Giới doanh nghiệp ở Trung Quốc đẩy mạnh tiết kiệm
TCDN - Những khoản mà giới doanh nghiệp ở Trung Quốc đang cắt giảm mạnh bao gồm du lịch, công tác phí và phúc lợi nhân viên.
Giới doanh nghiệp ở Trung Quốc đang ngày càng siết chặt hầu bao trong bối cảnh những rắc rối của nền kinh tế vẫn chưa kết thúc. Xu hướng ấy có thể trì hoãn đà phục hồi rất cần thiết của lĩnh vực tiêu dùng và khiến áp lực giảm phát mạnh lên, Bloomberg nhận định.
Phong trào thắt lưng buộc bụng của giới doanh nghiệp
Anh Simon Wang, nhân viên của một doanh nghiệp công nghệ đa quốc gia ở miền đông Trung Quốc, tiết lộ công ty của anh đã tránh các chuyến du lịch tập thể kéo dài cả tuần ở nơi xa và chọn những chuyến đi ngắn tới những thành phố lân cận bằng xe buýt.
Ở công ty đầu tư năng lượng của anh Alex Zhang, tiền thưởng cho ngày sinh nhật giảm một nửa. Những người khác nói với Bloomberg rằng công ty đang yêu cầu họ di chuyển tàu thay vì máy bay trong các chuyến công tác.
Những đồng nghiệp lớn tuổi hơn từng kể cho Wang nghe về những lúc doanh nghiệp mạnh tay chi tiền. Khi anh Wang gia nhập công ty vào năm 2020, những ngày tháng huy hoàng đã kết thúc. Anh chia sẻ: “Tôi ghen tị với các đàn anh đến mức muốn khóc”.
Năm ngoái, giới doanh nghiệp Trung Quốc chi 7.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 975 tỷ USD) cho việc đi lại, ăn uống và phúc lợi cấp cho nhân viên, thấp hơn 3% so với con số ghi nhận năm 2019, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu iResearch.
Chi tiêu của giới doanh nghiệp chiếm khoảng 15% doanh số bán lẻ của Trung Quốc và là động lực tăng trưởng quan trọng đối với nền kinh tế.
Tiết kiệm ngày càng trở thành thói quen tại Trung Quốc. Sự giảm tốc của nền kinh tế và khủng hoảng trong thị trường nhà đất là những yếu tố chính thúc đẩy mọi người để dành tiền thay vì chi tiêu. Giá cả đi xuống làm giảm thu nhập của doanh nghiệp và cản trở nhu cầu.
Ông Sun Te, nhà phân tích tại iResearch, bình luận: “Cả giới doanh nghiệp nhà nước lẫn tư nhân đều đang cố gắng cắt giảm chi phí bằng mọi giá”.
"Dù một doanh nghiệp cảm thấy lạc quan về triển vọng kinh doanh của bản thân, họ vẫn sẽ kiểm soát chặt chẽ chi phí nếu thấy tình hình kinh tế ảm đạm", ông bình luận.
Sắp tới, giới doanh nghiệp có thể sẽ còn mạnh tay giảm chi tiêu hơn nữa. Gần đây, Trung Quốc đã yêu cầu các quan chức chính phủ “quen với việc thắt lưng buộc bụng” trong bối cảnh giới lãnh đạo tìm cách giải quyết khối nợ của chính quyền địa phương và phòng tránh tham nhũng.
Một số chính quyền địa phương còn khuyến khích nhân viên đi chung xe và tính đến việc lãng phí thực phẩm khi đánh giá hiệu suất công việc.
UBS Securities ước tính khoảng 20% doanh số bán lẻ ở Trung Quốc liên quan tới chi tiêu chính phủ.
Ảnh hưởng tới khách sạn, hàng không
Khách sạn và hàng không là những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi doanh nghiệp hạn chế chi tiêu. Vì hoạt động du lịch ở Trung Quốc chủ yếu tập trung vào các dịp nghỉ lễ quốc gia dài ngày, hai ngành này rất phụ thuộc vào các chuyến công tác và du lịch của doanh nghiệp để có nguồn thu ổn định.
Một chuyên gia khách sạn nước ngoài ở Bắc Kinh cho biết các doanh nghiệp lớn đang đàm phán quyết liệt để có mức giá tốt hơn. Ông đã từ chối 10 khách hàng doanh nghiệp trong năm nay vì mức giá họ mong muốn không tương xứng với yêu cầu.
Vị chuyên gia nói rằng các công ty công nghệ đang muốn nhân viên đặt khách sạn rẻ hơn. Một số tổ chức tài chính ở Thượng Hải giảm chi phí bằng cách hủy tiệc tất niên. Chuỗi khách sạn của ông ghi nhận khoảng 30 buổi tiệc lớn bị hủy trong những tuần gần đây, với tổng trị giá 10 triệu nhân dân tệ.
Ông Chen Xin, trưởng bộ phận nghiên cứu vận tải và giải trí Trung Quốc tại UBS, dự đoán xu hướng cắt giảm chi tiêu sẽ tiếp diễn. Ông ước tính chi tiêu cho việc đi lại của doanh nghiệp có thể lao dốc tới 30% trong quý 1/2024 so với cùng kỳ năm 2019.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899