Hướng dẫn thu, nộp khoản lợi nhuận, cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp

07/10/2021, 19:02

TCDN - Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 85/2021/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về thu, nộp khoản lợi nhuận, cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Đối tượng áp dụng là doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, bao gồm: Công ty TNHH MTV là công ty mẹ của các tập đoàn kinh tế nhà nước; công ty TNHH MTV là công ty mẹ của tổng công ty nhà nước; công ty TNHH MTV là công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con; công ty TNHH MTV độc lập; tổ chức tín dụng do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên bao gồm cả các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn góp của nhà nước do bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm đại diện chủ sở hữu. Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước. Người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước.

Thông tư quy định, lợi nhuận còn lại phải nộp ngân sách nhà nước của doanh nghiệp là lợi nhuận được xác định theo quy định của pháp luật về kế toán sau khi trừ đi các khoản: bù đắp lỗ năm trước theo quy định của pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp; trích Quỹ phát triển khoa học và công nghệ theo quy định; thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quy định của pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp; các khoản phân phối, trích lập quỹ theo quy định.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Thông tư quy định rõ thu vào ngân sách nhà nước đối với cổ tức và lợi nhuận được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên do các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm đại diện chủ sở hữu.

Cụ thể, cổ tức, lợi nhuận được chia phải nộp ngân sách nhà nước được xác định căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh, báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, tỷ lệ vốn góp của nhà nước được Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên quyết định.

Cổ tức và lợi nhuận được chia phải nộp ngân sách nhà nước gồm số cổ tức, lợi nhuận tạm chia trong năm tài chính (nếu có); số cổ tức, lợi nhuận của các năm trước được chia trong năm tài chính.

Công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên có vốn góp của nhà nước có trách nhiệm nộp ngân sách nhà nước phần cổ tức và lợi nhuận được chia cho cổ đông nhà nước.

Về phân chia ngân sách nhà nước, theo Thông tư 85, doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên có vốn góp của nhà nước do các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ làm đại diện chủ sở hữu nộp 100% vào ngân sách Trung ương đối với khoản lợi nhuận còn lại và cổ tức, lợi nhuận được chia phải nộp vào ngân sách nhà nước.

Doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên có vốn góp của nhà nước do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm đại diện chủ sở hữu nộp 100% vào ngân sách địa phương đối với khoản lợi nhuận còn lại và cổ tức, lợi nhuận được chia phải nộp vào ngân sách nhà nước.

Thông tư 85 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Chi tiết Thông tư 85 xem tại đây.

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết Hướng dẫn thu, nộp khoản lợi nhuận, cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Thu về hơn 2.100 tỷ đồng từ thoái vốn nhà nước
Chiều 8/7, tại trụ sở Bộ Tài chính, Cục Tài chính doanh nghiệp (TCDN) tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021.
Nguồn vốn nhà nước đóng vai trò “vốn mồi” dẫn dắt các nguồn khác
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dự án đi qua nơi nào, địa phương nơi đó là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các địa phương phải lo ngân sách, chịu trách nhiệm về khâu giải phóng mặt bằng cho các dự án. Nguồn vốn nhà nước sẽ đóng vai trò “vốn mồi” dẫn dắt các nguồn vốn khác.