Nhận diện một số tranh chấp phổ biến trong các dự án PPP

28/11/2021, 08:04

TCDN - Các dự án triển khai theo hình thức đối tác công - tư (PPP) có đặc điểm là thường có giá trị lớn; thời gian thực hiện, vận hành dài. Do vậy không thể tránh khỏi những tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện và vận hành.

Ngày 26/11 tại Hà Nội, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dưới sự hỗ trợ kỹ thuật từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội thảo với chủ đề: "Phòng ngừa và giải quyết tranh chấp phát sinh trong các dự án PPP (công -tư) về năng lượng và cơ sở hạ tầng theo quy định pháp luật về PPP tại Việt Nam".

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VIAC nhận định, phát triển hạ tầng giao thông hiện đại để thúc đẩy kinh tế liên vùng, phát triển ngành năng lượng, phục vụ nhu cầu của sản xuất kinh doanh. Đồng thời, bảo vệ môi trường bền vững là hai trong các nhiệm vụ chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng rất lớn nhưng nếu chỉ dựa vào vốn đầu tư công thì bất khả thi. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư từ xã hội là vô tận và đối tác công - tư (PPP) là giải pháp tuyệt vời trong phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng, giao thông. PPP không chỉ phát huy tiềm lực của khối tư nhân về mặt tài chính mà còn về công nghệ và quản trị cho sự phát triển quốc gia. Đây cũng chính là giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả đầu tư nếu được quản trị một cách minh bạch.

Tại Việt Nam, mô hình PPP đã được thực hiện cách đây hơn 20 năm, với khung pháp lý ban đầu là nghị định của Chính phủ quy định quy chế đầu tư có hợp đồng BOT. Sau đó được từng bước phát triển từ Nghị định số 15/2015 đến Nghị định số 63/2018; và gần đây nhất, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư số 64 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021.

Luật PPP có rất nhiều điểm mới nhắm tới thu hút nhiều nguồn lực hơn từ khu vực tư nhân, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời cũng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, “PPP vì con người” (people-first-PPP) như khuyến nghị của Liên Hợp Quốc.

Ông Phạm Thái Lai- Trưởng ban thuộc Văn phòng Vì sự phát triển bền vững VCCI, Tổng Thư ký Ủy ban Hội đồng Quốc gia thúc đẩy năng lực cạnh tranh và Phát triển bền vững cho biết, theo số liệu thống kê, hàng năm Việt Nam giành khoảng 5,7% GDP cho phát triển cơ sở hạ tầng và cao hơn một số nước trong khu vực Đồng Nam Á. Điều này cho thấy dư địa cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng rất lớn.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư tham gia các dự án PPP cũng phải chủ động phòng ngừa và ứng phó với những tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện dự án.

Bàn về cách phòng ngừa và giải quyết tranh chấp phát sinh từ các dự án PPP trong lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, ông Giang Đoàn, Chuyên gia quốc tế về PPP của USAID cho rằng, các dự án triển khai theo hình thức đối tác công tư có đặc điểm là thường có giá trị lớn; thời gian thực hiện, vận hành dài.

Các tranh chấp phát sinh trong quan hệ công - tư không chỉ giới hạn trong các tranh chấp hành chính, thương mại. Ở các hoạt động có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong các dự án lớn, trọng điểm, các tranh chấp này cũng hoàn toàn có khả năng thành các tranh chấp đầu tư.

Theo chuyên gia Giang Đoàn, đối với dự án PPP sẽ có 3 loại hình tranh chấp phổ biến là tranh chấp giữa khu công với khu vực tư; tranh chấp giữa nhà đầu tư với các bên liên quan trong quá trình thực hiện dự án; nhà đầu tư hoặc công ty dự án với người sử dụng dịch vụ. 

Đối với tranh chấp giữa khu vực công và tư, sẽ phát sinh 3 loại hình nhỏ chủ yếu: tranh chấp phát sinh từ thỏa thuận PPP giữa các nhà đầu tư tư nhân và các cơ quan nhà nước ký kết hợp đồng; tranh chấp về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; tranh chấp giữa các nhà đầu tư tư nhân và các cơ quan nhà nước liên quan trong các lĩnh vực như môi trường, thu hồi đất, thuế quan và chính sách tài chính. 

