Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, thuốc lá cần đi đôi với chống buôn lậu, trốn thuế
TCDN - Chính phủ yêu cầu việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng như rượu bia, thuốc lá… cần đi đôi với cơ chế hiệu quả phòng, chống buôn lậu, trốn thuế, có các công cụ để ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật liên quan.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2024.
Đối với Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Chính phủ yêu cầu cần xây dựng quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt bám sát nguyên tắc định hướng tiêu dùng vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế nhưng phải đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân, không khuyến khích tiêu dùng một số mặt hàng, dịch vụ xa xỉ trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Việc tăng thuế đối với một số mặt hàng như rượu bia, thuốc lá… cần đi đôi với cơ chế hiệu quả phòng, chống buôn lậu, trốn thuế, có các công cụ để ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật liên quan. Các quy định điều chỉnh thuế suất đối với một số mặt hàng, dịch vụ cụ thể như phòng tập thể thao điện tử; điều hòa dân dụng, phương tiện giao thông có cơ chế vận hành hoặc sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường; xe ô tô bán tải phục vụ sản xuất, kinh doanh… cần được bổ sung giải trình, thuyết minh có đầy đủ căn cứ để bảo đảm tính đồng bộ, khả thi. Lộ trình tăng thuế cần tính toán hợp lý, bảo đảm sự vận hành của doanh nghiệp, tránh gây đứt gãy hoạt động kinh tế - xã hội.
Cần rà soát, tổng kết và nghiên cứu để Luật có thể giao Chính phủ quy định một số mặt hàng thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt phù hợp với biến động nhanh chóng của thị trường hoặc nhu cầu xã hội, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước một cách linh hoạt, bảo đảm bao quát, không bỏ lọt các mặt hàng chịu thuế.
Đối với một số nội dung được sửa đổi, bổ sung như xác định giá tính thuế, hoàn thuế, khấu trừ thuế… cần được đánh giá kỹ lưỡng để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính đồng thời có quy định về chuyển đổi số nhằm bảo đảm sự minh bạch, hiệu quả, đồng bộ trong hoạt động quản lý nhà nước.
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục chủ động đánh giá, rà soát, lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức liên quan, địa phương, hiệp hội, chuyên gia và doanh nghiệp, người dân để bảo đảm xây dựng các quy định phù hợp thực tiễn. Chú trọng công tác truyền thông chính sách để tạo sự đồng thuận với các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung.
Đối với Dự án Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến Thành viên Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, bảo đảm yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, rà soát để bảo đảm nội dung dự án Luật có tính khả thi; giải quyết tốt những khó khăn, vướng mắc trong việc thu thuế; có chế tài rõ ràng; bảo đảm lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Bảo đảm cơ sở thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; thiết kế công cụ hiện đại để thu thuế, kiểm soát và kiểm tra hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế; sử dụng hóa đơn điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong quản lý thuế, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội;
Giảm bớt thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho việc thu thuế và nộp thuế, nâng cao ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ người nộp thuế, chống thất thu thuế, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử, dịch vụ ăn uống, bán lẻ..., bảo đảm sự công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế và phù hợp Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030;
Về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, cần đánh giá toàn diện về việc thực hiện chính sách và các quy định tại Nghị quyết số 107/2023/QH15 của Quốc hội ngày 29 tháng 11 năm 2023 và sẽ đề xuất luật hóa các quy định này vào thời điểm thích hợp.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899