Doanh nghiệp mong được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp
TCDN - Các doanh nghiệp hàng không, du lịch mong nhận được hỗ trợ giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 để giúp hồi phục và phát triển trở lại.
Doanh nghiệp kiệt quệ
Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hầu hết các doanh nghiệp đặc biệt du lịch và hàng không.
Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu du lịch lữ hành 8 tháng ước tính đạt 13,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,4% tổng mức và giảm 54,4% so với cùng kỳ năm trước.
Công ty CP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel) cho biết, doanh thu từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ quý II của công ty ghi nhận khoản lỗ trước thuế gần 38 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn lãi 23 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng sau thuế thu nhập doanh nghiệp của Vietravel này ở mức âm 38 tỷ đồng, và là quý lỗ ròng thứ 3 liên tiếp.
Ngành hàng không Việt Nam vận chuyển 116 triệu lượt khách trong năm qua (riêng Vietjet 25 triệu lượt khách). Các hãng hàng không trực tiếp tạo ra doanh thu khoảng 180.000 tỷ đồng và nộp thuế, phí khoảng 22.000 tỷ đồng trong năm 2019 (riêng Vietjet nộp ngân sách khoảng 9.000 tỷ đồng các loại thuế, phí trực tiếp và gián tiếp).
Thế nhưng do ảnh hưởng của Covid-19, các hãng hàng không đang thiệt hại nặng nề. Theo tính toán của các hãng hàng không trong năm nay các hãng bị thiệt hại khoảng 105.000 tỷ đồng. Tương tự, theo IATA, năm nay, các hãng hàng không Việt bị thiệt hại khoảng 4 tỷ USD. 6 tháng Vietnam Airlines lỗ 6.500 tỷ đồng, kế hoạch năm nay lỗ khoảng 13,5 ngàn tỷ đồng.
Trong khi đó, theo báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2020 của Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (VJC) kết quả hợp nhất đạt doanh thu 10.970 tỷ đồng, giảm 55%. Vietjet tuy có nhiều giải pháp và đạt kết quả kinh doanh đáng nể trong 6 tháng qua nhưng vẫn lỗ vận chuyển hàng không 1.440 tỷ đồng.
Theo khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân với gần 400 doanh nghiệp và 15 hiệp hội về những khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải gánh. Kết quả 20% doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động, 76% doanh nghiệp không cân đối được thu chi và 2% doanh nghiệp đã giải thể, chỉ có 2% doanh nghiệp tạm thời chưa bị ảnh hưởng do đại dịch.
Kiến nghị giảm thuế cho doanh nghiệp
Hiệp hội Hàng không Việt Nam cho rằng, hàng không là động lực phát triển của nền kinh tế. Các chuyên gia quốc tế cho rằng, hàng không tăng trưởng 2-2,5% sẽ góp phần kích thích tăng trưởng 1% GDP.
Thời gian vừa qua, Chính phủ đã có một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, Hiệp hội Hàng không cho rằng, số tiền hỗ trợ thông qua giảm thuế nói trên còn quá nhỏ so với khoản thuế, phí phải nộp và càng không đáng kể so với tổng chi phí bình quân 268 tỷ đồng/ngày và 128 tỷ đồng/ngày của Vietnam Airlines và Vietjet (số liệu năm 2019).
Mới đây, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đề xuất Chính phủ trình Quốc hội giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 30% cho các doanh nghiệp năm 2020 thay vì chỉ áp dụng với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo một hãng hàng không, nếu doanh nghiệp được hỗ trợ 30% thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giúp các hãng hàng không giảm bớt khó khăn, giảm chi phí. Ngành hàng không có thêm nguồn tiền đầu tư cho kế hoạch phục hồi sau dịch. Với Vietjet, hãng sẽ tiếp tục duy trì được mức giá vé rẻ, góp phần kích cầu du lịch. Các hãng hàng không phục hồi sẽ đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước, góp phần đưa nền kinh tế phát triển.
Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, dịch Covid-19 sẽ tác động dài hạn đến nền kinh tế toàn cầu cũng như trong nước. Vì vậy, hỗ trợ cho các doanh nghiêp lớn có triển vọng hồi phục, bật dậy sau dịch như hãng hàng không sẽ không những không làm lãng phí vốn hỗ trợ của Chính phủ mà còn tích cực đóng góp trở lại cho ngân sách, giải quyết việc làm và khôi phục, phát triển kinh tế như nhiệm vụ cấp bách mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra.
Đồng thời, ông Long đồng tình với đề xuất của Ban IV. “Dịch Covid-19 tác động tới tất cả các doanh nghiệp không phân biệt quy mô, lĩnh vực. Có doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều, có doanh nghiệp ảnh hưởng ít. Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn, Chính phủ cần hỗ trợ tất cả các doanh nghiệp không phân biệt quy mô lớn nhỏ”, ông Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Theo phân tích của ông Long, đơn cử như Vietnam Airlines và Vietjet năm 2019 nộp ngân sách khoảng 22.000 tỷ đồng thuế, phí và giải quyết việc làm cho 27.000 người. Vì vậy, nếu họ khó khăn, thua lỗ mà không được hỗ trợ phù hợp thì thuế, phí họ nộp giảm đi, lao động mất việc làm…
Chung quan điểm đó PGS, TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp thì có thể ưu tiên giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp lớn, có khả năng hồi phục. Chính các doanh nghiệp này sẽ đóng góp cho ngân sách, hỗ trợ hồi phục cho doanh nghiệp khác và thiết thực đóng góp cho xã hội.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899