Dự báo thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024: Nhiều cơ hội đầu tư, tăng trưởng vượt bậc

26/12/2023, 14:23

TCDN - Tổ chức phát hành yếu kém được sàng lọc và khoanh vùng; nhóm ngành nghề rủi ro cao cũng đã bộc lộ; thông tin về trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) minh bạch hơn… là những yếu tố cho thấy thị trường đã lành mạnh hơn sau giai đoạn thanh lọc; giúp nhà đầu tư có thể tìm kiếm nhiều cơ hội đầu tư thuận lợi.

3-2

Thị trường bước vào chu kỳ mới

Theo ông Trần Lê Minh, Tổng giám đốc CTCP Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating), thị trường TPDN đang chuyển sang một giai đoạn phát triển mới theo hướng bền vững hơn. Từ năm 2017 đến năm 2023, thị trường trải qua 2 giai đoạn lớn của chu kỳ phát triển là phát triển nóng và điều chỉnh. Hiện nay thị trường đang bắt đầu vào giai đoạn thứ 3 là phục hồi.

Về quy mô, trong giai đoạn tăng trưởng nóng, năm 2017, tổng giá trị TPDN phát hành khoảng 310.000 tỷ đồng thì đến cuối năm 2021, quy mô thị trường đã tăng lên gần 1.469.000 tỷ đồng, tăng trưởng 4,73 lần. Ở giai đoạn này, đặc biệt là năm 2021, vai trò của thị trường TPDN đã được khẳng định rất rõ ràng trong hoạt động chung của toàn bộ thị trường tài chính cũng như nền kinh tế, vì đến thời điểm đó, giá trị TPDN được phát hành mới lên tới 746.000 tỷ đồng, tương đương với 60% tổng dư nợ tín dụng do các ngân hàng cung cấp ra thị trường và vượt trội hơn rất nhiều so với quy mô phát hành mới trên thị trường cổ phiếu, chỉ dưới 100.000 tỷ đồng trong cùng năm.

Tuy nhiên, hệ lụy để lại cho giai đoạn sau khá nặng nề khi hệ thống theo dõi của VIS Rating cho thấy, có đến 54% số doanh nghiệp SPE (Công ty phục vụ mục đích đặc biệt) được thành lập chỉ với mục đích để huy động vốn đã có vấn đề về trả nợ trái phiếu ở giai đoạn sau và đây là con số rất là đáng quan tâm.

Từ giai đoạn tháng 7/2023 đến nay, các TPDN chủ yếu vẫn là phát hành riêng lẻ, lượng phát hành ra công chúng không nhiều, chỉ chiếm hơn 11,4% tổng giá trị phát hành trong 10 tháng qua.

Bên cạnh đó, số lượng các doanh nghiệp SPE phát hành ra thị trường vẫn lớn. Nếu trong 2022, số lượng trái phiếu phát hành bởi SPE khoảng 29 nghìn tỷ đồng thì 2023, con số này lên tới 38 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 35% tổng giá trị phát hành.Hiện nay, thị trường TPDN đã bước vào chu kỳ mới khi giá trị trái phiếu có rủi ro cao sẽ giảm dần trong 12 đến 18 tháng tới. Cụ thể, trong quý IV/2023, giá trị trái phiếu có độ rủi ro cao là 19.000 tỷ đồng; quý I/2024 còn 8.000 tỷ đồng; quý II/2024 là 13.000 tỷ đồng; quý III/2024 là 13.000 tỷ đồng và quý IV/2024 là 9.000 tỷ đồng. Quy mô thị trường TPDN bắt đầu ổn định.

Lành mạnh hơn sau thanh lọc

Nhiều quy định trong Nghị định 65 về phát hành TPDN riêng lẻ… đã bị tạm hoãn bằng Nghị định số 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2024 sẽ thiết lập kỷ luật chặt chẽ hơn đối với các bên liên quan, khôi phục niềm tin của thị trường và mở đường cho thị trường chuyển sang chu kỳ mới bền vững hơn.

Theo ông Simon, Giám đốc khối xếp hạng và nghiên cứu của VIS Rating, trong 2 năm gần đây, thị trường TPDN gặp cú sốc về thanh khoản khi nhiều nhà phát hành không trả gốc và lãi đúng hạn. Năm 2024 sẽ có 3 điểm dẫn dắt thị trường. Đầu tiên là tỷ lệ trái phiếu chậm trả phát sinh mới giảm dần khi NHNN đã cắt giảm 4 lần lãi suất trong năm 2023 và giúp cho doanh nghiệp huy động vốn dễ dàng hơn.

Thứ hai, các chính chính sách hỗ trợ kinh doanh của Chính phủ và kích cầu kinh tế sẽ phát huy hiệu quả hơn trong năm 2024, giúp doanh nghiệp kinh doanh tốt hơn, cải thiện dòng tiền, từ đó giúp huy động vốn và khả năng phát hành cải thiện dần.

Bên cạnh đó, năm 2024, việc thực thi các quy định chặt chẽ hơn sẽ giúp thị trường TPDN tăng tính kỷ luật hơn. Nhà phát hành sẽ phải công bố thông tin minh bạch hơn. Ngoài ra, việc quy định chặt chẽ hơn về chủ thể tham gia thị trường cũng giúp bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn.

Theo ông Trần Phú Việt - Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm, Khối thông tin tài chính (FiinGroup), thị trường TPDN năm tới có nhiều yếu tố tích cực quan trọng. Điểm tích cực đầu tiên chính là thị trường TPDN đã và đang lành mạnh hơn sau giai đoạn thanh lọc.

