Năm 2023, Tập đoàn Dệt May Việt Nam hạ chỉ tiêu lợi nhuận 50%
TCDN - Trước tình hình khan hiếm đơn hàng do kinh tế khó khăn, năm 2023, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT) hạ chỉ tiêu lợi nhuận còn 610 tỷ đồng, giảm gần 50% so với năm trước.
Theo lãnh đạo Vinatex, năm 2023 ngành dệt may thế giới sẽ tiếp tục đối mặt những thách thức phát sinh từ cuối năm 2022 như xung đột Nga-Ukraine gây sức ép lên giá năng lượng và lương thực, ảnh hưởng đến các thị trường xuất khẩu của Dệt may Việt Nam.
Ngoài ra, những yếu tố khác ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Vinatex như lãi suất nhiều khả năng duy trì ở nền cao cho tới hết năm, tổng cầu dệt may thế giới dự báo giảm 8% so với năm trước, dự báo ngành may vẫn chịu áp lực giảm đơn hàng trung bình từ 25% – 27% do sức mua toàn cầu giảm.
Do vậy, Vinatex đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 17.500 tỷ đồng và lợi nhuận 610 tỷ đồng, giảm lần lượt gần 11% và 50% so với năm trước.
Kế hoạch trên được đặt theo kịch bản ngành sợi có hiệu quả trở lại ngay từ quý 3 và quý 4, với tỷ suất lợi nhuận/doanh thu đạt lần lượt 1% và 2%. Đồng thời, ngành may có kết quả quý 3 hiệu quả tương đương quý 2, quý 4 có hiệu quả tăng 10% so với quý 3.
Kết thúc quý 1/2023, doanh thu hợp nhất của VGT đạt gần 4.456 tỷ đồng, giảm 13,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí hoạt động kinh doanh tăng cao khiến lợi nhuận của Tập đoàn giảm gần 69% còn 118 tỷ đồng. Nếu tính riêng lãi ròng, Vinatex chỉ thu về hơn 56 tỷ đồng, giảm 72% so với cùng kì.
Trong quý đầu tiên của năm, kim ngạch xuất nhập khẩu của ngành dệt may Việt Nam giảm 19%, giảm mạnh hơn mức giảm kim ngạch xuất khẩu chung cả nước. Các doanh nghiệp sợi không có cầu, giá bán sợi chưa thể cải thiện trong ngắn hạn. Đồng thời, doanh nghiệp may thiếu đơn hàng cũng như giá gia công giảm mạnh 20-50%. Chi phí (xăng dầu, lương, điện, lãi suất) trong nước có xu hướng tăng.
Sang quý 2, VGT đặt kế hoạch doanh thu gần 4.339 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 58 tỷ đồng. Mục tiêu tới năm 2025, VGT hướng tới dần tự chủ nguyên liệu, tạo được chuỗi sản xuất nội bộ. Theo đó, lợi nhuận sẽ được chia sẻ và cân đối trong chuỗi từ kéo sợi, dệt nhuộm hoàn tất đến may, không mất đi lợi nhuận khi phải nhập khẩu nguyên phụ liệu, giá trị gia tăng của Công ty sẽ đạt trên 80%.
Với ngành may, các doanh nghiệp trong Tập đoàn tận dụng tối đa các đơn hàng, kể cả các đơn hàng ngắn để đảm bảo duy trì sản xuất và giữ chân người lao động; nghiên cứu khả năng chuyển đổi mặt hàng theo nhu cầu thị trường; luôn sẵn sàng lực lượng sản xuất tốt nhất để đón những cơ hội khi thị trường có dấu hiệu hồi phục.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899