Lâm Đồng: Phát hiện hàng loạt công ty khai thác khoáng sản không phép

16/08/2021, 15:33

TCDN - Bên cạnh nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản vượt công suất, không tuân thủ đúng giấy phép, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Lâm Đồng còn phát hiện hàng loạt doanh nghiệp khai thác khoáng sản trái phép tại nhiều địa phương trong địa bàn tỉnh.

Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng vừa đề nghị các huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà, Di Linh và Đạ Huoai thực hiện kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trái phép.

Sở TN&MT cũng yêu cầu các địa phương triển khai thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân khai thác vận chuyên, tiêu thụ khoáng sản trái phép trên địa bàn; kiểm tra các đơn vị chế biến sản xuât vật liệu xây dựng trên địa bàn về nguồn nguyên liệu (nguồn gốc khoáng sản), đặc biệt là các đơn vị sản xuất gạch, ngói, đá ốp lát, cao lanh,…; xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn nguyên liệu không có nguồn gốc hợp pháp theo quy định và một số nhiệm vu khác theo Chỉ thị số 09/CT-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh.

Vi phạm khai thác khoáng sản là vấn đề nhức nhối tại Lâm Đồng thời gian gần đây

Vi phạm khai thác khoáng sản là vấn đề nhức nhối tại Lâm Đồng thời gian gần đây

Trước đó, vào hồi đầu tháng 8, Cục Thuế Lâm Đồng có văn bản gửi Sở TN&MT cung cấp danh sách các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản không có Giấy phép, khai thác vượt công suất cấp phép, không lắp đặt camera giám sát, trạm cân, kê khai loại sản phẩm tài nguyên khai thác không đúng theo giấy phép được cấp, không đúng loại sản phẩm xác định trong dự án đầu tư, theo thiết kế mỏ, báo cáo kinh tế kỹ thuật.

Theo thông tin Cục Thuế cung cấp, có thể thấy vi phạm về khai thác khoáng sản vẫn còn phức tạp, chưa được xử lý dứt điểm. Chỉ trong năm 2020 đã có 10 DN bị Cục Thuế “điểm danh” khai thác khoáng sản không phép gồm: Cty TNHH nhà máy gạch ngói Lâm Viên, Cty TNHH Đức Lâm, Cty CP Đá quý và vàng Lâm Đồng (huyện Đức Trọng); Cty TNHH MTV Hưng Thắng, Cty TNHH Chí Thành Thịnh (Lâm Hà); Cty TNHH Duy Minh, Cty TNHH MTV Lê Tám (Di Linh); DNTT Phong Bích (Lạc Dương); Cty TNHH Thuận Đức (Đơn Dương); Cty TNHH Tâm Hiệp Tâm (Đạ Huoai).

Trong 7 tháng năm 2021 có 5 DN trong danh sách trên tiếp tục khai thác không phép là: Chí Thành Thịnh, Hưng Thắng, Thuận Đức, Duy Minh và Nhà máy gạch ngói Lâm Viên.

Cục Thuế cũng cung cấp danh sách các DN khai thác vượt công suất năm 2020 và 7 tháng năm 2021 gồm 14 đơn vị. Trong đó TP Đà Lạt và huyện Đức Trọng mỗi địa phương có 4 DN. Ngoài ra hơn 50 DN khác không thực hiện lắp đặt camera giám sát, trạm cân, không lập sổ sách, chứng từ trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Nhiều năm qua, vi phạm khai thác khoáng sản là vấn đề nhức nhối tại Lâm Đồng. Không chỉ ở các huyện vùng sâu vùng xa mà ngay tại TP Đà Lạt cũng xảy ra vi phạm dạng này.

Đơn cử như tháng 7 vừa qua, UBND TP Đà Lạt đã lập hồ sơ vi phạm và tạm giữ toàn bộ phương tiện trong vụ san ủi, khai thác khoáng sản trái phép tại xã Tà Nung để điều tra, xử lý.

Hay ngày 10/8, UBND tỉnh cũng đã xử phạt một cá nhân 125 triệu đồng về hành vi khai thác cát trái phép tại lưu vực sông Đồng Nai.

Theo hướng dẫn của Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng, ngoài xử lý vi phạm hành chính với các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép, không phép theo Nghị định 36/2020/NĐ-CP; trường hợp mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp, cần nghiên cứu Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để xử lý cho phù hợp.

Hoàng Tư
Bạn đang đọc bài viết Lâm Đồng: Phát hiện hàng loạt công ty khai thác khoáng sản không phép tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Nhiều dự án khai thác khoáng sản ở Hòa Bình dính sai phạm
Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có thông báo kết luận thanh tra công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản; việc quản lí, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường và việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi tại tỉnh Hòa Bình, thời kỳ từ 2011-2018.