Nỗi lo của doanh nghiệp khi được tỷ phú Warren Buffett để ý

01/02/2024, 07:18

TCDN - Các doanh nghiệp liên quan tới cổ phiếu mà tỷ phú Warren Buffett gom đang triển khai kế hoạch để phòng ngừa rủi ro nếu ông bán cổ phiếu của họ.

Tỷ phú Warren Buffett có thể khiến các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đau đầu khi ông rót vốn vào công ty họ. Trường hợp của 5 công ty thương mại lớn nhất Nhật Bản được Berkshire Hathaway đầu tư từ năm 2020 là ví dụ điển hình.

Khoản đầu tư của Berkshire Hathaway làm tăng độ nhận diện của các công ty này trên thị trường quốc tế và giúp họ thu hút những nhà đầu tư khác. Trong 4 năm qua, giá cổ phiếu của cả 5 công ty đều tăng vượt trội so với thị trường chung.

Tâm lý đề phòng rùi ro

Dù vậy, tầm ảnh hưởng của tỷ phú Warren Buffett đôi khi chẳng mang lại lợi ích cho doanh nghiệp. Khi Berkshire Hathaway thanh lý cổ phiếu TSMC trong danh mục hồi năm ngoái vì rủi ro địa chính trị, giá cổ phiếu của nhà sản xuất chip Đài Loan đã nhanh chóng trượt dốc bởi nhiều cổ đông khác cũng học theo nhà đầu tư huyền thoại.

Sau bài học ấy, 5 công ty thương mại Nhật Bản đang tiến hành các bước để giảm bớt tác động nếu nhà đầu tư huyền thoại quyết định rút vốn vào một ngày nào đó.

Ông Yoshinori Takayama, Giám đốc bộ phận quan hệ nhà đầu tư của Sumitomo, cho phát biểu: “Chúng tôi không nghĩ Berkshire Hathaway sẽ giữ cổ phiếu mãi mãi. Chúng tôi đang nhắm đến việc đa dạng hóa nhà đầu tư để đề phòng rủi ro cổ phiếu bị bán tháo”.

warren buffett 1

Kế hoạch của các ông lớn thương mại Nhật Bản nhiều khả năng sẽ không diễn ra dễ dàng. Berkshire Hathaway nằm trong nhóm những cổ đông lớn nhất của cả 5 công ty. Tập đoàn của Buffett sở hữu từ 7,5% đến 8,4% cổ phần trong Itochu, Sumitomo, Mitsubishi, Mitsui và Marubeni.

Berkshire chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy tập đoàn có ý định bán bớt cổ phiếu những công ty đó. Warren Buffett đã đến thăm Nhật Bản vào tháng 4 năm ngoái để gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp và sau đó tăng tỷ lệ sở hữu trong những công ty này.

'Nhà hiền triết xứ Omaha" từng nói ông muốn mua thêm cổ phiếu Nhật Bản, nhưng sẽ giới hạn cổ phần trong 5 công ty thương mại ở mức tối đa 9,9% trừ khi hội đồng quản trị của họ chấp thuận một cách rõ ràng.

Kế hoạch dự phòng

Hầu hết 5 công ty thương mại mà tỷ phú Warren Buffett đầu tư đều bắt đầu hoạt động từ cuối thế kỷ 19, khi Nhật Bản chấm dứt chế độ samurai và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng quá trình công nghiệp hóa cũng như học hỏi phương Tây.

Trong quá khứ, thị trường hàng hoá mạnh mẽ là yếu tố chính giúp thúc đẩy lợi nhuận của họ. Năm ngoái, lợi nhuận của 5 công ty còn được hỗ trợ khi họ mở rộng sang lĩnh vực phẩm và cơ sở hạ tầng. 

Dữ liệu do Bloomberg tổng hợp cho thấy, tỷ phú Warren Buffett đã đầu tư khoảng 1.300 tỷ yen vào 5 công ty. Hiện số cổ phiếu Berkshire nắm giữ có trị giá khoảng 3.200 tỷ yen. Ván cược vào Nhật Bản của Buffett đã tạo ra tỷ lệ lợi nhuận hơn 146%.

Ông Hiroshi Namioka, Giám đốc đầu tư tại T&D Asset Management, bình luận: "Warren Buffett có thể bán ra cổ phiếu khi giá tăng cao và khoản đầu tư trở nên kém hấp dẫn hơn".

Vị giám đốc nhận định thị trường không nghĩ Warren Buffett sẽ chốt lời 5 cổ phiếu thương mại Nhật Bản, nhưng khó có thể loại bỏ khả năng này do phong cách của Buffett là đầu tư giá trị. 

Berkshire từ chối bình luận về khoản đầu tư vào các công ty thương mại Nhật Bản. Nhưng tỷ phú Warren Buffett từng tiết lộ ông thích đầu tư vào Nhật Bản hơn Đài Loan do lo ngại về rủi ro thương mại xuất phát từ căng thẳng Mỹ - Trung. Ông bán cổ phiếu TSMC vì lý do đó, dù từng khen ngợi hãng chip này là một trong các công ty được quản lý tốt nhất thế giới. Giá TSMC đã hồi phục sau khi Buffett thoái vốn.

Ngoài nỗ lực đa dạng hóa cơ sở cổ đông, 5 công ty thương mại Nhật Bản cũng đang nỗ lực xây dựng các mảng kinh doanh mới nhằm thúc đẩy lợi nhuận và thu hút các nhà đầu tư khác.

Giám đốc bộ phận quan hệ nhà đầu tư của Mitsui cho biết công ty quan tâm các phân khúc như chăm sóc sức khỏe và năng lượng mới. Nhân viên bộ phận quan hệ nhà đầu tư tại Mitsubishi và Marubeni cũng nói công ty họ đang cố gắng mở rộng cơ sở cổ đông.

Mitsubishi tiến hành chia tách cổ phiếu với tỷ lệ 3:1 từ ngày 1/1 nhằm hạ giá cổ phiếu và thu hút thêm nhà đầu tư nhỏ lẻ. Các chương trình mua cổ phiếu quỹ đã biến Itochu thành tổ chức sở hữu nhiều cổ phiếu của chính công ty này nhất.

Hideaki Kuribara, nhà phân tích cấp cao tại Tokai Tokyo Research Institute, cho rằng công cụ tốt nhất để phòng ngừa tác động tiêu cực từ việc Berkshire bán ra cổ phiếu là tiềm năng sinh lời của các doanh nghiệp. Ông khẳng định: “Nếu tỷ phú Warren Buffett bán ra cổ phiếu của 5 công ty thương mại Nhật Bản, một số nhà đầu tư sẽ làm theo ông ấy, nhưng các yếu tố cơ bản như lợi nhuận vẫn quan trọng hơn”.

Tùng Lâm/Theo Economictimes
Bạn đang đọc bài viết Nỗi lo của doanh nghiệp khi được tỷ phú Warren Buffett để ý tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan