Lội ngược dòng cuối phiên, VN-Index tăng 6 điểm
TCDN - Với sức bật mạnh mẽ vào cuối phiên, đã giúp chỉ số VN-Index vẫn có thêm 6 điểm. Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/6, VN-Index đóng cửa ở mốc 1.107,53 điểm.
Phiên giao dịch ngày hôm qua 8/6 dường như khiến nhà đầu tư có chút lo ngại khi áp lực bán chốt lời gia tăng và lan rộng hơn khiến thị trường quay đầu giảm điểm. Do vậy, mặc dù VN-Index hôm nay mở cửa trong sắc xanh nhưng tâm lý thiếu tự tin của nhà đầu tư làm gia tăng áp lực bán đã nhanh chóng khiến cho thị trường liên tục rung lắc dữ dội.
Tuy nhiên, với sức bật mạnh mẽ vào cuối phiên, đã giúp chỉ số VN-Index vẫn có thêm 6 điểm. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index đóng cửa ở mốc 1107.53, tăng 6.21 điểm (+0.56%). Thanh khoản có sự sụt giảm so với với phiên trước đó, nhưng vẫn ở mức ổn định khi có hơn 900 triệu cổ phiếu được giao dịch, tổng khối lượng khớp lệnh trên toàn sàn đạt mức hơn 16 nghìn tỷ đồng. Mặc dù tăng điểm nhưng sắc xanh và đỏ lại tỏ ra khá cân bằng khi có 191 mã giảm điểm và 190 mã tăng điểm, còn lại là 54 mã đóng cửa ở mốc tham chiếu.
Cổ phiếu ngân hàng phân hóa. Nhìn chung các mã ghi nhận sắc đỏ chỉ giảm nhẹ, trong khi các mã ghi nhận sắc xanh có khá nhiều đại diện tăng đáng kể, như TCB tăng 2,05%, MBB tăng 1,25%, STB tăng 1,81%, VIB tăng 2,41%, TPB tăng 1,36%, MSB tăng 3,15%, LPB tăng 3,41%.
Cổ phiếu chứng khoán giao dịch khá tích cực khi SSI tăng tới 3,91%, VND tăng 4,7%, HCM tăng 1,92%, VCI tăng 2,35%, VIX tăng 4,67%, CTS tăng 2,73%.
Nhóm bất động sản ghi nhận tăng - giảm đan xen, trong đó, các mã giảm có biên độ dao động hẹp hơn các mã tăng. Một số cái tên gây ấn tượng có thể kể đến: NVL tăng 2,82%, HDG tăng 4,17%, PDR tăng 3,68%, QCG tăng kịch trần.
Nhóm sản xuất khởi sắc hơn. Theo đó, VNM tăng 0,46%, HPG tăng 0,44%, MSN tăng 2,82%, GVR tăng 0,28%, SBT tăng 4,27%, IMP tăng 5,35%, RAL tăng 5,76%; DGC, DHG, BMP đồng loạt tăng kịch trần. Ở chiều ngược lại, SAB giảm 0,19%, VHC giảm 0,82%, BHN giảm 1,15%.
Cổ phiếu bán lẻ giao dịch khả quan với MWG tăng 1,85%, PNJ tăng 0,56%, FRT tăng 1,57%. Kém tích cực hơn là cổ phiếu năng lượng khi GAS tăng 0,11%, PGV đứng giá tham chiếu còn POW và PLX giảm lần lượt 0,36% và 0,78%. Trong khi đó, cổ phiếu hàng không diễn biến tiêu cực khi VJC và HVN lần lượt mất đi 1,23% và 1,1% giá trị.
Trong Báo cáo chiến lược tháng 6, CTCP Chứng khoán An Bình (ABS) cho biết tất cả các chính sách thời gian qua vẫn cần thời gian để phát huy tác dụng lên nền kinh tế thực và phản ánh vào kết quả kinh doanh các doanh nghiệp.
Về mặt định giá, với việc VN-Index tăng điểm trong tháng 5, P/E toàn thị trường đã tăng từ 12,05x cuối tháng 4 lên 12,74x cuối tháng 5 và tăng lên 13,15x tại ngày ra báo cáo (9/6), cao hơn một độ lệch chuẩn của VN-Index trong một năm vừa qua.
Với triển vọng kết quả kinh doanh quý 2 của đa phần doanh nghiệp vẫn sẽ tiếp tục giảm thấp hơn mức nền cao của cùng kỳ 2022, dự kiến EPS cuối quý 2 sẽ tiếp tục giảm so với quý I và P/E forward còn cao hơn mức trên.
ABS dự báo diễn biến VN-Index trong tháng 6 với hai kịch bản. Kịch bản 1 (xác suất thấp), VN-Index sau khi chạm ngưỡng 1.100 sẽ rung lắc hấp thụ lực cung và hướng đến chinh phục các mốc kháng cự 1.120 - 1.135 - 1.148 (trường hợp tốt nhất tối đa có thể đạt 1.215) khi thanh khoản tăng và tâm lý tiếp tục hưng phấn. Sau đó, chỉ số sẽ đi ngang và điều chỉnh trong một pha điều chỉnh trung hạn nếu phá vỡ ngưỡng 1.050 điểm.
Kịch bản 2 (xác suất cao), chỉ số VN-Index đi ngang rung lắc quanh vùng 1.100 - 1.115 điểm và xác nhận điều chỉnh trung hạn khi phá vỡ ngưỡng hỗ trợ 1.050 điểm.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899