Dự trữ ngoại hối toàn cầu giảm mạnh kỷ lục

13/01/2023, 16:23
báo nói -

TCDN - Dự trữ ngoại hối toàn cầu đã giảm 10% trong 9 tháng đầu năm 2022 khi nhiều quốc gia bảo vệ đồng nội tệ khi USD tăng giá.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tổng dự trữ ngoại hối toàn cầu đã giảm còn 11.600 tỷ USD vào cuối tháng 9/2022, đánh dấu lần đầu tiên con số này xuống dưới ngưỡng 12.000 tỷ USD kể từ tháng 3/2020.

Theo số liệu của Bloomberg, dự trữ ngoại hối năm 2022 ghi nhận tỷ lệ giảm khoảng 7,8%, mức giảm sâu nhất kể từ khi có số liệu so sánh vào năm 2003.

Lý do khiến dự trữ ngoại hối giảm

Chuyên gia Yoshimasa Maruyama tại công ty dịch vụ tài chính SMBC Nikko Securities nhận định, các số liệu phản ánh việc các quốc gia bán bớt dự trữ ngoại hối, chủ yếu là USD, để hỗ trợ đồng nội tệ.

Đồng quan điểm, ông Steven Englander, chuyên gia cấp cao của Standard Chartered Plc cho rằng, sự suy giảm dự trữ ngoại hối phản ánh tình trạng căng thẳng trên thị trường tiền tệ đang buộc ngày càng nhiều ngân hàng trung ương phải dốc hầu bao để bảo vệ đồng tiền trong nước.

Hàng loạt quốc gia giảm dự trữ ngoại hối

Theo số liệu thống kê của chính phủ công bố ngày 11/1, năm ngoái, dự trữ ngoại hối của Nhật Bản đã giảm 13% xuống 1.230 tỷ USD, mức giảm đầu tiên trong 6 năm và là mức giảm mạnh nhất trong dữ liệu so sánh kể từ năm 2001.

Khi đồng yen giảm mạnh trong tháng 9, tháng 10 và có thời điểm rơi xuống 151 yen/USD, Tokyo đã bán tài sản bằng USD để mua vào yen nhằm ngăn chặn đà giảm của đồng nội tệ.

Trong tháng 9, Nhật Bản đã chi khoảng 20 tỷ USD để làm chậm đà trượt giá của đồng yen trong lần can thiệp đầu tiên kể từ năm 1998. Số tiền can thiệp chiếm khoảng 19% lượng giảm dự trữ trong năm 2022.

du tru ngoai hoi

Theo số liệu của IMF, các nền kinh tế mới nổi như Sri Lanka đối mặt với tình trạng đặc biệt nghiêm trọng, khi dự trữ ngoại hối giảm hơn 40% từ cuối năm 2021 đến tháng 11/2022, do sự sụt giảm hoạt động du lịch.

Các quốc gia châu Á nghèo tài nguyên cũng chứng kiến tình trạng suy giảm đáng kể, với dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc giảm 10% do những nỗ lực chống đỡ cho đồng won.

Trong tháng 9, dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc đã giảm 19,7 tỷ USD xuống còn 416,8 tỷ USD, ghi nhận mức giảm lớn nhất kể từ tháng 10/2008 khi ngân hàng trung ương bán ngoại hối để hỗ trợ đồng won.

Theo Bloomberg, trong năm 2022, dự trữ ngoại hối của Ấn Độ đã giảm 96 tỷ USD xuống 538 tỷ USD, giữa bối cảnh đồng rupee giảm khoảng 9% so với đồng USD và chạm mức thấp kỷ lục trong tháng 11/2022.

Tình hình đảo chiều

Xu hướng giảm dự trữ đã bắt đầu thay đổi ở một số quốc gia khi đà tăng của đồng USD dịu bớt trong vài tháng qua. Ví dụ, dự trữ ngoại hối của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm mạnh khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng, khiến đồng lira lao dốc.

Sau khi sức ép giảm, Thổ Nhĩ Kỳ đã bổ sung ngoại hối và nâng dự trữ lên mức cao hơn vào cuối năm 2021. Nam Phi cũng đã đang tăng nguồn dự trữ ngoại hối.

Tuy nhiên, theo phương pháp đánh giá ARA của IMF, dự trữ ở nhiều nơi trên thế giới vẫn ở mức thấp đáng lo ngại. ARA là phương pháp đánh giá mức độ đầy đủ của dự trữ ngoại hối dành cho các nước mới nổi.

Trung Quốc, quốc gia có dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, cũng chỉ có khoảng 60% dự trữ cần thiết theo ARA, sau khi lượng ngoại hối giảm 4% từ cuối năm 2021 đến tháng 11/2022.

Viện nghiên cứu Dai-ichi Life của Nhật Bản ước tính Thổ Nhĩ Kỳ hiện chỉ có 53% lượng dự trữ cần thiết theo ARA - thấp hơn nhiều so với khuyến nghị của IMF là 100% - 150%.

Tùng Lâm/Bloomberg
Bạn đang đọc bài viết Dự trữ ngoại hối toàn cầu giảm mạnh kỷ lục tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan