Nhà xưởng không phép tại phường Phú Hữu, Tp.HCM: Nơi đập, nơi tồn tại

18/05/2020, 15:32

TCDN - “Thiên đường” xây dựng nhà xưởng không phép tại phường Phú Hữu, quận 9 phải nói đến khu dân cư Đại học Bách Khoa, nơi mà hàng chục nhà xưởng vẫn tồn tại bất chấp mọi quy định pháp luật.

Biến khu dân cư thành nhà xưởng, kho bãi…

Khu dân cư Đại học Bách Khoa có quy mô 200.000m2, bao gồm 314 nhà liên kế, 345 biệt thự liên kế. Khu dân cư tiếp giáp với sông rạch Bà Hiên và rạch Ông Trì, tạo nên môi trường sống thoáng mát, trong lành là nơi an cư, nghỉ ngơi tuyệt vời cho cư dân. Dự án này do Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Tp.HCM – Invesco làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, gần 10 năm nay, khu dân cư này biến hình thành “công xưởng” ở khu vực. Hàng loạt nhà xưởng, kho bãi ngang nhiên xây dựng không phép. Chính quyền địa phương dù biết, nhưng vẫn để cho tồn tại.

Ông Trương Văn Có, người dân sống tại đây cho biết: “Tôi rất bức xúc vì đường sá, cơ sở hạ hư hết trơn. Tôi đi khiếu nại khắp nơi, họ nói sẽ cưỡng chế… nhưng không biết khi nào?”

Cưỡng chế nhà xưởng trong khu dân cư Đại học Bách Khoa: Nơi đập, nơi tồn tại

Cưỡng chế nhà xưởng trong khu dân cư Đại học Bách Khoa: Nơi đập, nơi tồn tại

“Kho xăng dầu để trong khu dân cư thế kia, nếu cháy nổ thì ra sao? Chúng tôi mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, xử lý. Họ vẫn tồn tại thế kia, sao dân nơi đây sống nổi với tiếng ồn, bụi bẩn, mất an ninh trật tự”, bà Nguyễn Thị Hiên cho biết thêm.

Theo hồ sơ của PV Tài chính Doanh nghiệp, năm 2018, nơi chỉ một khu dân cư này đã có hơn 50 nhà xưởng hoạt động. Sau đợt truy quét của UBND quận 9, thì hiện tại còn khoảng 30 nhà xưởng, kho bãi vẫn còn tồn tại.

Theo ông Nguyễn Quang Trung (một chủ xưởng xây dựng không phép) tại đây cho biết, trước đây, việc xây xưởng rất đơn giản. Người nào muốn xây dựng xưởng trong khu dân cư Đại học Bách Khoa chỉ cần biết “quan hệ sâu rộng” với lãnh đạo phường, cán bộ địa chính là mọi việc chót lọt.

Được phường Phú Hữu

Được phường Phú Hữu "ưu ái", nhiều nhà xưởng trong khu dân cư Đại học Bách Khoa vẫn còn tồn tại.

Cũng theo ông Trung, sau chỉ thị 23, quận 9 làm “căng” nên nhiều nhà xưởng khu này bị đập bỏ. Tuy nhiên, lãnh đạo phường Phú Hữu chỉ làm cho qua loa, nên nơi đây vẫn tồn tại nhiều nhà xưởng.

“Tôi muốn chính quyền địa phương làm công bằng. Tại sao các nhà xưởng của tôi bị đập bỏ, còn của người khác thì cho tồn tại. Tại khu dân cư Đại học Bách Khoa hiện nay vẫn còn nhiều xưởng như của Công ty Nam Nguyên; Công ty An Phú Gia; Công ty Hiệu Quả; Công ty Cường Phát… Vì sao chính quyền cho họ tồn tại? Còn những nhà xưởng của tôi thì bị đập hết”, ông Trung bức xúc. 

Ai đã bao che sai phạm? 

Liên quan đến vụ việc này, trong đơn tố cáo gửi đến Tài chính Doanh nghiệp ông Trung có nêu: “Tôi tố cáo hành vi xây dựng nhà xưởng lấn chiếm trên đất hành lang sông ngòi tại địa chỉ cuối đường 711A. Phần đất này là của ông Nguyễn Văn Thành. Tôi tố cáo hành vi xây dựng nhà kiên cố, phòng trọ có diện tích hơn 2000m2 trên phần đất nông nghiệp, san lấp kênh rạch, sông ngòi của hộ ông Nguyễn Văn Thành… làm tắc dòng sông, ô nhiễm môi trường”.

Ngoài ra, ông Trung cho biết đã nhiều lần làm đơn gửi UBND phường, quận, TP, Sở Xây dựng, Thanh tra Xây dựng… nhưng không ai trả lời giải quyết. Ông Trung khẳng định chỉ một lần UBND quận 9 trả lời “quận không liên quan, đây là trách nhiệm của Sở Xây dựng Tp.HCM”.

Nhiều nhà xưởng vẫn tồn tại trong khu dân cư Đại học Bách Khoa

Nhiều nhà xưởng vẫn tồn tại trong khu dân cư Đại học Bách Khoa

Liên quan các nội dung tố cáo của ông Trung, ông Nguyễn Văn Thành khẳng định với phóng viên việc xây dựng không phép là có thật. “Tôi không có nhà ở thì xây dựng thôi. Giờ đố ai đến cưỡng chế phá dở nhà tôi đó”, trao đổi với PV, ông Thành nói.

