Kiểm soát, quản lý việc đăng ký thành lập doanh nghiệp để trốn thuế, lừa đảo

12/07/2024, 19:53

TCDN - Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các cơ quan liên quan tăng kiểm soát, quản lý việc đăng ký thành lập doanh nghiệp, ngăn chặn việc lợi dụng thành lập doanh nghiệp nhưng không hoạt động để trốn thuế, lừa đảo.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản số 4900/VPCP-TH truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về việc tăng cường kiểm soát, quản lý việc đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Theo văn bản này, Văn phòng Chính phủ có tóm tắt bài viết "Kiểm soát chặt để hạn chế doanh nghiệp "ma"", đăng trên Báo Người Lao động ngày 1/7/2024, như sau: Kiểm soát chặt để hạn chế doanh nghiệp "ma". Từ vụ việc một người đứng tên đại diện pháp luật 116 doanh nghiệp ở Tp.HCM trong khoảng thời gian ngắn, báo chí đặt vấn đề về kẽ hở khá lớn về mặt pháp lý trong quy trình thành lập doanh nghiệp:

(1) Cơ quan đăng ký kinh doanh không phát hiện hoặc phát hiện nhưng không kịp thời ngăn chặn việc một cá nhân dùng một căn cước công dân để lập 116 doanh nghiệp trong thời gian rất ngắn.

(2) Việc cho phép một cá nhân thành lập bao nhiêu doanh nghiệp cũng được là chưa hợp lý - cả về mặt lý thuyết lẫn thực tiễn đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực kinh doanh.

Ý kiến luật sư cho rằng, các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu bổ sung quy định về việc hạn chế số lượng doanh nghiệp mà một cá nhân được phép thành lập, đứng tên đại diện trong cùng một thời gian nhất định. Ví dụ, mỗi năm, một người chỉ được thành lập tối đa 2 - 5 doanh nghiệp. Đặc biệt, cần có quy định cá nhân chỉ được phép thành lập doanh nghiệp mới sau khi hoàn thành nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp cũ không còn hoạt động.

Ngoài ra, cần triển khai các biện pháp kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc đăng ký thành lập doanh nghiệp, như liên thông hệ thống điện tử cá nhân và đăng ký doanh nghiệp để chống gian lận; bổ sung nội dung thông tin đã thành lập bao nhiêu doanh nghiệp đối với người đăng ký kinh doanh. Mặt khác, cần ứng dụng công nghệ để tra cứu, xác minh thông tin về địa chỉ, hoạt động kinh doanh, nhân sự đối với những trường hợp thành lập từ 2 doanh nghiệp trở lên; nếu thấy bất thường thì có thể xác minh, điều tra ngay để hạn chế tiêu cực, thiệt hại.

Về vấn đề này, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với UBND Tp.HCM và các cơ quan liên quan khẩn trương nắm bắt, xác minh thông tin báo chí phản ánh; căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và quy định của pháp luật, có các giải pháp tăng kiểm soát, quản lý việc đăng ký thành lập doanh nghiệp, ngăn chặn việc lợi dụng thành lập doanh nghiệp nhưng không hoạt động để trốn thuế, lừa đảo; báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý trong trường hợp vượt thẩm quyền.

Hải Nam
Bạn đang đọc bài viết Kiểm soát, quản lý việc đăng ký thành lập doanh nghiệp để trốn thuế, lừa đảo tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Cá nhân thành lập 116 doanh nghiệp: Có dấu hiệu bất thường để lợi dụng vi phạm về thuế
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM cho biết, cá nhân thành lập 116 doanh nghiệp đã bị khởi tố bị can và bắt tạm giam do nằm trong đường dây tội phạm có tổ chức, hoạt động “rửa tiền”, “vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” hồi tháng 5/2024; có dấu hiệu lợi dụng để vi phạm thuế.
Bài 2: Ngăn chặn doanh nghiệp ma, trốn thuế
Tình trạng doanh nghiệp “ma”, trốn thuế vẫn còn diễn biến phức tạp. Việc sửa đổi các quy định trong Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ mong muốn ngăn chặn tình trạng trên.