Hà Nội quy hoạch lại giao thông nhằm tăng kết nối với 8 tỉnh lân cận

27/07/2023, 07:21

TCDN - Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội vừa phối hợp cùng 8 tỉnh lân cận và 15 huyện, thị xã để rà soát quy hoạch giao thông vận tải.

Tại buổi rà soát quy hoạch, ông Nguyễn Phi Thường - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay, sau nhiều năm thực hiện, quy hoạch giao thông xuất hiện hàng loạt “khoảng trống” cần phải rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế hiện nay.

Nhiều chỉ tiêu thực hiện chưa đáp ứng được so với yêu cầu của quy hoạch. Quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội cũng chưa tính đến khả năng liên thông, nối dài đến các tỉnh lân cận; mở rộng, nâng công suất sân bay Nội Bài và quy hoạch sân bay thứ hai Vùng Thủ đô phải bảo đảm tính liên kết vùng...

linh-dam3-16132154104031383811649

Nguyên nhân được ông Thường chỉ ra do quy hoạch giao thông vận tải của các địa phương khác nhau, chưa có tính liên thông; tiến độ đầu tư không đồng bộ nên khó có thể khớp nối, dẫn đến hạn chế năng lực lưu thông, dồn phần lớn áp lực lên các trục chính, gây ùn tắc và quá tải hạ tầng.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng cần phải tổ chức rà soát, làm rõ những vấn đề bất cập trong liên kết vùng để từ đó kịp thời đề xuất điều chỉnh những bất cập nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho mỗi địa phương cũng như toàn vùng.

Tới đây, Hà Nội sẽ đề xuất các định hướng lớn về GTVT để đưa vào Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Theo tiến độ, tháng 10/2023, Sở GTVT Hà Nội phải tổng hợp, đề xuất báo cáo UBND thành phố để đưa ra các định hướng lớn về lĩnh vực giao thông vận tải vào đồ án Quy hoạch chung xây dựng điều chỉnh.

Đại diện Sở GTVT Bắc Ninh cho biết, hiện tỉnh đang lập hồ sơ quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 9/2023.

Địa phương này đề nghị Hà Nội cùng rà soát, lập, điều chỉnh hệ thống quy hoạch để từng bước đầu tư, kết nối các tuyến đường giữa hai địa phương. Quy hoạch hoàn chỉnh các nút giao liên thông và hoàn chỉnh đường gom của các tuyến quốc lộ 1A, 3, 18; bổ sung quy hoạch các tuyến đường kết nối một số huyện của Bắc Ninh với Hà Nội; bổ sung quy hoạch đồng bộ hệ thống đường sắt đô thị theo các trục liên kết khu vực Ngọc Hồi - Yên Viên - Từ Sơn - Bắc Ninh…

Theo ông Nguyễn Quang Khải - Phó giám đốc Sở GTVT Hưng Yên, Hà Nội và Hưng Yên có ranh giới khoảng 54km. Để tăng khả năng kết nối, tỉnh Hưng Yên đề xuất nối đường tỉnh 379B qua cầu Khuyến Lương để kết nối với đường Nguyễn Tam Trinh của Hà Nội.

Điều chỉnh hướng tuyến Tây Bắc - quốc lộ 5 về phía Nam đi theo quốc lộ 38A kết nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tại vị trí cách nút giao Yên Mỹ khoảng 9,5km… Hà Nội và Hưng Yên cùng chung dòng sông Hồng nên có lợi thế rất lớn để khai thác mặt nước, có thể phát triển một số cảng nhằm phát triển du lịch và vận tải thủy nội địa.

Góp ý cho Hà Nội và các tỉnh, ông Phạm Hữu Sơn - Tổng giám đốc TEDI cũng nêu lên một số vấn đề cần xem xét cho tương lai của mạng lưới GTVT Thủ đô. Đơn cử như, trước đây Hà Nội chỉ quy hoạch đến Vành đai 5, nhưng với nhu cầu kết nối cao, tốc độ phát triển đô thị nhanh như hiện nay, đặc biệt là khi hình thành các thành phố trực thuộc, đô thị vệ tinh, Hà Nội sẽ cần phải nghiên cứu đến cả Vành đai 6.

Việc rà soát này không chỉ thuần túy giữa các địa phương kết nối với Hà Nội mà còn là sự kết nối giữa các địa phương với nhau. Nhu cầu là chính đáng nhưng khi đề xuất đưa vào quy hoạch dù được hay không đều phải làm rõ tính khả thi.

Được biết, Hà Nội sẽ cùng 8 tỉnh lân cận và các huyện, thị xã gồm: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, 15 huyện, thị xã liên quan địa phương và TEDI khẩn trương rà soát, gạn lọc từng nội dung quy hoạch, làm rõ những vấn đề cần ưu tiên, từ đó đề xuất chỉnh sửa cho phù hợp, tạo tiền đề cho sự phát triển giao thông và đô thị bền vững, hiệu quả.

PV
Bạn đang đọc bài viết Hà Nội quy hoạch lại giao thông nhằm tăng kết nối với 8 tỉnh lân cận tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan