Đề nghị giãn lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia
TCDN - Để các doanh nghiệp rượu bia có thời gian, điều kiện xây dựng phương án, chuyển đổi sản xuất kinh doanh, không bị xáo trộn quá lớn, nhiều ý kiến cho rằng cần giãn lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia.
Ngày 25/11, Hiệp hội Bia, Rượu, Nước giải khát Việt Nam (VBA) chủ trì tổ chức Hội thảo Công bố “Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia”.
Trình bày Tóm tắt kết quả “Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia”, TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban, Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh - trưởng nhóm nghiên cứu Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Tổng cục thống kê cho biết, trong những năm gần đây, ngành bia và đồ uống nói chung đóng góp lớn vào thu ngân sách nhà nước, với trung bình khoảng gần 60 ngày tỷ đồng mỗi năm. Giá trị sản xuất của ngành đồ uống chiếm khoảng 5,6 - 6% tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp.
Theo bà Thảo, nhóm nghiên cứu đã thực hiện đánh giá tác động tăng thuế đối với ngành rượu bia. Theo đó, các phương án tăng thuế đều ảnh hưởng tới sản xuất của ngành bia, từ đó làm giảm sản xuất của 21 ngành làm đầu vào cho ngành bia trong nền kinh tế. Khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia thì nguồn thu ngân sách nhà nước từ thuế sản phẩm (thuế gián thu) trong cả ba phương án đều tăng. Nhưng nguồn thu ngân sách nhà nước từ thuế gián thu chỉ tăng trong ngắn hạn. Mặt khác, việc tăng thuế ảnh hưởng tiếp đến cơ hội việc làm và thu nhập của người lao động. Hệ quả là làm suy giảm GDP của nền kinh tế.
Từ kết quả nghiên cứu, báo cáo đề xuất phương án năm 2027 tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia với lộ trình tăng 2 năm để giúp doanh nghiệp chủ động thích ứng với thị trường và tránh được sự suy giảm nghiêm trọng có thể làm tổn hại tới sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, của ngành.
“Việc điều chỉnh tăng thuế sẽ có tác động lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, của người dân tới cả nền kinh tế. Do vậy cần có đánh giá tác động thật kỹ lưỡng, dựa trên các cơ sở khoa học, tình hình thực tế về kinh tế và an sinh xã hội, chiến lược phát triển kinh doanh của doanh nghiệp đã đầu tư ở Việt Nam, đảm bảo hài hòa các mục tiêu”, TS Nguyễn Minh Thảo nêu rõ.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) đồng tình với quan điểm tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia thuốc lá nhằm điều chỉnh hành vi người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe nhân dân, tăng thu ngân sách nhà nước cũng như thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Chủ tịch VTCA cho rằng, cần xem xét phương án giãn thời gian tăng thuế suất có lộ trình để các doanh nghiệp có điều kiện xây dựng phương án, chuyển đổi sản xuất kinh doanh, không bị xáo trộn quá lớn. Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ lưỡng thời gian tăng, mức tăng phù hợp, có thể theo phương án năm đầu tăng thuế suất 5%, các năm tiếp theo sẽ tăng thuế theo lộ trình vài năm thay vì 1 năm.
Song song với đó, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp khác như thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, cần có các biện pháp quyết liệt chống hàng nhập lậu và đưa vào diện quản lý nộp thuế tiêu thụ đặc biệt của rượu trong dân, sản xuất rượu không có đăng ký kinh doanh, không đảm bảo chất lượng dễ gây ngộ độc, chết người, ảnh hưởng sức khỏe nhân dân, trật tự, an sinh xã hội.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899