Trả lời báo chí năm 2019, ông Hoàng Minh Tuấn Anh (Phó chủ tịch quận 9, hiện giờ là Chủ tịch quận 7) cho rằng: “Trong công tác quản lý vẫn có tình trạng chưa chặt chẽ nên xảy ra xây dựng nhà xưởng không phép. Nhưng mà trách nhiệm chính trong việc kiểm tra xử lý các kho bãi, nhà xưởng không phép trong các dự án 1/500 thì đó là trách nhiệm của Thanh tra địa bàn thuộc Sở Xây dựng Tp.HCM”.

Những sai phạm xây dựng không phép tại quận 9 diễn ra trong thời gian dài. Từ 2014-2019, ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND quận 9 lúc đó phụ trách mảng đô thị. Vậy trách nhiệm vị lãnh đạo này ở đâu?

Công tác giám sát, quản lý việc xây dựng tại quận 9 còn rất lỏng lẽo. Tại phường Phú Hữu việc xây dựng không phép diễn ra tràn lan, không kiểm soát được. Nhà xưởng trong khu dân cư Đại học Bách Khoa và vùng xung quanh là ví dụ điển hình.

Liên quan đến vụ việc này, PV Tài chính Doanh nghiệp đã liên hệ UBND phường Phú Hữu để tìm hiểu sự việc. Các nội dung phóng viên đặt ra, ông Nguyễn Đình Trí, Chủ tịch UBND phường Phú Hữu phớt lờ, không trả lời đúng trọng tâm.

Còn nội dung xây dựng nhà ở, nhà xưởng không phép của hộ ông Nguyễn Văn Thành, phường Phú Hữu im lặng. Phải chăng, lãnh đạo phường Phú Hữu đang bao che sai phạm cho gia đình ông Thành?

Ông Nguyễn Đình Trí, Chủ tịch UBND phường Phú Hữu phớt lờ cho sai phạm tại khu dân cư Đại học Bách Khoa?

Ông Nguyễn Đình Trí, Chủ tịch UBND phường Phú Hữu phớt lờ cho sai phạm tại khu dân cư Đại học Bách Khoa?

Tóm lại xây dựng không phép tại phường Phú Hữu diễn ra trong thời gian dài. Tuy nhiên, lãnh đạo địa phương “dung dưỡng” cho sai phạm nên nhiều hệ luỵ còn tồn tại đến nay, chưa giải quyết dứt điểm.

"Việc tồn tại nhà xưởng trong khu dân cư đã tồn tại cả chục năm nay. Nếu 1, 2 nhà xưởng có thể chính quyền địa phương không biết nhưng liên tiếp xây dựng 40, 50 nhà xưởng quy mô từ vài trăm đến cả ngàn mét vuông thì trách nhiệm của chính quyền địa phương, Thanh tra địa bàn ở đâu. Nếu lực lượng này không làm ngơ, không ăn hối lộ và phù phép hồ sơ thì làm sao chúng tôi xây dựng và tồn tại được nhà xưởng cả chục năm trời. Nhà xưởng trong khu dân cư là không nên, chính quyền đập chúng tôi chấp nhận. Nhưng đập xưởng của dân thì phải kỷ luật cán bộ một cách nghiêm túc. Không thể rút kinh nghiệm cho qua được. Mỗi cái xưởng trị giá từ vài trăm đến vài tỷ đồng, 40, 50 cái xưởng trị giá cả triệu USD. Đó đều là tôn, là sắt, là ngoại tệ nhập về. Nếu cứ xây rồi đập kiểu này lãng phí vô cùng.

Chung quy lại nhà xưởng cũng là vật vô tri vô giác, bản thân nhà xưởng đâu có tội, còn tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Cái sai là sai ở con người, mà cụ thể là chúng tôi (chủ xưởng) và chính quyền địa phương dung dưỡng. Chúng tôi sai, chúng tôi chấp nhận đập, chấp nhận tổn hại về kinh tế nhiều tỷ đồng ngay mùa dịch bệnh. Nhưng chính quyền địa phương sai mà cụ thể ở đây là lãnh đạo phường Phú Hữu, lực lượng thanh tra xây dựng địa bàn phường, quận, sở Xây Dựng sai thì có ai bị kỷ luật chưa, hình thức kỷ luật thế nào, có ai bị cắt chức, bị đuổi việc, thậm chí khởi tố về việc buông lỏng quản lý gây hậu quả nghiêm trọng... Cần công bố cho dân biết để lấy đó làm bài học kinh nghiệm cho những người khác", đại diện một chủ nhà xưởng cho biết.

Liên quan đến các vấn đề sai phạm trên, Tài chính Doanh nghiệp sẽ thông tin đến bạn đọc trong bài viết sau.   

Thái Minh - Trọng Công
Bạn đang đọc bài viết Nhà xưởng không phép tại phường Phú Hữu, Tp.HCM: Nơi đập, nơi tồn tại tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan