Mở rộng đối tượng tham gia BHXH, đảm bảo hài hòa lợi ích

23/11/2023, 14:01
báo nói -

TCDN - Thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), nhiều đại biểu quan tâm, góp ý về nội dung rút bảo hiểm xã hội một lần; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc; xử lý nghiêm hành vi chậm, trốn đóng BHXH…

Đánh giá các chi phí phát sinh khi mở rộng đối tượng đóng BHXH bắt buộc

Sáng 23/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Vấn đề mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc được nhiều đại biểu quan tâm.

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Đoàn Hưng Yên) cho biết, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã mở rộng 5 đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; điều này thể hiện định hướng từng bước mở rộng đối tượng tham gia BHXH. Tuy nhiên, cũng cần đánh giá tác động đến các chi phí phát sinh, đồng thời cần có chế tài xử phạt nghiêm minh để tránh tình trạng chậm và trốn đóng BHXH.

Mở rộng đối tượng tham gia BHXH, đảm bảo hài hòa lợi ích.

Mở rộng đối tượng tham gia BHXH, đảm bảo hài hòa lợi ích.

Đại biểu phân tích, việc bổ sung các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thể hiện sự định hướng từng bước mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, nhưng sẽ làm phát sinh thêm chi phí của cả người lao động và người sử dụng lao động. Do đó, cần nghiên cứu đánh giá kỹ tác động và làm rõ các lợi ích chi phí khi tham gia BHXH bắt buộc của các nhóm đối tượng này, tránh phát sinh các phản ứng tiêu cực.

Đại biểu cho rằng, theo báo cáo đánh giá tác động chính sách trong sách trong dự án luật, có gần 2 triệu hộ đăng ký kinh doanh, khoảng 270.000 người hoạt động không chuyên trách ở thôn tổ dân phố, chưa kể ba nhóm đối tượng còn lại chưa có thống kê cụ thể.

"Thực tiễn vừa qua cho thấy, tình trạng trốn, nợ đóng BHXH đối với các đối tượng dễ quản lý, dễ xử lý... vẫn chưa được giải quyết triệt để. Do đó, nếu mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc như dự thảo luật cần phải có chế tài quy định kiểm soát và xử lý, phạt nghiêm minh, để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của các quy định", bà Đoàn Thị Thanh Mai nói.

Nhiều quan điểm khác nhau về rút bảo hiểm một lần

Liên quan đến quy định rút BHXH 1 lần, Chính phủ đề xuất 2 phương án. Phương án 1 là người lao động tham gia BHXH trước khi luật có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025) được rút BHXH một lần, người lao động tham gia BHXH sau 1/7/2025 không được rút BHXH một lần. Phương án 2 là người lao động được rút BHXH một lần bằng 50% tổng thời gian đóng BHXH, 50% còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia sau này.

Ủng hộ phương án 1, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (đoàn Tp.HCM) cho biết phần lớn ý kiến của công nhân, cán bộ công đoàn tại các doanh nghiệp ở Tp.HCM tha thiết đề nghị Quốc hội lựa chọn phương án 1. Đây là phương án tương đối hài hòa đảm bảo quyền được rút một lần với người đang tham gia đóng BHXH, có thể đảm bảo ổn định quan hệ lao động khi luật có hiệu lực thi hành.

Mặc dù có thể sẽ có một làn sóng nghỉ việc, xin rút BHXH một lần ngay sau khi Quốc hội bấm nút thông qua luật này, song đại biểu cho rằng nhóm lao động mới tham gia BHXH sau năm 2025 sẽ duy trì sự tham gia của mình đến cuối dòng đời lao động.

“Thực tiễn cho thấy không một chính sách nào làm hài lòng được tất cả đối tượng liên quan. Do đó, nếu muốn hạ năm đóng tối thiểu xuống 15 năm như dự thảo luật thì đồng thời cần phải chấm dứt quy định rút BHXH một lần nhưng không làm ảnh hưởng nhiều đến ổn định quan hệ lao động” - đại biểu Trần Thị Diệu Thúy phân tích.

