Khi nào cầu Thăng Long sẽ chính thức thông xe?

04/01/2021, 11:08

TCDN - Theo tin từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam, sau hơn 5 tháng triển khai thi công, cầu Thăng Long sẽ chính thức được thông xe vào 7h ngày 7/1/2021, đến 9h cùng ngày, các phương tiện có thể di chuyển bình thường qua cầu.

Sau gần 5 tháng sửa chữa mặt cầu Thăng Long (Hà Nội) có tổng mức đầu tư gần 270 tỷ đồng, Bộ Giao thông Vận tải đã chính thức chốt ngày thông xe để giảm tải cho cầu Nhật Tân và giúp lưu thông tuyến đường vành đai 3 Mai Dịch - Nam Thăng Long đã được khánh thành trong năm 2020.

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết dự án sửa chữa cầu Thăng Long sẽ hoàn thành và đưa vào thông xe khai thác ngày 7/1/2021, phương tiện có tốc độ lưu thông tối đa 80km/giờ.

Cầu Thăng Long sẽ chính thức được thông xe vào 7h ngày 7/1/2021, đến 9h cùng ngày, các phương tiện có thể di chuyển bình thường qua cầu. (Ảnh: HNM)

Cầu Thăng Long sẽ chính thức được thông xe vào 7h ngày 7/1/2021, đến 9h cùng ngày, các phương tiện có thể di chuyển bình thường qua cầu. (Ảnh: HNM)

Được biết, cầu Thăng Long xây dựng từ năm 1974 và thông xe đưa vào sử dụng từ tháng 5/1985. Tuy nhiên, sau thời gian dài khai thác, mặt cầu đã bị hư hỏng và tiến hành sửa chữa lớn vào năm 2009 và sửa chữa cục bộ một số năm sau đó nhưng vẫn không thể triệt để hoàn toàn.

Tiếp đó, Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long bắt đầu được triển khai vào ngày 16/8/2020, do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư gần 270 tỷ đồng. Theo hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu, thời gian thi công dự án là 150 ngày, tính từ ngày 16/8/2020 đến ngày 12/1/2021. 

Việc hoàn thành sửa chữa cầu Thăng Long sẽ khớp nối đồng bộ với tuyến đường Vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, tạo thành trục giao thông xuyên suốt kết nối trung tâm thành phố Hà Nội đến sân bay Nội Bài và các khu vực lân cận. Trong thời gian tới, cầu Thăng Long sẽ được lắp đặt hệ thống cân tự động, phát hiện các phương tiện quá tải, sử dụng hình thức phạt “nguội” đối với các phương tiện vi phạm.

Được biết, Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long được thực hiện bằng giải pháp cào bóc và làm sạch lớp phủ mặt cầu cũ, hàn các đinh neo trên bản mặt thép, bổ sung lưới cốt thép, sau đó rải lớp bê tông siêu tính năng UHPC với lượng sợi thép gia cường cần thiết, qua đó tạo ra kết cấu liên hợp giữa bê tông UHPC với sàn thép hiện hữu, tạo thành mặt cầu liên hợp siêu nhẹ. 

Cầu Thăng Long gồm cầu chính vượt sông dài 1.680m gồm 1 nhịp dàn thép, tạo thành liên dầm liên tục, mỗi liên có độ dài 112m/nhịp x 3 nhịp. Cầu gồm 2 tầng dùng chung cho đường sắt và đường bộ. Cầu đường sắt và xe thô sơ nằm phía dưới, cách tầng trên 14,1m, rộng 17m. Cầu ôtô nằm ở tầng trên có chiều rộng 20,5m phần đường ô tô rộng 16,5m gồm 4 làn xe, chiều rộng hành lang bộ hành 2 bên 2m.

Các nhịp cầu dẫn của đường sắt có kết cầu bằng các nhịp dầm bên tông cốt thép dự ứng lực chiều dài 3m/nhịp, có tổng cộng 116 nhịp cầu dẫn đường sắt (5 nhịp phía Bắc và 6 nhịp phía Nam), tổng chiều dài 3.23m.

Mai Anh
Bạn đang đọc bài viết Khi nào cầu Thăng Long sẽ chính thức thông xe? tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan