Kinh doanh vàng miếng không phép có thể bị phạt 400 triệu

17/05/2025, 07:58
báo nói -

TCDN - Hành vi kinh doanh mua, bán vàng miếng nhưng không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng có thể bị phạt tiền từ 300-400 triệu đồng.

Nội dung này được đề cập tại dự thảo lần 3 về Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng vừa được Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra. 

Theo đó, mức xử phạt tiền từ 300 - 400 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh mua, bán vàng miếng nhưng không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng. Đồng thời, thực hiện xuất khẩu hoặc nhập khẩu vàng nguyên liệu không có giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật; cũng như hoạt động kinh doanh vàng khác khi chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép theo quy định của pháp luật.

Kinh doanh vàng miếng không phép có thể bị phạt 400 triệu.

Kinh doanh vàng miếng không phép có thể bị phạt 400 triệu.

Bên cạnh đó, dự thảo nghị định còn đề cập các mức phạt hành chính khác nhau từ cảnh cáo cho đến tiền. Số tiền phạt hành chính tăng dần khi tái phạm khi mua bán vàng miếng không có giấy phép kinh doanh, sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán. Phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm như không niêm yết công khai giá mua, giá bán vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ tại địa điểm giao dịch; sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ mà không công bố tiêu chuẩn áp dụng, không ghi nhãn hàng hóa theo quy định.

Phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm như mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh không đúng quy định của pháp luật, trừ các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan. Phạt tiền từ 140 - 180 triệu đồng đối với thực hiện kinh doanh mua, bán vàng miếng thông qua các đại lý ủy nhiệm; không thực hiện đúng quy định của pháp luật về trạng thái vàng. Xuất khẩu, nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ; vàng nguyên liệu dưới dạng bột, dung dịch, vẩy hàn, muối vàng và các loại vàng trang sức dưới dạng bán thành phẩm mà không đúng theo nội dung ngành nghề đã đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Đồng thời, thực hiện sản xuất, kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ mà không đáp ứng đủ điều kiện được phép kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ theo quy định của pháp luật. Thực hiện gia công vàng trang sức, mỹ nghệ mà không có đăng ký gia công vàng trang sức, mỹ nghệ trong giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Ngoài hình thức phạt tiền, dự thảo còn đề cập hình thức xử phạt bổ sung đối với một số hành vi vi phạm, chẳng hạn tịch thu số vàng đối với kinh doanh vàng miếng không có giấy phép. Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng trong thời hạn từ 6 tháng đến 9 tháng. Tước quyền sử dụng giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ trong thời hạn từ 9 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm. Biện pháp khắc phục hậu quả là đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng đối với hành vi vi phạm.

Liên quan đến thị trường vàng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành công điện số 64/CĐ-TTg, nhấn mạnh yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý hiệu quả lĩnh vực này.

Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước sớm ban hành kết luận thanh tra đối với các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vàng, đồng thời khẩn trương hoàn thiện đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 24/2012/NĐ-CP.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 2 cũng ban hành văn bản đề nghị các tổ chức liên quan phối hợp cung cấp thông tin, đảm bảo việc kinh doanh, mua bán vàng trên địa bàn tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Cơ quan này khuyến cáo người dân chỉ nên mua, bán vàng miếng SJC tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được cấp phép.

Việc mua bán tại các đơn vị không có giấy phép hoặc trên thị trường không chính thức có thể khiến người dân gặp rủi ro pháp lý, đồng thời có nguy cơ mua phải vàng kém chất lượng. Nếu người dân mua bán vàng miếng không đúng quy định sẽ bị xử phạt theo Nghị định 88/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng.

Cơ quan quản lý cũng nhấn mạnh các doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ nếu không có giấy phép riêng cho hoạt động kinh doanh vàng miếng sẽ không được phép mua bán vàng miếng với cá nhân, tổ chức.

Hoàng Tư
Bạn đang đọc bài viết Kinh doanh vàng miếng không phép có thể bị phạt 400 triệu tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

x