Những bước chân lặng thầm nâng tầm bóng đá Việt Nam

31/01/2020, 16:15

TCDN - Một bộ phận không thể thiếu, tạo mọi điều kiện để các vận động viên tự tin ra biển lớn là các doanh nhân, doanh nghiệp… họ sẵn sàng ủng hộ tinh thần và vật chất như câu thành ngữ “Có thực mới vực được đạo”

bongda

Á quân Giải vô địch U23 châu Á 2018, bán kết Đại hội thể thao châu Á 2018, Vô địch AFF Suzuki Cup 2018, tứ kết Asian Cup 2019, cú đúp Vàng SEA Games 30 (đội nam và nữ), dẫn đầu vòng loại World Cup 2022… là những thành tích “chói lọi” của bóng đá Việt Nam trong 2 năm qua. Phía sau ánh hào quang đó là những bước chân lặng thầm nâng tầm Thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế, họ là những huấn luyện viên, trợ lý, đội ngũ chăm sóc y tế… 

Bộ tứ “ông Bầu” thầm lặng nâng tầm bóng đá Việt 

Bóng đá nam đang xếp hạng 94 thế giới, 14 châu Á và số 1 tại Đông Nam Á. Đây là thứ hạng cao nhất của 'Rồng vàng' trên BXH FIFA trong 20 năm qua. Còn bóng đá nữ vang dội hơn nữa khi đang hạng 32 Thế giới, hạng 6 châu Á; không đối thủ tại khu vực Đông Nam Á. Để bóng đá Việt Nam phát triển vượt bậc như ngày hôm nay, chúng ta phải cảm ơn những "ông bầu" của làng bóng đá Việt Nam như Đoàn Nguyên Đức (Hoàng Anh Gia Lai), Võ Quốc Thắng (Đồng Tâm Long An), và Đỗ Quang Hiển (Hà Nội T&T), Nguyễn Đức Kiên (Hà Nội ACB).

Trước hết, họ là những doanh nhân giàu có, dám mạnh tay chi cho những hợp đồng “bom tấn”; dám hy sinh lợi ích trước mắt để đầu tư cho tương lai CLB của mình nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung. Quan trọng hơn, họ yêu bóng đá thật lòng; họ đến với bóng đá không chỉ vì mục đích kinh doanh hay tìm kiếm chút lợi thế cho các dự án ở địa phương. Dù công việc kinh doanh có gặp khó khăn, dù đội bóng của họ ở vào hoàn cảnh nào, họ chưa bao giờ “chạy làng”, cũng như chưa bao giờ lên tiếng dọa dẫm bỏ giải V-league như rất nhiều ông bầu khác.

Ông bầu Đoàn Nguyên Đức chủ của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và CLB Hoàng Anh Gia Lai: Không chỉ bạo chi cho những ngôi sao tên tuổi, bầu Đức còn quyết tâm làm bóng đá một cách bài bản. Học viện bóng đá HAGL - Arsenal JMG với những gương mặt trẻ tài năng của bóng đá Việt Nam như Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Thanh, Văn Toàn, Xuân Trường, A Hoàng, Hồng Duy,… là minh chứng cho tầm nhìn của bầu Đức.

Bầu Đức cũng là công thần chọn, tin dùng thầy Park (HLV Park Hang Seo). Mới đây, trong ngày ký hợp đồng với VFF lần hai, HLV Park Hang Seo bày tỏ sự cảm ơn đến bầu Đức. Ông Park cảm ơn bầu Đức đã kết duyên cho ông với bóng đá Việt Nam. Bởi ông Park biết từ một người tưởng chừng hết thời ở Hàn Quốc thì cuộc gọi của bầu Đức đã giúp ông đổi vận, chính bầu Đức cũng là người trả lương cho HLV Park Hang Seo trong 2 năm qua.

Ông Võ Quốc Thắng - chủ của Công ty Cổ phần Đồng Tâm, ngân hàng Kiên Long (KienLongBank); Chủ tịch CLB Đồng Tâm Long An: Cũng giống như bầu Đức, bầu Thắng lăn lộn với V-League từ khi giải đấu này từ năm 2001. Chủ tịch CTCP Đồng Tâm cũng có chân trong BLĐ CTCP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và là người mở ra phong trào xã hội hóa bóng đá.

