Nghiên cứu sự lạc quan nghề nghiệp của đội ngũ hướng dẫn viên thành phố Nha Trang, Khánh Hòa

20/06/2024, 10:16

TCDN - Bài viết tập trung phân tích tình hình thực tế sự lạc quan của đội ngũ hướng dẫn viên, phân tích các nhân tố thúc đẩy và đánh giá mức độ hài lòng của đội ngũ này. Từ đó, đề xuất một số giải pháp tăng cường sự lạc quan của hướng dẫn viên với nghề trên địa bàn thành phố Nha Trang.

images5382827_k1_03

Tóm tắt

Sự lạc quan nghề nghiệp được xem là yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến sự phát triển nghề nghiệp trong tương lai, là nguồn thông tin quan trọng nhất khi một cá nhân có cái nhìn tích cực về cuộc sống. Những người lạc quan mong đợi những điều tốt đẹp sẽ xảy ra với họ và những điều tồi tệ là điều hiếm khi xảy ra (Rottinghaus và cộng sự, 2012).

Kết quả nghiên cứu sẽ làm cơ sở đề xuất một số giải pháp nhằm duy trì và gia tăng sự lạc quan nghề nghiệp, từ đó tạo động lực thúc đẩy đội ngũ hướng dẫn viên (HDV) để họ yêu và gắn bó với nghề hơn tại thành phố Nha Trang, Khánh Hòa.

1. Đặt vấn đề

Khánh Hòa là địa phương nằm trong khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên có tài nguyên, tiềm năng du lịch phong phú và đa dạng, phân bố đều và thuận lợi cho việc phát triển các loại hình du lịch. Thành phố Nha Trang có rất nhiều điểm tham quan, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng hấp dẫn cần có đội ngũ hướng dẫn viên nhiệt tình tâm huyết nghề vì Nha Trang luôn là một điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Chính vì vậy, trong những năm gần đây, hoạt động du lịch tại điểm đến này đã có những chuyển biến tích cực, thu hút các hướng dẫn viên tham gia nhiều hơn. Bài viết này tập trung phân tích tình hình thực tế sự lạc quan của đội ngũ HDV, phân tích các nhân tố thúc đẩy và đánh giá mức độ hài lòng của HDV. Từ đó, tác giả đề xuất một số giải pháp tăng cường sự lạc quan của đội ngũ này với nghề trên địa bàn thành phố Nha Trang.

2. Cơ sở lý thuyết

Mô hình nghiên cứu đề xuất về lạc quan nghề nghiệp của đội ngũ HDV tại thành phố Nha Trang, Khánh Hòa

z5684586013715_808b8f353f7c9df6b73bfd958ad32a2f

Sơ đồ 1.1. Mô hình nghiên cứu sự lạc quan nghề nghiệp của đội ngũ HDV tại thành phố Nha Trang, Khánh Hòa

3. Phương pháp nghiên cứu

Dựa trên khung lý thuyết đã tổng hợp ở trên, tác giả tiến hành xây dựng bảng hỏi để lấy ý kiến của đội ngũ HDV trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Xử lý số liệu bằng phương pháp phân tích thống kê và tổng hợp với qui mô mẫu được xác định theo công thức tính mẫu của Taro Yamane (1967).

Tuy nhiên, để có thể phân tích so sánh kiểm định sự khác biệt giữa các nhóm đáp viên được phân loại theo một số tiêu chí về dân số học, cũng như tránh rủi ro thiếu mẫu do một số hướng dẫn viên có thể không điền đầy đủ thông tin, trong nghiên cứu này tác giả gia tăng qui mô mẫu thêm 100 mẫu lên 177 mẫu. Kết quả thu được 158 mẫu, số mẫu hợp lệ 130 mẫu, được mã hóa và phân tích xử lý bằng phân mềm SPSS 22.0.

4. Kết quả và thảo luận

4.1 Thông tin chung về đối tượng điều tra

Khảo sát thâm niên đội ngũ HDV từ 5 năm  dưới 10 năm là 34 người (chiếm 26,2 % mẫu khảo sát), 10 năm trở lên là 32 người (chiếm 24,6% mẫu), từ 3 đến dưới 5 năm và từ  1 đến dưới 3 năm là 44 người (chiếm 33,8 % mẫu) và dưới 1 năm là 20 (chiếm 15,4 % mẫu khảo sát). Điều này nói lên sự gắn bó và liên kết chặt chẽ giữa của người dân và đội ngũ HDV và là điểm thuận lợi cho du lịch phát triển. Tỷ lệ người dân giới tính nam giới tham gia khảo sát chiếm đến 61,5 % và nữ giới chỉ chiếm 38,5%. Con số này cũng khá phù hợp với các con số thống kê hiện nay về cơ cấu lao động theo giới tính trong lĩnh vực hoạt động HDV. Trình độ đội ngũ hướng dẫn viên của thành phố Nha Trang hơn 83,8 % có trình độ đào tạo đại học và sau đại học trở lên, Đây là nguồn nhận lực rất tiềm năng cho ngành du lịch của địa phương trong tương lai. về thu nhập hàng tháng của người lao động hiện tại cho thấy nhóm mức thu nhập dưới 5 triệu đồng đa số chiếm tỉ lệ khá cao với gần 47%, tiếp đó là nhóm có mức thu nhập từ 5 đến dưới 7 triệu đồng (chiếm 28,5%) và từ 7 đến dưới 10 triệu đồng (chiếm 13,8 %) và từ 10 triệu đồng/tháng trở lên chiếm chỉ 10,8 %. còn lại là từ những ngành nghề khác.

4.2 Đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến sự lạc quan nghề nghiệp của đội ngũ HDV tại thành phố Nha Trang

Kết quả phân tích nhân tố khám phá về sự lạc quan nghề nghiệp và ý định hành vi của đội ngũ hướng dẫn viên.

Với giá trị Eigenvalue bằng 2,95 và phương sai trích 73,82%. Nhân tố này gồm 4 biến các vấn đề về nổ lực để thực hiện giấc mơ nghề nghiệp của mình; tự tin khi nghĩ về nghề nghiệp. ‘Ý định bỏ việc’ có giá trị Eigenvalue bằng 3,083 và phương sai giải thích là 77,07%. Bao gồm 4 biến về các vấn đề bỏ công việc hiện tại để làm nơi khác, bỏ công ty này nếu tình hình vẫn cứ không được cải thiện, bỏ công việc hiện tại và chậm nhất là 1 năm nữa sẽ bỏ công việc hiện tại này.

Phân tích sự khác biệt về mức độ đánh giá giữa các nhóm đối tượng HDV về các nhân tố tác động đến lạc quan nghề nghiệp, sự lạc quan nghề nghiệp và ý định bỏ việc.

Các số liệu cho thấy HDV vẫn khá lạc quan với nghề (GTTB của biến Lạc quan nghề nghiệp là 3,82 và không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa các nhóm có độ tuổi, giới tính, trình độ học vấn... Đồng thời, ý định bỏ việc có giá trị TB thấp = 2,97 (tức là họ không thực sự có ý  định bỏ  việc)... Trên thực tế thì có thể một người càng có khả năng thích ứng càng cao thì họ có thể nhìn nhận cơ hội và từ đó kỳ vọng nghề cao hơn... Do vậy, ảnh hưởng đến cảm nhận của họ đối với nghề hiện tại, khi mà đang chịu tác động kéo dài của đại dịch và trong điều kiện đó thì các khả năng thích ứng cũng khó phát huy... dẫn đến họ có thể thấy bi quan với nghề. Tuy nhiên, đa phần HDV du lịch chuyển sang lĩnh vực tư vấn bảo hiểm, kinh doanh bất động sản... nên vẫn lạc quan khi dịch bệnh sớm được khống chế sẽ trở lại với nghề.

Phân tích mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến lạc quan nghề nghiệp đối với hoạt động của đội ngũ HDV tại thành phố Nha Trang.

HDV đang dần nhận thức tích cực với từng yếu tố tạo sự lạc quan nghề nghiệp và theo đó tác động đến sự hài lòng chung của họ đối với hoạt động sự lạc quan nghề nghiệp. Trong đó, nhân tố FA1: Cá tính và nhận thức nghề có hệ số hồi quy riêng lớn nhất nên có thể nói cảm nhận của hướng dẫn viên về đối với yếu tố này có ảnh hưởng rất nhiều đến sự hài lòng chung của họ. Tiếp đến là nhân tố FA3: Hiểu biết thị trường lao động có hệ số hồi quy lớn thứ 2 nên có thể nói hướng dẫn viên cũng đánh giá cao đối với yếu tố này và do vậy nó cũng có ảnh hưởng khá lớn đến sự hài lòng chung của họ... Kết quả này có thể được đơn giản hóa giải thích như sau: trong điều kiện các yếu tố khác không đổi, nếu FA1 tăng thêm một đơn vị thì HLC tăng 0,867 đơn vị. Tương tự, nếu nhân tố FA3 tăng một đơn vị thì HLC tăng 0,115 đơn vị...