Đối với tranh chấp giữa nhà đầu tư và các bên liên quan trong quá trình thực hiện dự án, chủ yếu phổ biến một số tranh chấp như sau: tranh chấp phát sinh giữa các thành viên trong liên danh các nhà đầu tư tư nhân; tranh chấp phát sinh từ thỏa thuận cho vay; tranh chấp phát sinh từ các hợp đồng với các nhà thầu phụ và các bên cung ứng.

Đối với tranh chấp phát sinh giữa nhà đầu tư hoặc công ty dự án với người sử dụng dịch vụ thường sẽ phát sinh tranh chấp với người sử dụng dịch vụ như điều khiển giao thông hoặc các công ty nhà nước mua sản phẩm, dịch vụ như công ty điện Quốc gia.  

Cũng theo vị chuyên gia này, nguyên nhân phổ biến để phát sinh các tranh chấp trong quá trình thực hiện dự án PPP cũng được phân bổ như sau: Các vấn đề môi trường và xã hội chiếm 16%; Chậm trể, vượt chỉ tiêu xây dưng chiếm 15%; Các chỉ tiêu đầu ra và cơ chế thanh toán chiếm 13%; Giải tỏa và đền bù đất chiếm 11%; Điều kiện khu đất dự án chiếm 11%; Các vấn đề về giấy phép chiếm 9%; Rủi ro nhu cầu chiếm 7%; Thay đổi phạm vi hợp đồng chiếm 7%; Bên nhà nước vi phạm; Các vấn đề vận hành và tăng chi phí cùng chiếm 2%...

nguyên nhân

Theo số liệu thống kê, nghiên cứu, các tranh chấp tại dự án PPP thường phát sinh trong 10 năm đầu sau khi đạt được thỏa thuận tài chính.  Trong năm đầu đạt các tranh chấp phát sinh đạt 4,2%; ở năm thứ tư (tức là giai đoạn bắt đầu vận hành) có khoảng 15% tranh chấp phát sinh; và có đến 30% tranh chấp phát sinh ở năm thứ 10 sau khi đạt thỏa thuận tài chính.  

Bởi vậy, để đảm bảo hợp tác công tư bền vững, cả phía công là Nhà nước và phía tư là nhà đầu tư, ngoài nhiều yếu tố về quyền và nghĩa vụ đối ứng của từng bên, đều phải thực hiện cẩn trọng việc rà soát các rủi ro, khó khăn có thể xảy ra trong quá trình ký kết thực hiện của hợp đồng PPP thực hiện quản lý sớm và phòng ngừa các rủi ro có thể dẫn đến tranh chấp.

Ngoài ra, nhiều chủ đề mới và quan trọng đã được trao đổi và thảo luận bởi các diễn giả có kinh nghiệm, có uy tín, những chuyên gia đã có nhiều trải nghiệm với mô hình PPP để giúp hiện thực hóa, khả thi hoá mối quan hệ hợp tác công – tư trong nhiều dự án lớn.

Nếu chúng ta có cách tiếp cận tốt vấn đề phòng ngừa và giải quyết tranh chấp, thì việc xử lý từng vụ việc tranh chấp hay khi quản lý các dự án PPP sẽ hiệu quả và đảm bảo việc thực hiện các hợp đồng PPP và đảm bảo sự thành công của những dự án PPP trọng điểm. Đây chính là cơ sở để tạo dựng được niềm tin cho nhà đầu tư, qua đó thu hút mạnh mẽ hơn sự tham gia của tư nhân vào phát triển hạ tầng và công nghiệp năng lượng của đất nước.

Hoàng Tư
Bạn đang đọc bài viết Nhận diện một số tranh chấp phổ biến trong các dự án PPP tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh thi hành văn bản pháp luật về PPP
Việc triển khai thi hành các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư còn tồn tại một số hạn chế, do vậy Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh triển khai thi hành văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực này.