Trong giai đoạn 2022-2023, việc các tổ chức phát hành yếu kém bộc lộ đã giúp thị trường sàng lọc và khoanh vùng nhóm các tổ chức phát hành theo mức độ rủi ro khác nhau. Những doanh nghiệp có lịch sử trả nợ gốc và lãi TPDN sẽ là điểm sáng của thị trường, thu hút nhà đầu tư.

Các nhóm ngành nghề rủi ro cao cũng đã bộc lộ, giúp nhà đầu tư có góc nhìn chính xác hơn về rủi ro tín dụng từng nhóm ngành. Do đó, mức độ ảnh hưởng của những vi phạm trong việc phát hành TPDN tới thị trường thời gian tới sẽ thấp hơn, thị trường cũng sẽ ít biến động hơn.

“Nhà đầu tư có thể dựa vào lịch sử trả nợ gốc và lãi của doanh nghiệp để nhận định, đánh giá được doanh nghiệp nào tốt, nhóm ngành nào ít rủi ro để giải ngân đầu tư TPDN”, ông Việt khuyến nghị.

Một điểm tích cực khác của thị trường là thông tin về TPDN trở nên minh bạch. Việc lưu ký tập trung trên Tổng Công ty Lưu ký và bù trừ Chứng khoán Việt Nam giúp thông tin về TPDN trở nên minh bạch hơn rất nhiều, như các thông tin về lãi suất danh nghĩa, kỳ trả lãi...

Bên cạnh đó, sự ra đời và vận hành của sàn giao dịch TPDN riêng lẻ giúp nhà đầu tư nắm bắt rõ hơn các thông tin về giao dịch trái phiếu trên thị trường thứ cấp, đặc biệt các dữ liệu liên quan đến lợi suất đầu tư của từng mã trái phiếu. Đây là cơ sở để xây dựng các thông tin về đường cong lãi suất của các tổ chức phát hành, nhóm tổ chức phát hành.

Đồng thời, hoạt động xếp hạng tín nhiệm với sự tham gia của nhiều đơn vị xếp hạng, sẽ giúp cho nhà đầu tư có nhiều thông tin và sự lựa chọn hơn. Ngày 28/11, trong cuộc họp lấy ý kiến đánh giá tình hình triển khai Nghị định số 08/2023/NĐ-CP và định hướng chính sách trong thời gian tới, Bộ Tài chính cũng đề xuất không kéo dài thời gian ngưng quy định xếp hạng tín nhiệm bắt buộc đối với TPDN riêng lẻ. Như vậy, từ ngày 1/1/2024, các doanh nghiệp phát hành bắt buộc phải xếp hạng tín nhiệm, đây cũng là một lợi thế giúp nhà đầu tư có thêm lựa chọn giải ngân an toàn.

Ngoài ra, theo ông Việt, kênh TPDN vẫn còn rất nhiều cơ hội đầu tư tốt. Một số TPDN đầu ngành, cũng như nhóm TPDN của nhóm ngân hàng vẫn có mức coupon phát hành và lợi suất đầu tư trên thị trường thứ cấp hấp dẫn.

“Nhóm ngành Ngân hàng và bất động sản đã chiếm 70% tổng giá trị đáo hạn năm 2024, vì vậy 30% còn lại, chúng tôi đánh giá sẽ không tạo ra áp lực quá lớn cho thị trường vốn của năm tới”, ông Việt nhận định.

Tuy nhiên, ông Việt cũng lưu ý, môi trường kinh doanh có thể tiếp tục khó khăn, dẫn đến triển vọng kinh doanh của các tổ chức phát hành, đặc biệt trong nhóm ngành BĐS, Năng lượng tái tạo sẽ không đủ dòng tiền để trả nợ gốc, lãi trái phiếu đáo hạn trong thời gian tới.

Do đó, thị trường vẫn cần có thêm một thời gian dài đề hồi phục hoàn toàn, cũng như chứng tỏ được vai trò tích cực của kênh dẫn vốn an toàn, minh bạch để nhà đầu tư quay trở lại thị trường.

Đưa ra nhận định chung cho thị trường trái phiếu tại thời điểm cuối năm 2023, bà Nguyễn Ngọc Anh - Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI nhấn mạnh, thị trường đã "hạ cánh mềm", cho dù, trước đó đã có rất nhiều quan ngại điều gì sẽ xảy ra tiếp theo trong năm nay.

Cũng theo bà Anh, trong thời gian vừa qua, có một số doanh nghiệp làm ăn phi pháp, bị xử lý hình sự, ảnh hưởng tới niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường trái phiếu. Bên cạnh đó, một số tổ chức tài chính trung gian có thể vô tình hoặc cố tình cũng có những sai phạm nhất định trong quá trình làm hồ sơ và phân phối trái phiếu đến tay những người chưa đủ tiêu chuẩn mua trái phiếu.

“Chúng ta phải xác định những vi phạm trên thị trường thời gian qua là số ít nếu so với toàn bộ quy mô thị trường và việc xử lý cho tới thời điểm này là quyết tâm lớn của Đảng và Nhà nước, xử lý đến cùng tất cả các trường hợp vi phạm. Sau cú va vấp này, sẽ có những bài học kinh nghiệm để tránh được tối đa va vấp ở quy mô lớn hơn”, bà Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ.

Hải Quyên

Tạp chí in số tháng 12/2023
Bạn đang đọc bài viết Dự báo thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024: Nhiều cơ hội đầu tư, tăng trưởng vượt bậc tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899