Yêu cầu SCB giải quyết việc gửi tiết kiệm thành "ký hợp đồng bảo hiểm Manulife"
TCDN - Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng yêu cầu SCB trả lời người dân liên quan đến việc môi giới bảo hiểm tại SCB lạm dụng tín nhiệm, tư vấn và có dấu hiệu đưa thông tin sai lệch lừa khách hàng ký hợp đồng bảo hiểm Manulife.
Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) vừa có văn bản gửi Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật về kiến nghị của người dân liên quan việc bảo hiểm Manulife bán bảo hiểm thông qua môi giới tại SCB.
Trong văn bản gửi tới SCB, cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng cho biết đã nhận đơn thư của tập thể 33 khách hàng mua bảo hiểm Manulife qua Ngân hàng TMCP Sài Gòn. Đơn có nội dung liên quan đến việc bảo hiểm Manulife tổ chức mạng lưới bán bảo hiểm thông qua môi giới tại SCB lạm dụng tín nhiệm, tư vấn và có dấu hiệu đưa thông tin sai lệch lừa khách hàng ký hợp đồng bảo hiểm.
“Sau khi xem xét nội dung đơn, căn cứ Điều 20 Thông tư số 05/2021/TT –TTCP ngày 1/10/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh và quy định của pháp luật; Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng chuyển đơn của tập thể 33 khách hàng đến SCB xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật, trả lời tập thể 33 khách hàng và thông báo kết quả giải quyết đến cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng”, văn bản do ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh thanh tra, giám sát ngân hàng ghi rõ.
Trước đó, nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh về việc nhiều người dân đến Ngân hàng SCB để gửi tiền tiết kiệm thì được nhân viên tại các phòng giao dịch của ngân hàng tư vấn về gói tiết kiệm ưu đãi lãi suất 8 - 9%/năm.
Tuy nhiên trên thực tế, khoản tiền gửi tiết kiệm của người dân lại được chuyển vào tài khoản Công ty bảo hiểm Manulife. Thậm chí, không chỉ tư vấn sai lệch về hợp đồng Bảo hiểm nhân thọ, có nhiều trường hợp nhân viên ngân hàng còn tự ý tạo lập thông tin giao kết hợp đồng, tự ký tên của của khách hàng lên hợp đồng, khai khống thu nhập.
Gần đây, trước những hạn chế của kênh bán bảo hiểm tại ngân hàng, tại dự thảo thông tư hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm, Bộ Tài chính đề xuất quy định ngân hàng bán bảo hiểm phải ghi âm, lưu lại 5 năm toàn bộ nội dung tư vấn cho khách hàng. Với các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, doanh nghiệp bảo hiểm phải kiểm tra độc lập nội dung, cung cấp thông tin và tư vấn (của nhân viên tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) trước khi quyết định phát hành hợp đồng, trong đó, phải có nội dung kiểm tra việc khách hàng tham gia sản phẩm bảo hiểm trên cơ sở tự nguyện.
Liên quan đến việc bán bảo hiểm tại các ngân hàng thương mại, tháng 11/2020, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ra văn bản số 7928 chấn chỉnh về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm tại các ngân hàng thương mại.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899