Cổ phiếu VNM có cơ hội bật lên khi biên lợi nhuận Vinamilk tăng?

27/08/2021, 13:51

TCDN - BSC dự báo biên lợi nhuận của Vinamilk sẽ triển vọng hơn trong phần còn lại của năm cũng như năm 2022 và 2023, một yếu tố có thể thúc đẩy giá cổ phiếu VNM.

Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) vừa công bố báo cáo nhận định triển vọng của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM) trong 6 tháng cuối năm khi biên lợi nhuận gộp dự kiến cải thiện và sẽ thể hiện vào quý III.

Trong bối cảnh một số tỉnh, thành trên cả nước áp dụng biện pháp giãn cách xã hội và nhằm đón đầu nhu cầu hồi phục sau khi dịch COVID-19 cũng như việc học sinh trở lại trường, Vinamilk đã tăng cường nhập hàng đáp ứng nhu cầu tích trữ hàng hóa, đồng thời tăng giá bán từ tháng 5. 

Do đó, theo các chuyên gia, động thái ấy sẽ giúp biên lợi nhuận của Vinamilk phục hồi sau khi đạt mức 43,6% trong quý II, duy trì ngang mức quý I và giảm 2,45 điểm % so với cùng kỳ năm ngoái.

VNM

Các nhà phân tích cũng cho rằng việc Vinamilk đã đàm phán các hợp đồng mua nguyên vật liệu với nhà cung cấp nhằm ổn định chi phí sản xuất và thực hiện chốt giá một số nguyên liệu sản xuất chính đến hết năm 2021 cũng sẽ giúp giá nguyên vật liệu vẫn duy trì ở mức tương đương 6 tháng đầu năm.

Ngoài ra, BSC ước tính tỷ lệ SG&A/doanh thu thuần (chi phí bán hàng trực tiếp, gián tiếp và các chi phí quản lý doanh nghiệp/doanh thu thuần) của doanh nghiệp đầu ngành sữa này có thể tăng lên 25% trong nửa cuối năm từ mức 22,7% trong quý II khi Vinamilk đẩy mạnh các hoạt động marketing nhằm đón đầu đà phục hồi nhu cầu sau dịch.

Đối với hoạt động liên doanh, BSC dự báo liên doanh Del Monte - Vinamilk với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 6 triệu USD dự kiến sẽ đưa sản phẩm ra thị trường Philippines vào tháng 9 tới. 

Liên doanh này sẽ nhập khẩu các sản phẩm sữa từ Vinamilk, sau đó tiếp thị và phân phối sản phẩm tại Philippines thông qua đối tác đang sở hữu 100.000 điểm bán lẻ tại đất nước này là DMPI.

Dự kiến doanh thu năm đầu tiên đạt 8,8 triệu USD, tức khoảng 202,4 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng kép trung hạn là 50%. 

Trong khi đó, liên doanh Vibev mà Vinamilk hợp tác với CTCP Tập đoàn KIDO (Mã: KDC) với tổng giá trị đầu từ 400 tỷ đồng dự kiến sẽ ra mắt sản phẩm trong 2022. 

Số liệu mới nhất cho thấy, hiện liên doanh bò thịt đang làm thủ tục thành lập liên doanh. Giai đoạn đầu họ sẽ nhập sản phẩm từ Nhật Bản và thử nghiệm bò thịt nuôi theo công nghệ Nhật Bản để giới thiệu đến người tiêu dùng. 

Giai đoạn tiếp theo sẽ đầu tư trang trại bò thịt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc với quy mô tổng vốn đầu tư khoảng 1.700 tỷ đồng, công suất khai thác là 20.000 con/năm.

Công ty chứng khoán cũng đưa ra dự phóng kết quả kinh doanh năm nay của Vinamilk với doanh thu thuần là 60.886 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 11.292 tỷ đồng, lần lượt tăng nhẹ 2% và 0,5% so với năm ngoái.

Sang năm 2022 và 2023, BSC dự báo kết quả kinh doanh của Vinamilk sẽ triển vọng hơn với doanh thu thuần tương ứng theo năm là 65.588 tỷ đồng và 70.751 tỷ. Lợi nhuận sau thuế ở mức 12.432 tỷ đồng cho năm 2022 và 13.491 tỷ đồng năm 2023.

Đến 11h30 ngày 27/8, giá cổ phiếu VNM tạm dừng ở mức 87.000 đồng. Từ ngày 12/1 tới nay, giá cổ phiếu VNM đã giảm từ mức 115.000 đồng về mức 87.000 đồng khiến nhiều nhà đầu tư thất vọng. Trong vòng 3 tháng qua, giá cổ phiếu VNM gần như đi ngang và giảm gần 4%.

Nhã Vy
Bạn đang đọc bài viết Cổ phiếu VNM có cơ hội bật lên khi biên lợi nhuận Vinamilk tăng? tại chuyên mục Chứng khoán của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan