 3. Sắp xếp nguồn lực, gồm: Đánh giá cấu trúc tổ chức hiện tại và năng lực các thành viên; Lập bản đồ về nhân viên công nghệ hiện có; Đánh giá thực trạng đào tạo khoa học và công nghệ.

Bước 4. Phân tích chi phí và lợi ích, gồm: Lập bản đồ các bên liên quan; Xác định chi phí nhân viên hiện tại, cơ sở hạ tầng hiện tại cho những ước tính về chi phí; Ước tính thời gian cần thiết và hiệu quả chi phí, bao gồm cả những chi phí có thể tiết kiệm được; Ước lượng ngân sách cho nhân sự, phần cứng và phần mềm; Chuẩn bị các tình huống kinh doanh.

Bước 5. Xây dựng lộ trình số hóa, gồm: Xác định sự phụ thuộc lẫn nhau của các yếu tố; Xác định các mốc thời gian quan trọng; Quản lý các bên liên quan và người nộp thuế; Xây dựng thời gian biểu và lộ trình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Asian Development Bank. (2022). Launching a digital tax administration transformation-What you need to know.

2. International Monetary Fund. (2021). Digitalization and Taxation in Asia.

3. Kim, J. J., Kim, H., Kim, S., & Tagle, G. R. (2022). A Roadmap for Digitalization of Tax System: Lessons from Korea. Inter-American Development Bank.

4. Singapore Ministry of Finance. (2022). Singapore’s Journey in the Digitalisation of Tax Administration.5. Nguyễn, Q. T., & Đinh, C. H. (2021). Cơ hội và thách thức trong chuyển đổi số của cơ quan thuế. Tạp chí Tài chính.

TS. Đinh Thanh Nhàn

Cao đẳng Thương mại

Tạp chí in số tháng 8/2023
Bạn đang đọc bài viết Chuyển đổi số quản lý thuế: Xu hướng thế giới và kinh nghiệm áp dụng tại Việt Nam tại chuyên mục Thư viện của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận