EU tung thêm đòn với những tập đoàn công nghệ Mỹ
TCDN - Những quy định mới của Liên minh châu Âu (EU) về nội dung có thể khiến các tập đoàn công nghệ Mỹ chia tách hoặc ngừng hoạt động.
Hôm 15/12, các quan chức khắp châu Âu công bố những luật trao cho cơ quan quản lý những quyền mới để đối phó các tập đoàn công nghệ Mỹ, như đe dọa áp những khoản phạt lớn và nêu viễn cảnh chia tách hoặc cấm những đối tượng vi phạm nhiều lần.
Ủy ban châu Âu ban hành một loại dự thảo chính sách để buộc các doanh nghiệp công nghệ Mỹ thay đổi cách thức hoạt động kinh doanh. Đây là nỗ lực quyết liệt nhất để kiềm chế những tập đoàn như Amazon, Google, Facebook, Apple, theo các chuyên gia trong ngành công nghệ.
Mạng xã hội lớn và các nền tảng thương mại điện tử sẽ đối mặt nghĩa vụ mới trong việc gỡ nội dung phi pháp và độc hại khỏi nền tảng của họ theo dự thảo luật mới mang tên Đạo luật Dịch vụ số (Digital Services Act) của EU.
Một dự luật thứ hai - mang tên Đạo luật Thị trường số (Digital Markets Act) buộc các doanh nghiệp có vai trò "gác cổng" phải thực hiện hoặc không thực hiện những việc mà pháp luật quy định để ngăn chặn hành vi cạnh tranh bất bình đẳng. Chẳng hạn, các tập đoàn không được phép sử dụng dữ liệu mà họ thu thập từ các đối thủ cạnh tranh.
"Hai dự luật chỉ phục vụ một mục đích: Đảm bảo rằng người sử dụng có thể tiếp cận nhiều lựa chọn đối với những sản phẩm và dịch vụ an toàn trên môi trường số, và các doanh nghiệp hoạt động ở châu Âu có thể cạnh tranh tự do và bình đẳng trên môi trường số giống như trong môi trường thực", bà Margrethe Vestager, Cao ủy phụ trách các vấn đề công nghệ của EU, phát biểu.
Anh, nước đã rời EU trong năm nay, cũng chấp thuận dự luật.
Những doanh nghiệp công nghệ không xóa hoặc ngăn chặn sự lan truyền của nội dung phi pháp sẽ đối mặt với khoản tiền phạt tương đương 10% doanh thu hàng năm của họ, theo các quy định trong dự thảo của EU hôm 15/12.
Nếu không tuân thủ các luật chống nội dung phi pháp, các tập đoàn công nghệ có thể phải nộp phạt tới 6% tổng doanh thu toàn cầu hàng năm, còn những đối tượng tái phạm có thể phải ngừng vận hành nền tảng.
Hiện tại, một số luật cho phép cơ quan chống độc quyền của EU phạt doanh nghiệp tới 10% tổng doanh thu toàn cầu trong năm. EU sẽ mở rộng các luật này sang một số lĩnh vực khác. Trong tương lai, EU có thể buộc những doanh nghiệp phạm luật bán tài sản hoặc hoạt động kinh doanh nếu họ tiếp tục vi phạm.
Giới quan sát dự báo các tập đoàn công nghệ Mỹ sẽ phản đối hai dự luật một cách mạnh mẽ. Hiệp hội Công nghiệp Máy tính và Viễn thông - tổ chức đại diện cho Amazon, Facebook, Google và Twitter - tuyên bố họ sẽ tìm cách thảo luận với các nhà hoạch định chính sách EU để bảo đảm rằng các dự luật của họ sẽ đạt những mục tiêu để châu Âu tiếp tục hưởng những lợi ích của sản phẩm và dịch vụ số.
"Chúng tôi hy vọng rằng các cuộc đàm phán trong tương lai sẽ biến EU thành khu vực dẫn đầu trong sáng tạo kỹ thuật số, chứ không chỉ trong lĩnh vực quản lý số", Hiệp hội Công nghiệp Máy tính và Viễn thông bình luận.
EU sẽ cần chờ tới vài năm để thực thi hai dự luật mới, và những thay đổi lớn đối với chúng vẫn có thể xảy ra. Mặc dù vậy, hai dự luật đang tạo thêm áp lực cho các tập đoàn công nghệ lớn. Bà Vestager nói trong một cuộc họp báo hôm 15/12 rằng hành động chung của EU, Mỹ, Australia, Canada, Nhật Bản đang là một phần trong các cuộc thảo luận toàn cầu.
"ĐIều quan trọng ở đây là: Quy mô của các tập đoàn công nghệ phải gắn với trách nhiệm của họ", bà nhấn mạnh.
Ở Mỹ, chính phủ liên bang và hơn một chục bang đã kiện Google, Facebook về hành vi cạnh tranh không bình đẳng, lạm dụng thế độc quyền để chèn ép các đối thủ nhỏ. Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ muốn tòa án buộc Facebook bán Instagram và WhatsApp, chia tách mạng xã hội lớn nhất thế giới.
Chính phủ Anh cảnh báo họ sẽ cấm những nền tảng không xử lý nghiêm túc nội dung phi pháp và độc hại, đồng thời áp đặt những biện pháp trừng phạt hình sự đối với các nhà quản lý cao cấp của tập đoàn công nghệ phạm luật.
"Tôi là người ủng hộ công nghệ, nhưng chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mà công nghệ phải bảo vệ trẻ em và những đối tượng dễ tổn thương. Chúng ta phải khôi phục niềm tin đối với ngành công nghệ, và thúc đẩy những luật bảo vệ tự do ngôn luận", ông Oliver Dowden, Bộ trưởng Bộ Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông Anh, bình luận.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899