Đề xuất giảm 2% thuế TNDN với doanh nghiệp nhỏ và vừa

26/03/2025, 20:08
báo nói -

TCDN - Góp ý về dự thảo Luật Thuế TNDN (sửa đổi), đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc giảm thêm 2% thuế TNDN về 18%, áp dụng với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Lý giải về đề xuất trên, bà Vang cho hay, hiện các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp cả nước. Trước tác động khó lường lên nền kinh tế khu vực, thế giới, cùng nhiều khó khăn nội tại, việc giảm 2% thuế TNDN sẽ "có ý nghĩa lớn giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa ổn định, phát triển bền vững, lâu dài".

Bên cạnh đó, bà Vang dẫn quy định tại điểm c khoản 6 Điều 13 về ưu đãi thuế suất cho doanh nghiệp đầu tư sử dụng thường xuyên trên 6.000 lao động. Theo đại biểu Vang, quy định hiện tại về số lượng lao động tối thiểu để được hưởng ưu đãi thuế suất là quá cao, gây khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư vào các địa phương có tỷ trọng đầu tư thấp. Do đó, đại biểu kiến nghị dự thảo luật xem xét giảm số lượng lao động tối thiểu xuống trên 3.000 lao động.

Đại biểu Tô Ánh Vang.

Đại biểu Tô Ánh Vang.

Đại biểu nhấn mạnh, việc giảm số lượng lao động tối thiểu sẽ mang lại nhiều lợi ích như: phát huy hiệu quả chính sách ưu đãi thuế suất, tạo động lực cho các nhà đầu tư; khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực và địa phương có tiềm năng phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp họ mở rộng quy mô sản xuất và tạo thêm nhiều việc làm.

Phát biểu giải trình tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh cho hay, dự thảo luật hiện đưa ra mức thuế suất dựa trên doanh thu của doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp có doanh thu dưới 3 tỷ đồng một năm, mức thuế họ phải đóng là 15%. Từ 3 tỷ đến 50 tỷ đồng, thuế suất là 17%. Các mức này, theo ông giảm 3-5% so với quy định hiện hành (20%).

Về thuế TNDN với dự án ưu đãi, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho biết, theo dự thảo, doanh nghiệp đang hưởng ưu đãi nếu đầu tư mở rộng sẽ chỉ được hưởng ưu đãi cho thời gian còn lại của dự án. Ví dụ, dự án được ưu đãi 20 năm, đã thực hiện 15 năm, thì phần đầu tư mở rộng chỉ được hưởng ưu đãi 5 năm còn lại. Tuy nhiên, nếu dự án đã hết thời gian ưu đãi, việc đầu tư mở rộng sẽ được hưởng ưu đãi theo cơ chế mới.

Đại biểu nêu rõ, quy định này tạo ra sự bất hợp lý, không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mở rộng trong quá trình hoạt động. Doanh nghiệp sẽ có xu hướng trì hoãn đầu tư mở rộng đến khi dự án kết thúc để được hưởng ưu đãi tối đa. Điều này không chỉ làm giảm hiệu quả đầu tư mà còn gây ra các thủ tục hành chính phát sinh.

Để khắc phục vấn đề này, đại biểu đề xuất thay đổi phương thức tính ưu đãi dựa trên tỷ lệ vốn đầu tư mở rộng so với tổng vốn đầu tư. Cụ thể, tỷ lệ vốn đầu tư mở rộng càng lớn, thời gian ưu đãi càng dài so với thời gian còn lại của dự án. Ngược lại, tỷ lệ vốn đầu tư mở rộng nhỏ sẽ tương ứng với thời gian ưu đãi ngắn hơn. Phương pháp này sẽ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mở rộng liên tục trong quá trình hoạt động, góp phần nâng cao năng lực sản xuất và hiệu quả đầu tư.

Hải Đăng
Bạn đang đọc bài viết Đề xuất giảm 2% thuế TNDN với doanh nghiệp nhỏ và vừa tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan