Manulife Việt Nam chi trăm tỷ cho công ty mẹ, thua lỗ triền miên
TCDN - Hai đặc điểm nổi bật của Manulife Việt Nam là lỗ triền miên và có giao dịch hàng trăm tỷ với công ty mẹ. Bên cạnh đó, dù thua lỗ đậm song sếp của Manulife vẫn hưởng lương top đầu ngành.
Manulife chi trăm tỷ cho công ty mẹ
Công ty TNHH Manulife (Manulife Việt Nam) chưa bao giờ bị cơ quan chức năng nghi ngờ chuyển giá (chuyển giá là hành vi dẫn đến lách thuế, trốn thuế). Tuy nhiên, Manulife Việt Nam lại có hai đặc điểm khá nổi bật phổ biến của các doanh nghiệp FDI là thua lỗ “khủng” triền miên và có giao dịch ngàn tỷ với công ty mẹ.
Sau nhiều năm thua lỗ liên tục, năm 2021, Manulife Việt Nam lỗ thêm 4.741 tỷ đồng. Như vậy, tính tới ngày 31/12/2021, lỗ lũy kế tại Manulife tăng từ 3.219 tỷ đồng lên 7.961 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong năm 2021, Manulife Việt Nam có giao dịch với các bên liên quan là công ty mẹ, công ty con và công ty trong hệ thống. Cụ thể, năm 2021, trong giao dịch với công ty mẹ - Công ty Manulife Financial Asia Limited (MFAL, trụ sở tại Hongkong), Manulife Việt Nam ghi nhận 379 tỷ đồng phí dịch vụ và thanh toán hộ các chi phí cho công ty, tăng so với con số 318 tỷ đồng của năm 2020.
Trước đó, ngoại trừ năm 2015, mỗi năm Manulife Việt Nam phải chi trả hàng trăm tỷ đồng cho công ty mẹ. Số tiền cụ thể là 238 tỷ đồng (năm 2019), 179 tỷ đồng (năm 2018), 177 tỷ đồng (năm 2017), 149 tỷ đồng (năm 2016).
Tại ngày 31/12/2021, Phí dịch vụ và thanh toán hộ các chi phí mà công ty mẹ xử lý cho Manulife Việt Nam lên đến 952 tỷ đồng.
Sếp nhận lương gần triệu đô
Theo thống kê của Manpower, trong thị trường lao động của ngành tài chính, mảng bảo hiểm nhân thọ có thù lao dành cho lãnh đạo đứng ở Top đầu, chỉ sau ngân hàng và Fintech.
Cụ thể, mức cao nhất là 450 triệu đồng/tháng dành cho Giám đốc Thẩm định. Để nhận được mức “đỉnh” này, ứng viên phải có trên 5 năm kinh nghiệm.
Còn dưới 5 năm, thu nhập “chỉ” là từ 160 triệu đồng tới 240 triệu đồng. Theo thống kê trung bình thì 400 triệu đồng/tháng là mức lương cao thứ hai dành cho vị trí Chủ tịch Phân phối đại lý. Chỉ ứng viên trên 5 năm kinh nghiệm mới có cơ hội nhận ưu đãi này.
Còn lại, thù lao thấp hơn, “chỉ” từ 120 triệu đồng tới 230 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, tại Manulife Việt Nam, thù lao dành cho dàn lãnh đạo cấp cao cao vượt trội so với mức trung bình kể trên. Chi phí này cũng là vô cùng hậu hĩnh trong bối cảnh Manulife Việt Nam liên tục thua lỗ.
Theo báo cáo tài chính riêng lẻ năm 2021 của Manulife Việt Nam, trong năm, công ty dành 100 tỷ đồng chi trả tiền lương, thưởng, phụ cấp và các lợi ích khác của Ban Giám đốc, giảm nhẹ so với con số 116 tỷ đồng của năm 2020.
Tại ngày 31/12/2021, Ban Giám đốc Manulife Việt Nam có 5 lãnh đạo, bao gồm: Tổng giám đốc Lee Sang Hui, Giám đốc tài chính Chun Nam Ng, Giám đốc khối nghiệp vụ bảo hiểm Baliga Narendra, Giám đốc điều hành Hệ thống đại lý Triệu Robert và Giám đốc Kênh phân phối thông qua đối tác Koh Hoe Shin.
Như vậy, với quỹ thù lao 100 tỷ đồng, trong năm 2021, mỗi lãnh đạo trong Ban Giám đốc của Manulife Việt Nam có thể được hưởng 1-2 tỷ đồng/người/tháng. Không chỉ được trả lương cao ngất ngưởng, dàn lãnh đạo Manulife Việt Nam còn được nhận ưu đãi là không bị giảm lương quá nhiều giữa đại dịch Covid-19.
Cụ thể, 2020 và 2021 là thời điểm nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Ngành tài chính phải đồng loạt cắt giảm lương nhân viên cũng như lãnh đạo. Đặc biệt, tại một số ngân hàng, ở thời điểm nhận định, thù lao giảm tới 50%.
Thế nhưng, tại Manulife Việt Nam, suốt thời kỳ căng thẳng đó, thu nhập lãnh đạo giảm rất ít, từ 118 tỷ đồng năm 2019 xuống 116 tỷ đồng năm 2020 và 100 tỷ đồng năm 2021. Như vậy, sau 2 năm đại dịch, thù lao lãnh đạo Manulife Việt Nam chỉ giảm 18 tỷ đồng, tương đương 15,3%.
Rất nhiều doanh nghiệp FDI bị nghi chuyển giá và bị phạt về thuế
Năm 2019, Coca Cola Việt Nam bị nghi chuyển giá (chuyển giá là hành vi dẫn đến lách thuế, trốn thuế) thông qua động thái trả phí và nhập nguyên liệu từ công ty mẹ. Theo đó, Coca Cola bị phạt về thuế hơn 821 tỷ đồng.
Coca-Cola Việt Nam từng bị Cục Thuế Tp.HCM xếp vào vị trí số 1 trong danh sách doanh nghiệp nghi vấn có dấu hiệu chuyển giá do liên tục kê khai lỗ trong hơn 20 năm với số lỗ khổng lồ.
Theo cơ quan thuế, “bí quyết” để doanh nghiệp này kê khai liên tục thua lỗ nằm ở chi phí nguyên phụ liệu. Coca Cola chủ yếu nhập hương liệu trực tiếp từ công ty mẹ với giá rất cao. Ngoài ra, Coca Cola còn trả nhiều loại phí khác cho công ty mẹ từ đó khiến chi phí tăng cao và công ty thua lỗ thảm.
Cuối năm 2019, qua kiểm tra, cơ quan thuế cũng truy thu Heineken Việt Nam 916 tỉ đồng tiền thuế và tiền chậm nộp thuế. Trước đó, một loạt DN FDI khác cũng bị truy thu thuế như Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered bị truy thu 19 tỉ đồng…
Tình trạng các doanh nghiệp FDI chuyển giá nhằm gian lận về thuế hiện là vấn đề nan giải và khó phát hiện, giải quyết.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899