Ở chiều ngược lại, nhiều đại biểu nghiêng về phương án 2, nhưng có thể có một số điều chỉnh. Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng nếu áp dụng phương án 1, người lao động sẽ không đồng tình. Đại biểu đề nghị nên quy định theo hướng là người lao động được lựa chọn hưởng BHXH một lần và chỉ được rút phần mình đã đóng, còn phần mà người sử dụng lao động đóng thì được Nhà nước bảo lưu để họ tiếp tục đóng hoặc hưởng khi hết độ tuổi lao động. Đây cũng là phương án đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) đồng tình.

Tranh luận về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) nêu quan điểm Nhà nước chỉ nên giữ chân người lao động bằng các lợi ích chứ không phải bằng các hạn chế.

Với tinh thần đó, đại biểu đề xuất giải pháp theo hướng cho phép người lao động rút BHXH một lần nhưng có phương án trung gian. Đó là khi người lao động có nhu cầu rút BHXH một lần thì cơ quan bảo hiểm xác định được số tiền rút một lần chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội. Người lao động rút số tiền đó từ ngân hàng, nhưng chịu mức lãi suất chính sách khoảng dưới 5%/năm. Khi nào người lao động quay trở lại thì sẽ phải đóng bổ sung số lãi đó và tiếp tục được tham gia BHXH.

Đảm bảo quyền được rút bảo hiểm xã hội một lần của người lao động

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã phát biểu giải trình làm rõ một số vấn đề về dự án Luật BHXH (sửa đổi). Trong đó, đối với vấn đề rút BHXH một lần, Bộ trưởng cho biết khó có thể đưa ra một phương án tối ưu, thay vào đó sẽ tiếp tục đề xuất, chọn phương án nhiều ưu điểm hơn. Qua các thảo luận và ý kiến đóng góp, Bộ trưởng cho biết việc điều chỉnh chính sách rút BHXH sẽ theo hướng người lao động có quyền rút bảo hiểm, không phân biệt người đóng trước hay đóng sau sau khi luật có hiệu lực.

Về mức rút bảo hiểm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ phương án cho phép rút 50% ở đây là thời gian đóng, không phải là mức đóng. 50% thời gian đóng còn lại được ghi nhận trong sổ BHXH để người lao động tiếp tục hưởng các quyền lợi. Nếu người lao động tiếp tục tham gia BHXH sẽ được cộng tiếp thời gian đóng, còn nếu không khi đến tuổi nghỉ hưu sẽ được hưởng trợ cấp.

Với phương án 2 được ban soạn thảo nêu, số tiền khi được rút sẽ tương đương với số đóng của người lao động là 8%. Theo đó, 8% số tiền lương đóng của người lao động trong 1 năm sẽ tương đương gần 1 tháng lương (0,96% tháng lương).

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, phương án này vẫn đảm bảo quyền rút BHXH một lần đối với người lao động. Đồng thời, phương án này phù hợp với khuyến nghị của các tổ chức quốc tế, khắc phục được những vướng mắc hiện nay và giữ chân được người lao động. “Không có cách nào khác, đó là phương án tối ưu hơn trong tất cả các phương án đang có hiện nay” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

PV
Bạn đang đọc bài viết Mở rộng đối tượng tham gia BHXH, đảm bảo hài hòa lợi ích tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

BHXH Việt Nam: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, cải cách thủ tục hành chính
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ký ban hành công văn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và BHXH các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 968/CĐ-TTg ngày 16/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước.
BHXH Việt Nam: Nỗ lực vì mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau
Với trọng trách được Chính phủ giao, BHXH Việt Nam đã và đang có nhiều nỗ lực, cố gắng tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách về BHXH, BHYT và đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các mặt, được Lãnh đạo Đảng, nhà nước đánh giá cao, người dân, doanh nghiệp tin tưởng, hài lòng.
BHXH Việt Nam: Chuyển đổi số toàn diện, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ
Nắm bắt xu thế chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, ngành BHXH Việt Nam tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt, triển khai nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hướng tới xây dựng BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp vì sự hài lòng của người tham gia, thụ hưởng chính sách.