Nghiên cứu chính sách miễn giảm thuế trong năm 2025

15/11/2024, 11:22
báo nói -

TCDN - Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính sớm tổng kết, đánh giá, đề xuất ban hành các chính sách miễn giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất trong năm 2025.

Một trong những nội dung quan trọng tại Nghị quyết số 218/NQ-CP ngày 12/11/2024 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2024 mà Chính phủ vừa ban hành là việc yêu cầu Bộ Tài chính sớm tổng kết, đánh giá và tham mưu, đề xuất ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất trong năm 2025 để có thể triển khai ngay từ đầu năm.

Đặc biệt là việc tiếp tục gia hạn thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025 để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ giao Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo xử lý, bảo đảm thời hạn yêu cầu.

Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, việc thay đổi và điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn để phân tích, có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; cập nhật các kịch bản về tăng trưởng, lạm phát, các cân đối lớn để phục vụ chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện.

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính sớm tham mưu đề xuất chính sách về miễn, giảm thuế, tiền sử dụng đất năm 2025.

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính sớm tham mưu đề xuất chính sách về miễn, giảm thuế, tiền sử dụng đất năm 2025.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ, hài hòa giữa chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác, thúc đẩy phục hồi nhanh sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách nhà nước. Thực hiện quyết liệt các biện pháp thu ngân sách nhà nước năm 2024, phấn đấu vượt ít nhất thêm 15% dự toán Quốc hội giao

Thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá trốn thuế, đặc biệt trong hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh ăn uống… bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu. Triệt để cắt giảm chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách để dành chi đầu tư phát triển, nhất là các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, thiết yếu.

Sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá cả theo quy định của pháp luật và phù hợp thị trường để kiểm soát, bình ổn giá cả, thị trường. Triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai, niêm yết, công khai thông tin về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương nghiên cứu, tham mưu, đề xuất xây dựng Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11/2024.

Đối với Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ yêu cầu chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương theo dõi sát tình hình các thị trường tài chính, tiền tệ, ngoại hối, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng can thiệp thị trường để ổn định thị trường ngoại tệ.

Chủ động điều hành tăng trưởng tín dụng kịp thời, hiệu quả, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của nền kinh tế. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, lãi suất cho vay, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro,

Đẩy mạnh cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%.

Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật về thị trường tiền tệ, bảo đảm hoạt động ngân hàng lành mạnh, bền vững. Tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số hoạt động ngân hàng và bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng.

Số liệu mới nhất từ Bộ Tài chính cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2024, số tiền miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê ước tính khoảng 149,1 nghìn tỷ đồng.

Việc triển khai các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất trong thời gian qua được đánh giá là đã giúp tháo gỡ khó khăn, tạo đà cho doanh nghiệp và người dân nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển ổn định, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước.

Trong thời gian tới, hỗ trợ thuế tiếp tục là một trong các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tài chính thực hiện. Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước; đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng hóa đơn điện tử; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. Triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; đồng thời, tổng kết, đánh giá hiệu quả để nghiên cứu, đề xuất ban hành các chính sách tiếp tục miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền thuê đất để triển khai ngay từ đầu năm 2025, trong đó có giảm thuế VAT để kích thích tiêu dùng, sản xuất trong nước.

Hoàng Tư
Bạn đang đọc bài viết Nghiên cứu chính sách miễn giảm thuế trong năm 2025 tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Ngành Thuế sẽ kết nối với Bộ Công an triển khai hoãn xuất cảnh tự động với người nợ thuế
Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành cho biết, đối với việc tạm hoãn xuất cảnh với người nợ thuế, tới đây Tổng cục Thuế sẽ kết nối với Bộ Công an để triển khai hoãn xuất nhập cảnh tự động, nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ thuế được gỡ lệnh tạm hoãn xuất cảnh sớm nhất có thể.
Thủ tướng: Tiếp tục miễn giảm thuế phí, giảm lãi suất, khuyến khích ưu tiên dùng hàng Việt Nam
Thủ tướng yêu cầu triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, tăng tổng cầu trong nước, hỗ trợ người lao động, phát triển mạnh thị trường trong nước với việc tiếp tục miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất, khuyến mãi, giảm giá, khuyến khích ưu tiên dùng hàng Việt Nam....