4.3 Thực trạng đội ngũ HDV tại Nha Trang – Khánh Hòa

Nha Trang - Khánh Hòa là thành phố biển du lịch nổi tiếng. Do đó, không có gì lạ khi mà nghề HDV du lịch được ưa chuộng trong nhóm các việc làm ở Nha Trang. Cơ hội việc làm tại Nha Trang vì thế mà cũng nhiều hơn với những người làm HDV. Nghề này phù hợp với những bạn yêu thích “dịch chuyển”, hoạt ngôn và có vốn ngoại ngữ tốt.

Sở dĩ việc này gây sốt bởi có mức lương khá hấp dẫn. Ngoài khoản tiền lương cố định, HDV còn nhận được tiền “Tip” của du khách. Ngoài ra HDV được đi nhiều nơi, khám phá nhiều cảnh đẹp.

Trong những năm 2023 trở về trước, khách du lịch đến Nha Trang - Khánh Hòa tăng nhanh đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt hướng dẫn viên (HDV) cả về số lượng và chất lượng, nhất là HDV biết tiếng Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga. Theo ước tính của Sở Du lịch, đến hết tháng 10/2023, Khánh Hòa đã đón gần 6,2 triệu lượt khách du lịch, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có gần 3,1 triệu lượt khách quốc tế, tăng 30,8%. Với lượng khách du lịch lớn như vậy, ngành Du lịch Khánh Hòa cần một số lượng HDV du lịch rất lớn, đặc biệt là HDV biết tiếng Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc. Chính vì vậy, thời gian gần đây, ngoài HDV do Sở Du lịch cấp thẻ, một lượng lớn HDV từ các nơi đổ về Khánh Hòa để hoạt động. Điều này giúp ngành Du lịch tỉnh giải quyết được bài toán thiếu HDV, nhưng mặt trái là việc kiểm soát chất lượng, hoạt động của HDV có phần khó khăn hơn.

Tính đến nay, Sở Du lịch Khánh Hòa đã cấp 1.565 thẻ HDV du lịch trên toàn tỉnh (còn hoạt động). Trong đó, có 494 thẻ HDV nội địa chiếm 31,57%, 1.071 thẻ HDV quốc tế (642 HDV tiếng Trung, 257 HDV tiếng Anh, 79 HDV tiếng Nga, 13 HDV tiếng Pháp, 05 HDV tiếng Đức, 05 HDV tiếng Nhật, 01 HDV tiếng Hàn Quốc, 01 tiếng Thái và 50 HDV song ngữ) chiếm 68,43%, riêng thành phố Nha Trang: 325 HDV.

Nghề HDV có thu nhập cũng khá ổn định vì mỗi tháng đều có việc. Tháng nhiều thì cũng kiếm được 18 - 20 triệu đồng, tháng ít là khoảng 6 - 7 triệu. Trong hai năm nay khi nhu cầu khách đi tour ngày càng tang thì nghề HDV như “hái ra tiền”, cuộc sống của nghề này giờ rất ổn định.

Tuy nhiên, nghề này cũng mang nhiều áp lực. Khi HDV phải chăm sóc chu đáo từng du khách, phải có bản lĩnh để vượt qua những cám dỗ đến từ nhiều phía.

- Phòng cần quan tâm đến công tác quản trị nhân sự và chú trọng đến đội ngũ HDV hơn nữa.

- Đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn;

- Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch ngắn hạn dành cho lao động của các doanh nghiệp hội viên…

- Cần phải tạo ra một mối quan hệ thân thiện gần gũi giữa các cán bộ quản lý và đội ngũ HDV. Các cấp lãnh đạo cần điều chỉnh phong cách lãnh đạo của mình và cần phải được đào tạo cơ bản về kiến thức quản lý, về tâm lý đội ngũ HDV để tránh được những bất đồng giữa người lãnh đạo và đội ngũ HDV.

- Đề ra những chính sách khuyến khích, khích lệ tinh thần làm việc để đạt hiệu quả tốt nhất. Liên tục xây dựng và đề ra các chương trình thi đua trong tập thể, để nâng cao đời sống cho đội ngũ HDV.

- Đầu tư phát triển nguồn nhân lực HDV chất lượng cao trong đó chú trọng bổ sung kiến thức chuyên môn và ngoại ngữ; những chính sách thu hút giữ chân nguồn nhân lực HDV có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ hiếm góp phần nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng với nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

5. Kết luận và hàm ý quản lý

Du lịch hiện nay đã trở thành một nguồn thu cho nhiều HDV để cải thiện sinh kế. Việc tăng cường sự lạc quan của đội ngũ HDV vào các hoạt động du lịch đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển du lịch bền vững. Kết quả nghiên cứu đã phân tích cụ thể tình hình và mức độ ảnh hưởng của đội ngũ HDV vào các hoạt động du lịch tại Nha Trang, Khánh Hòa.

Đồng thời, xác định các mức độ ảnh hưởng đến sự sự lạc quan nghề nghiệp, trong đó nhân tố “thu nhập” được HDV đánh giá là có ảnh hưởng lớn nhất đến sự lạc quan của hoạt động du lịch tại địa phương. Mức độ hài lòng chung của đội ngũ hướng dẫn viên đối với hoạt động tạo sự lạc quan nghề nghiệp tại thành phố Nha Trang vào các hoạt động du lịch tại khu du lịch này cũng đã được nhận diện.

Trên cơ sở đó, một số giải pháp được đưa ra đối với đội ngũ HDV vào các hoạt động du lịch đã được đề xuất bao gồm:

- Giải pháp duy trì liên kết mạng lưới/ hiệp hội nghề nghiệp (network và mentoring): Liên kết với các HDV đi trước, các chuyên gia các hiệp hội du lịch, hiệp hội nghề nghiệp của thành phố/ tỉnh tổ chức nhiều buổi giao lưu trực tuyến với "dân trong nghề".

- Gia tăng khả năng thích nghi công việc thách thức của thị trường lao động: HDV du lịch, cần đáp ứng nhu cầu thực tế về kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ. HDV du lịch trong nước chịu sự canh tranh với những HDV du lịch ở các nước khác. Nhu cầu đi du lịch của người dân thay đổi, khách du  lịch ngày càng đòi hỏi chất lượng dịch vụ tốt. Điều này đòi hỏi ngành du lịch, các doanh nghiệp du lịch phải nâng cao chất lượng dịch vụ

- Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các bộ phận khác: Cần phải liên kết “3 nhà” gồm Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp. Các cơ sở đào tạo cần thay đổi, bổ sung vào giáo án, giáo trình hướng dẫn thực tế về kỹ năng diễn đạt để cho các HDV nắm bắt các nhu cầu tìm hiểu về kiến thức lịch sử, văn hóa, chính trị...mà thị trường đang cần, để đáp ứng phục vụ đón khách quốc tế đa dạng hơn. Ngoài ra, các trường đào tạo ngành DL cần chú trọng thực hành và đầu tư hơn về ngoại ngữ cho sinh viên, nhất là các ngoại ngữ, HDV cần đủ các điều kiện: Có thẻ HDVDL theo quy định của Luật Du lịch; có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch, hoặc là hội viên của tổ chức xã hội-nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với HDVDL quốc tế và HDVDL nội địa

- Ngoài ra còn có các giải pháp khác như: Chính sách hỗ trợ tài chính Ngành Du lịch hy vọng chính sách hỗ trợ này có thể hạn chế được sự “chảy máu” nhân lực đang diễn ra và giúp ngành vượt qua được cuộc khủng hoảng nhân lực phải đối diện trong tương lai. Chính sách bảo hiểm.

Tài liệu tham khảo

1. Tám, B.T., & Cẩm, N.T.N. (2009). Hướng dẫn du lịch. Nhà xuất bản: Đại Học Huế.

2.  https://sdl.khanhhoa.gov.vn/

3. http:/nhatrang-travel.com/

4. https://www.baokhanhhoa.vn/

ThS. Võ Thị Thường - Trường CĐ kỹ thuật công nghệ Nha Trang

ThS. Lê Văn Hoài - Trường Du lịch – Đại học Huế

Số đặc biệt - tháng 5/2024

Chuyên đề thông tin khoa học

Bạn đang đọc bài viết Nghiên cứu sự lạc quan nghề nghiệp của đội ngũ hướng dẫn viên thành phố Nha Trang, Khánh Hòa tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan