"Lãnh đạo có tâm là hồng phúc của doanh nghiệp"
TCDN - Muốn các doanh nghiệp thành những tập đoàn “hùng mạnh” thì cần có các nhà lãnh đạo có tâm, tầm. Bình Dương, Đắk Lắk là những nơi tầm nhìn lãnh đạo thông suốt, thấm nhuần tư tưởng và đi tắt đón đầu để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
“Đi tắc đón đầu” của Chủ tịch Bình Dương
Tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á Horasis 2019, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, với những thế mạnh sẵn có như phát triển công nghiệp thành công, thu hút được hàng ngàn dự án vốn FDI, dẫn đầu cả nước... thì Bình Dương có nhiều tiền đề thuận lợi để thực hiện thành công dự án Trung tâm thương mại thế giới tại thành phố mới. Qua đó, góp phần lan tỏa phát triển kinh tế, đô thị của khu vực. Đồng thời, trung tâm sẽ tạo cơ chế, môi trường để doanh nghiệp trong nước kết nối với các đối tác và thị trường quốc tế.
Chính sách mở cửa như hiện nay đã thúc đẩy kinh tế Bình Dương phát triển vượt bậc. Công đầu đó chính là ông Trần Thanh Liêm – người có tầm nhìn vĩ mô và thương doanh nghiệp như người thân của mình. Chủ tịch tỉnh Bình Dương rất tâm huyết, tạo mọi điều kiện giúp đỡ các doanh nghiệp gặp khó khăn để họ vươn lên phát triển kinh tế, thúc đẩy môi trường kinh doanh lành mạnh.
Bình Dương là điểm sáng của trong thời kỳ đổi mới, phát triển kinh tế thị trường. Nhìn Bình Dương phát triển vượt bậc, nhiều tỉnh khác cũng ước mong mình cũng được như vậy. Nhưng mấy ai biết rằng, ở nơi đây (Bình Dương) có một lãnh đạo toàn tâm vì doanh nghiệp. Cái Tâm sáng ngời của Chủ tịch tỉnh Bình Dương đã được Chủ tịch Hội bất động sản TP.HCM khen là lãnh đạo có “Tâm”, “Tầm”. Ông Lê Hoàng Châu còn mong muốn, kiến nghị Chủ tịch UBND TP.HCM nghiên cứu áp dụng cách làm “cầm đèn chạy trước ôtô” này để thị trường bất động sản phát triển.
Lấy Chủ tịch tỉnh Bình Dương là tấm gương điển hình, mô hình cần nhân rộng, ông Châu đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong về việc “nghiên cứu trường hợp dự án Khu nhà ở thương mại Hoàng Nam 3 đã được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương giải quyết “rất nhanh” thủ tục công nhận chủ đầu tư” và cho rằng: Từ cách “vận dụng pháp luật” và “dám chịu trách nhiệm” của ông Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương như vậy có thể đề xuất áp dụng cách làm này vào TP.HCM được không?”
Nói độ “nhạy”, “nhanh” của lãnh đạo tỉnh Bình Dương trong xử lý, gỡ khó cho doanh nghiệp là cho họ làm trước, bổ sung thủ tục sau. Và điển hình là vụ, công ty Hoàng Nam được ông Trần Thanh Liêm Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương công nhận chủ đầu tư dự án Hoàng Nam 3 khi chưa có quỹ đất ở hợp pháp.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA thì, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương làm đúng và cần có mô hình nhân rộng ra tại TP.HCM. Chủ tịch HoREA nhấn mạnh: “Điểm nổi bật là tỉnh Bình Dương đã giải quyết rất nhanh thủ tục “công nhận chủ đầu tư”, “phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng” dự án Khu nhà ở Hoàng Nam 3, tạo cơ sở pháp lý để Công ty Hoàng Nam thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng tiếp theo.
Và câu chuyện lãnh đạo có “Tầm nhìn xa trông rộng” không chỉ có ở tỉnh Bình Dương. Giờ đây, ngay tại tỉnh Đắk Lắk cũng có một mô hình tương tự, cần nhân rộng. Các địa phương khác nếu chịu học hỏi theo “Tâm”,“Tầm” như lãnh đạo Đắk Lắk thì doanh nghiệp sẽ phồn vinh.
Lãnh đạo thương doanh nghiệp như người thân
Còn nhớ vào tháng 4/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã triệu tập "Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp". Sau hội nghị này, lần đầu tiên có một nghị quyết riêng của Chính phủ cho doanh nghiệp được ban hành mang tên Nghị quyết 35 nhấn mạnh doanh nghiệp là đối tượng để phục vụ. Tất cả các doanh nghiệp đều bình đẳng, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực và đầu tư, kinh doanh.
Chính phủ cũng phát đi thông điệp cởi trói tối đa cho doanh nghiệp, đồng thời tuyên chiến không khoan nhượng với giấy phép con, lợi ích nhóm... Cùng với đó là tiếp tục triển khai quyết liệt Nghị quyết 19/CP về cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh.
Có lẽ đơn vị tiếp thu tốt những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk. Nói phải có bằng chứng, và minh chứng cho điều đó là những quyết định ký trong “chớp mắt” của những người đứng đầu tỉnh này. Họ làm việc “nhanh, gọn, lẹ” đến nổi giấy chưa ráo mực trong việc cấp “đầy đủ” hồ sơ, thủ tục cho Công ty TNHH Đầu tư phát triển đô thị Đắk Lắk (thành viên của Tập đoàn Capital House) thực hiện Dự án khu đô thị EcoCity Premia.
Xin tóm tắt lại đôi điều về “siêu dự án” gần 2.000 tỷ đồng này. Ngày 8/11/2019, thanh tra Sở Xây dựng Đắk Lắk cho biết, đơn vị mới ban hành 2 quyết định xử phạt hành chính đối với dự án khu đô thị EcoCity Premia, với mức phạt 41 triệu đồng. Lúc xử phạt này, phần đất dự án vẫn chưa được giao cho công ty con của Tập đoàn Capital House. Có thể nói, chủ đầu tư “tự nhận” đất mình và “cầm đèn chạy trước ô tô” để làm hạ tầng.
Không những không buộc dừng thi công, phá dỡ công trình sai phạm trên đất chưa được nhà nước cấp phép làm dự án mà lãnh đạo Đắk Lắk còn “ưu ái”, tạo điều kiện, giúp đỡ doanh nghiệp “hợp thức hoá sai phạm”. Ngay sau quyết định xử phạt chưa được ráo mực, đến ngày 26/11/2019, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh này lập tờ trình số 575 xin UBND tỉnh Đắk Lắk giao 329.755,71m2 đất cho Công ty TNHH Đầu tư phát triển đô thị Đắk Lắk; cho Công ty TNHH Đầu tư phát triển đô thị Đắk Lắk thuê 136.453,04m2 để sử dụng vào mục đích thực hiện dự án Khu đô thị dân cư Km7 thuộc khu đô thị Km7 (tên thương mại là khu đô thị EcoCity Premia).
Đặc biệt hơn nữa, ông Y Giang Gry Nie Knơng, Phó Chủ tịch tỉnh Đắk Lắk được doanh nghiệp nơi đây thì thầm là người có tầm nhìn, lãnh đạo tài ba, hiểu những khó khăn của doanh nghiệp đúng lúc. Mà khó khăn lớn nhất của Công ty TNHH Đầu tư phát triển đô thị Đắk Lắk là làm sao “hợp thức hoá sai phạm”, xin được quyết định giao và thuê đất để làm dự án. Bởi họ đã quảng cáo rầm rộ từ trước là họ có dự án rồi, họ đang xây dựng rầm rộ ngay trước mặt các cơ quan chức năng.
Sở Tài nguyên Môi trường vừa trình ngày 26/11, ngày 27/11 (chỉ 1 ngày thôi) ông Y Giang Gry Nie Knơng, Phó Chủ tịch tỉnh Đắk Lắk đã ký quyết định giao và cho thuê đất. Đúng là thật tài, Công ty con của Tập đoàn Capital House có gần 50 hecta đất “sạch” trong một cái nháy mắt. Tính ra, không nơi nào xin đất làm dự án bất động sản nhanh như chớp như tỉnh Đắk Lắk. Học tập theo Sở Tài nguyên Môi trường, UBND tỉnh, Sở Xây dựng tỉnh Đắk Lắk cũng “nhanh như cắt” thông qua giấy thông hành “Giấy phép xây dựng” (ký ngày 4/12/2019).
Chỉ 1 ngày trình, 1 ngày ký giao và thuê đất, 7 ngày duyệt Giấy phép xây dựng… Tập đoàn Capital House đã có ngay siêu dự án mang tên khu đô thị EcoCity Premia. Ngày 14/12 vừa qua, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Phát triển Đô thị Đắk Lắk (Tập đoàn Capital House) phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức Lễ công bố và khởi công khu đô thị EcoCity Premia.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk Võ Văn Cảnh cho biết, với việc hoàn thành khu đô thị EcoCity Premia, thành phố Buôn Ma Thuột sẽ có khu dân cư mới kết hợp với thương mại, dịch vụ, vui chơi, thể dục thể thao, cùng nhiều diện tích cây xanh, mặt nước trong khu đô thị vừa hiện đại vừa mang bản sắc riêng.
Đừng ai nghĩ “xấu” cho lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk nhé, bởi họ làm vì sự phát triển tỉnh nhà. Lãnh đạo thương doanh nghiệp, hiểu doanh nghiệp khó khăn ở đâu, gỡ đúng chỗ, đúng điểm.
Thật tuyệt! Tỉnh Đắk Lắk là tấm gương sáng để các địa phương khác cần học hỏi. Lãnh đạo có Tâm là Hồng Phúc của Doanh nghiệp – cần nhân rộng điển hình như vậy. 'Người Việt có thể làm ra những thứ mà thế giới chưa từng làm', câu nói này là điển hình cho hai mô hình tại tỉnh Bình Dương và Đắk Lắk.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899