Hà Nội, Tp.HCM chỉ cổ phần hóa được 1/54 doanh nghiệp trong giai đoạn 2016 - 2021

31/10/2022, 10:00
báo nói -

TCDN - Trong giai đoạn 2016 - 2021, TP Hà Nội có kế hoạch cổ phần hóa 15 doanh nghiệp, kết thúc giai đoạn chỉ cổ phần hóa được 1 doanh nghiệp; Tp.HCM có kế hoạch cổ phần hóa 39 doanh nghiệp, kết thúc giai đoạn không cổ phần hóa được doanh nghiệp nào.

Sáng 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021.

Theo Báo cáo của Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, công tác cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2016 - 2020 rất chậm, còn nhiều bất cập. Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục và kế hoạch cổ phần hóa chậm, chưa đảm bảo tính nhanh chóng, kịp thời. Công tác xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa được quan tâm nghiêm túc.

Giai đoạn 2016-2020 có 180 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 489.690 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 233.792 tỷ đồng. Tuy nhiên trong 180 doanh nghiệp chỉ có 39/128 doanh nghiệp CPH. Tổng giá trị dự kiến bán cho các đối tượng (Nhà đầu tư chiến lược, cán bộ công nhân viên, tổ chức công đoàn, bán đấu giá công khai) là 98.748 tỷ đồng (tương đương 48% giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp), đạt 30% kế hoạch; giá trị thực tế bán được là 22.748 tỷ đồng, đạt 23% kế hoạch dự kiến bán, tương đương 11% giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Phú Cường.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Phú Cường.

Số doanh nghiệp chưa hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2020 là 89 doanh nghiệp. Những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hóa trong năm 2020 là: TP Hà Nội cổ phần hóa 13 doanh nghiệp (4 Tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch; Tp.HCM cổ phần hóa 38 doanh nghiệp (11 Tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa 6 doanh nghiệp (3 Tập đoàn, 3 Tổng công ty); Bộ Công Thương cổ phần hóa 2 doanh nghiệp (1 Tổng công ty); Bộ Xây dựng cổ phần hóa 2 Tổng công ty.

Trong khi đó số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa ngoài kế hoạch nhiều hơn số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa theo kế hoạch; có 141/180 doanh nghiệp cổ phần hóa ngoài kế hoạch và 39/180 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc kế hoạch  cổ phần hóa giai đoạn 2017 - 2020.

Thoái vốn nhà nước tại 106 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg và Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạt 30% về số lượng và 11% về giá trị so với kế hoạch (giá trị 6.493 tỷ đồng, thu về 13.583 tỷ đồng). Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 - 2020: thoái 27.312 tỷ đồng, thu về 177.397 tỷ đồng. Thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp ngoài danh mục theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg: Đã thoái 3.785 tỷ đồng vốn nhà nước, thu về 110.392 tỷ đồng (bao gồm khoản thoái 3.436 tỷ đồng, thu về 109.965 tỷ đồng tại Sabeco); các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 17.032 tỷ đồng, thu về 53.420 tỷ đồng.

Một số đơn vị đăng ký danh sách thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhiều nhưng không triển khai đúng theo kế hoạch, như: TP Hà Nội: kế hoạch cổ phần hóa 15 doanh nghiệp, kết thúc giai đoạn chỉ cổ phần hóa được 1 doanh nghiệp; Tp.HCM: kế hoạch cổ phần hóa 39 doanh nghiệp, kết thúc giai đoạn không cổ phần hóa được doanh nghiệp nào. Việc quyết toán cổ phần hóa chưa được thực hiện nghiêm túc, còn để kéo dài tại một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa.

Đáng chú ý, theo Đoàn giám sát của Quốc hội, việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2017 còn nhiều tồn tại, cụ thể: Trước khi cổ phần hóa còn nhiều trường hợp không xây dựng phương án sử dụng đất; xây dựng, phê duyệt phương án không phù hợp với phương án sắp xếp xử lý nhà, đất và quy hoạch sử dụng đất; chưa công khai minh bạch thông tin liên quan đến đất đai.

Sau cổ phần hóa còn sử dụng đất không đúng mục đích; để hoang hóa, bị tranh chấp, lấn chiếm; chậm hoàn thiện thủ tục pháp lý; giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất không qua đấu giá; chuyển đổi mục đích không phù hợp quy hoạch.

Một số trường hợp xác định giá trị quyền sử dụng đất sai quy định; việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai còn nhiều tồn tại. Pháp luật đất đai còn bất cập về chính sách giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; phương pháp xác định giá đất; mua, bán tài sản gắn liền với đất thuê trả tiền hàng năm; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; chính sách tiền thuê đất và chưa có quy định pháp lý đối với một số sản phẩm bất động sản.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho rằng, Đoàn giám sát của Quốc hội nhận định, nguyên nhân của tình trạng trên do không coi trọng kỷ luật, kỷ cương, chưa chấp hành nghiêm các quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng nguồn vốn nhà nước, công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.

Trách nhiệm chính trong việc cổ phần hóa, thoái vốn không đạt yêu cầu đề ra là của các tổ chức, cá nhân tham mưu xây dựng kế hoạch không sát, không quyết liệt và kịp thời đề ra các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện.

Người đại diện vốn nhà nước tại các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân tham gia trực tiếp vào việc quản lý, sử dụng, phê duyệt, tổ chức thực hiện kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn và các dự án đầu tư để thất thoát, thua lỗ, không hiệu quả cũng có trách nhiệm về các nội dung phê duyệt, theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện gây ra các thất thoát, lãng phí nêu trên.

Đoàn giám sát đề nghị trong năm 2022 và quý 1/2023, đánh giá và có giải pháp quyết liệt để tháo gỡ khó, khăn, vướng mắc trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng kế hoạch, lộ trình đề ra.

Xử lý nghiêm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra các vi phạm, thất thoát trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Hà Nội, Tp.HCM chỉ cổ phần hóa được 1/54 doanh nghiệp trong giai đoạn 2016 - 2021 tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

“Điệp khúc” chậm cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước
Giai đoạn 2016 - 2020, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước chỉ đạt 30% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong năm 2021 - 2022 chỉ cổ phần hóa được 5 doanh nghiệp nhà nước. Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn vẫn “ì ạch” không đạt mục tiêu đề ra.
'Tp.HCM chậm cổ phần hóa do không có phương án sử dụng đất'
Phó chủ tịch UBND Tp.HCM Võ Văn Hoan cho biết, liên quan đến cổ phần hóa, thành phố chậm có phương án cổ phần hóa, nhưng để có phương án cổ phần hóa thì lại phải chờ hướng dẫn phương án sử dụng đất, không có phương án sử dụng đất cho nên cũng không làm được.