Doanh nghiệp gỗ xoay xở tìm khách vì thiếu đơn hàng
TCDN - Với tình hình đơn hàng vẫn sụt giảm, giới doanh nghiệp gỗ phải linh hoạt tìm kiếm thị trường khác thay thế và đầu tư phát triển sản phẩm.
Những tháng cuối năm 2022, ngành gỗ đối diện khó khăn lớn về đơn hàng khi nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh tại các thị trường chính khiến xuất khẩu liên tục giảm tốc.
Bước sang năm 2023, tình hình vẫn chưa cải thiện khi kim ngạch xuất khẩu ghi nhận trong tháng đầu tiên của năm mới giảm sâu so với cùng kỳ năm ngoái.
Đơn hàng giảm
Cụ thể, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 1 đạt 806 triệu USD, giảm hơn 38% so với tháng 12/2022 và giảm gần 49% so với tháng 1/2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt gần 492 triệu USD, giảm gần 44% so với tháng 12/2022 và giảm hơn 58% so với tháng 1/2022.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, nguyên nhân giảm mạnh là trong tháng 1 có thời gian nghỉ Tết Nguyên đán và đơn hàng giảm. Nhiều thị trường lớn trên thế giới vẫn đối mặt với lạm phát cao khiến nhu cầu tiêu dùng giảm, dẫn tới đơn hàng mới giảm, tác động trực tiếp đến kết quả xuất khẩu của ngành gỗ.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu chính của mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam, đồng thời là quốc gia giảm mạnh tiêu thụ trong tháng 1 với kim ngạch mang về 367,3 triệu USD, giảm hơn 60% so với tháng 1/2022
Chia sẻ tại hội chợ Xuất khẩu đồ gỗ và nội thất (HawaExpo 2023) diễn ra ngày 22/2, bà Đỗ Thị Kim Loan, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Sao Nam, nói: "Mỹ vốn là thị trường xuất khẩu chính, chiếm khoảng 90% lượng xuất khẩu của doanh nghiệp gỗ nhưng nhu cầu từ quốc gia này tiếp tục giảm mạnh trong các tháng đầu năm 2023 khiến lượng đơn hàng chỉ đạt khoảng 60-65% của cùng kỳ năm ngoái".
Với công ty TNHH Bảo Hưng, mặc dù đã tránh được tình trạng sụt giảm đơn hàng trong những tháng cuối năm 2022 nhưng bước sang năm 2023, doanh nghiệp này cũng không thể duy trì lượng nhân công và thời gian làm việc, tăng ca của người lao động bởi đơn hàng tại thị trường Mỹ giảm mạnh, khiến hoạt động chung của doanh nghiệp giảm theo.
"Mới 2-3 tuần sau Tết công ty đã thấy có dấu hiệu hủy hoặc lùi đơn hàng từ đối tác. Hiện đơn hàng giảm 20-25% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu từ Mỹ, thị trường chiếm khoảng 50% lượng đơn hàng của công ty", ông Phùng Quốc Cường, Giám đốc Công ty TNHH Bảo Hưng cho biết.
Theo ông Cường, từ trước Tết, doanh nghiệp đã áp dụng chính sách giảm giá để giữ khách hàng nhưng do nguồn hàng nhập khẩu từ năm trước với giá cao vẫn chưa tiêu thụ được nên đối tác chưa thể đặt hàng.
Ở góc độ Bộ Công Thương, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, cho rằng thương mại quốc tế đối với đồ gỗ trong năm 2023 còn nhiều bất ổn xuất phát từ hạn chế nguồn cung, áp lực lạm phát làm giảm sức mua, chi phí năng lượng và các vấn đề về logistics.
Các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU tiếp tục giảm nhu cầu nhập khẩu do những ảnh hưởng từ lạm phát, suy thoái kinh tế, niềm tin tiêu dùng thấp.
Trong đó, với các thị trường khu vực châu Âu, dù được các doanh nghiệp đặt sự quan tâm do hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhưng tiêu chuẩn kỹ thuật, hợp chuẩn, yêu cầu chứng minh nguồn gốc gỗ… mà phía EU đặt ra vẫn là những vấn đề không dễ vượt qua.
Ngoài ra, việc EU áp dụng dự luật liên quan đến nạn phá rừng sẽ là thách thức không nhỏ đối với xuất khẩu gỗ vào thị trường này trong thời gian tới.
Cũng theo ông Phú, nguồn cung dồi dào, lượng hàng tồn kho cao tại các thị trường đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc dẫn đến xu hướng các đơn hàng chậm lại và mức giá xuất khẩu gỗ nguyên liệu giảm.
Trong khi đó, thị trường Trung Quốc mở cửa, những chuỗi cung ứng nội địa vẫn chưa hoàn toàn bình phục, ẩn chứa nhiều rủi ro. Tất cả vấn đề trên này sẽ cản trở và thách thức lớn đến thị trường gỗ Việt Nam năm 2023.
Giải pháp của doanh nghiệp gỗ
Theo các doanh nghiệp và chuyên gia, người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu nhưng vẫn có những người có nhu cầu, chỉ là đòi hỏi nhiều hơn về chất lượng, sự khác biệt thiết kế. Do đó, linh hoạt tìm kiếm thị trường khác thay thế, đầu tư nhiều vào khâu thiết kế, phát triển sản phẩm mới sẽ thu hút được khách mua hàng trở lại.
Đại diện công ty Sao Nam cho biết ngay khi thị trường Mỹ chững lại, doanh nghiệp đã chuyển sang nhận gia công đơn hàng cho các thị trường khác như Australia, Canada...để bù đắp phần nào lượng sụt giảm từ thị trường chính.
"Khi thị trường khó khăn chung, chúng tôi chấp nhận làm gia công cho khách hàng. Hiện có các nhà nhập khẩu ván gỗ Australia, Canada chuyển nguyên liệu sang cho công ty theo hình thức tạm nhập tái xuất, chúng tôi sẽ thực hiện các công đoạn gia công để thành phẩm, đóng gói và xuất trở lại cho họ. Tỷ trọng tham gia vào các sản phẩm này chỉ khoảng 40-50% nhưng đây là sự thích nghi với từng thời điểm của thị trường", bà Loan chia sẻ.
Còn theo ông Phùng Quốc Cường, với tình hình lượng tồn kho của nhà nhập khẩu vẫn ở mức cao, doanh nghiệp phải phát triển sản phẩm thì đơn hàng mới có thể quay trở lại.
"Thị trường nào cũng khó khăn, Mỹ, EU, Nhật đều giảm tiêu thụ. Nhưng nếu doanh nghiệp đưa ra được mẫu mã mới, sản phẩm mới, cảm quan của khách hàng sẽ thay đổi và nhu cầu có thể sẽ phục hồi", ông Cường nói.
Đại diện Hiệp hội gỗ Việt Nam cho biết nhiều năm qua hầu hết doanh nghiệp trong ngành chỉ tập trung vào khâu sản xuất, xây dựng nhiều nhà máy lớn mà thiếu quan tâm cho việc xúc tiến thương mại, kết nối chặt chẽ với các thị trường, dẫn đến việc bị động khi nhu cầu thị trường suy giảm.
Theo ông Nguyễn Liêm, chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), lạm phát dù có lan rộng, nhưng nhu cầu tiêu thụ nội thất của thị trường quốc tế vẫn tăng cao. Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ chiếm được thị phần rất nhỏ, nên khi kinh tế các nước thị trường suy giảm kéo theo xuất khẩu gỗ Việt Nam giảm.
"Cơ hội phát triển của ngành vẫn lớn nếu công tác tiếp cận khách hàng, mở rộng thị trường được đẩy mạnh trong thời gian tới, từ đó ngành gỗ Việt Nam sẽ có đà tăng trưởng tốt trở lại”, chủ tịch BIFA nói.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899