Kinh tế Đông Nam Á khó bứt tốc khi hàng triệu người Trung Quốc không đi du lịch

12/07/2023, 07:03
báo nói -

TCDN - Do tình trạng vắng khách du lịch Trung Quốc, nỗ lực phục hồi kinh tế của khu vực Đông Nam Á trong năm 2023 có thể sẽ khá trầm lặng.

Các quốc gia Đông Nam Á từng kỳ vọng du khách Trung Quốc sẽ giúp họ thúc đẩy doanh thu du lịch và đem lại cú hích cho nền kinh tế sau đại dịch COVID-19. Song số lượng khách du lịch từ Trung Quốc trên thực tế lại thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. 

Cuộc phục hồi kinh tế không như mong đợi của Trung Quốc đã khiến người dân nước này ngần ngại chi tiền để ra nước ngoài. Dữ liệu chính thức do Bloomberg tổng hợp cho thấy số lượt khách Trung Quốc đến 5 quốc gia Đông Nam Á vào tháng 5 chỉ đạt khoảng 14 – 39% so với năm 2019.

Tâm lý ngại chi tiền của du khách Trung Quốc

Số liệu về khách du lịch cho thấy cuộc phục hồi kinh tế của khu vực Đông Nam Á năm nay sẽ khá trầm lắng, trong bối cảnh động lực tăng trưởng của Trung Quốc yếu đi và triển vọng của nền kinh tế toàn cầu cũng kém khả quan do chính sách thắt chặt tiền tệ.

Thái Lan thuộc nhóm những quốc gia Đông Nam Á phụ thuộc nhiều nhất vào ngành du lịch và đang hưởng lợi từ nhu cầu phục hồi sau đại dịch. Tuy nhiên, trong năm nay, có thể số lượt khách Trung Quốc đến thăm Thái Lan sẽ thấp hơn ít nhất 2 triệu người so với mục tiêu chính thức là 7 triệu.

Ở Bali, điểm nghỉ dưỡng nổi tiếng và thu hút phần lớn du khách nước ngoài đến Indonesia, nhu cầu dành cho khách sạn hạng sang đã giảm trong 5 tháng đầu năm. Cũng trong giai đoạn này, số du khách từ Trung Quốc đã giảm đáng mạnh, công ty chứng khoán PT Bahana Sekuritas nhấn mạnh.

Ngay cả Singapore cũng công bố những số liệu đáng thất vọng, dù đảo quốc sư tử tin rằng sự bùng nổ của lĩnh vực du lịch sẽ giúp họ tránh suy thoái trong năm nay. Tổng số du khách Trung Quốc đến Singapore trong 5 tháng đầu năm đạt 310.901 người, thấp hơn 80% so với cùng kỳ năm 2019.

du khach TQ 1

Đông Nam Á không phải khu vực duy nhất chứng kiến số lượng khách du lịch Trung Quốc giảm. Nhật Bản cũng ghi nhận lượng khách Trung Quốc thấp hơn so với những năm trước đại dịch. Tuy nhiên, sức mua sắm nội địa ở Nhật Bản tăng mạnh, thay thế lực mua từ du khách Trung Quốc.

Hãng bán lẻ Takashimaya xác nhận rằng trong giai đoạn tháng 3 đến tháng 5, 70% tổng doanh thu từ khách du lịch của họ đến từ du khách không phải người Trung Quốc, cao hơn nhiều mức 20% trước đại dịch.

Xu hướng ở Nhật Bản có thể là gợi ý giúp những quốc gia Đông Nam Á đa dạng hóa thị trường và chấm dứt sự phụ thuộc vào những vị khách từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Số chuyến bay tăng quá chậm

Qiu, nhân viên của Công ty Du lịch Quốc tế GZTC có trụ sở tại Quảng Châu, nói rằng số lượt đặt tour mùa hè của người Trung Quốc tới các điểm đến Đông Nam Á không tăng rõ rệt so với nửa đầu năm nay.

Ngay cả những địa điểm mà du khách Trung Quốc ưa chuộng nhất như Singapore và Malaysia cũng chỉ chứng kiến nhu cầu trong kỳ nghỉ hè bằng khoảng 30% thời trước đại dịch. Còn với những nước khác như Thái Lan, nhu cầu chỉ bằng 10%.

Một lực cản khác đe doạ sự phục hồi của ngành du lịch là tình trạng công suất bay tăng quá chậm. Dữ liệu của công ty phân tích hàng không Cirium cho thấy công suất chuyến bay giữa Trung Quốc và Đông Nam Á đang cải thiện, nhưng hầu hết các tuyến vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch, trừ Singapore.

Nhà kinh tế Eric Zhu của Bloomberg Intelligence chỉ ra rằng sự thiếu vắng của các tour du lịch theo đoàn cũng là một trong những yếu tố khiến ngành du lịch phục hồi chậm. Trong quý I, chỉ 1,6% tour khách đoàn của Trung Quốc ra nước ngoài, thấp hơn tỷ lệ 30% ghi nhận trong ba tháng đầu năm 2019, theo dữ liệu của Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc.

Dù vậy, các chuyên gia và các nước vẫn lạc quan rằng lượng du khách Trung Quốc sẽ gia tăng trong nửa cuối năm nay. Người phát ngôn của Hội đồng Du lịch Singapore cho biết tuy số liệu hiện tại vẫn ở mức khiêm tốn, nước này kỳ vọng lượt khách Trung Quốc tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Tùng Lâm/SCMP
Bạn đang đọc bài viết Kinh tế Đông Nam Á khó bứt tốc khi hàng triệu người Trung Quốc không đi du lịch tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Thái Lan, Indonesia dẫn đầu thị trường IPO Đông Nam Á
Thái Lan và Indonesia dẫn đầu thị trường chào bán cổ phiếu ra công chúng (IPO) Đông Nam Á trong năm 2022; mỗi quốc gia huy động được trên 2 tỷ USD, chiếm tổng cộng 78% tổng số tiền huy động được cho cả khu vực Đông Nam Á.