Trong suốt hơn một thập kỷ qua, cuộc chiến “gạch” - “gỗ” (cách ví von của người hâm mộ mỗi khi hai CLB Đồng Tâm Long An và HAGL gặp nhau) vẫn luôn là tâm điểm của V-League và được coi là cuộc chiến nhiều duyên nợ nhất kể từ khi bản đồ bóng đá Việt Nam không còn những cái tên như Thể Công, Công an Hà Nội, Cảng Sài Gòn.

Ông Đỗ Quang Hiển - ông chủ của Tập đoàn T&T và ngân hàng SHB: Bầu Hiển đến với bóng đá muộn hơn so với những “công thần” của V-League, nhưng không ai có thể nghi ngờ tình yêu của ông với bóng đá, càng không thể nghi ngờ cách làm bóng đá một cách bài bản của ông.

Dưới sự tài trợ của Tập đoàn T&T, hàng loạt CLB thành công, nhiều tài năng được “toả sáng”. Vốn là một đại gia kín tiếng, Chủ tịch Đỗ Quang Hiển cũng hiếm khi “nổ” về những gì ông làm với bóng đá. Cho dù vậy, người hâm mộ vẫn bắt gặp hình ảnh một ông bầu ngồi trên khán đài sân Hàng Đẫy, lặng lẽ quan sát các cầu thủ thi đấu, lặng lẽ như cách ông làm với bóng đá Việt Nam.

Ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Chủ tịch CLB Hà Nội ACB (hiện ông Kiên bị bắt trong một vụ án kinh tế): Bầu Kiên thuộc lớp “công thần” của phát triển bóng đá hiện đại. Ông chủ trương làm bóng đá “sạch”, đào tạo bài bản, đưa các giải đấu của bóng đá Việt Nam lên hàng chuyên nghiệp. Trái với sự kín tiếng của bầu Hiển, bầu Kiên lại luôn biết cách làm thế nào để gây ảnh hưởng của bản thân đến người khác. “Gã đầu bạc” thường xuyên đứng bên đường piste để úy lạo tinh thần cầu thủ, tranh cãi với trọng tài, như kiểu ông mới là HLV.

Doanh nghiệp chịu chi, bóng đá Việt Nam lên đời

Để có được thành công trong bóng đá, ngoài các cầu thủ giỏi, huấn luyện viên giỏi… nguồn lực tài chính là điểm nhấn tạo sự thành công cho các CLB, đội tuyển quốc gia. Khi hậu thuẩn tài chính dồi dào, thì các CLB, đội tuyển đào tạo bài bản, phát triển đỉnh cao.

Hàng loạt doanh nghiệp chung tay vì bóng đá như: Hoàng Anh Gia Lai, Tân Hiệp Phát, Tôn Hoa Sen, SHB, Đông Á, ACB, Gạch Đồng Tâm… Đây là những đơn vị đi đầu trong công cuộc phát triển bóng đá chuyên nghiệp. Chính các doanh nghiệp này đã “xoá bỏ” bao cấp bóng đá, để đưa nền bóng đá nước nhà theo cơ chế mở, thị trường, thúc đẩy hơn nữa trong việc đào tạo “hạt giống” tài năng. Có thể bây giờ, những đơn vị này còn, hoặc không còn tài trợ cho bóng đá nữa, nhưng “công ơn” của họ, nền bóng đá nước nhà mãi khắc sau.

Hay việc Vinamilk, Nestle Việt Nam, NutiFood Việt Nam, TH true Milk… âm thầm tài trợ hàng trăm tỷ, cùng hàng triệu sản phẩm dinh dưỡng để thúc đẩy thể chất cho các cầu thủ. Họ, những đơn vị âm thầm “ươm mầm” tài năng để hôm nay đội tuyển Việt Nam có hàng loạt cầu thủ đủ thể lực, chiều cao. Thành công bóng đá Việt Nam hiện tại góp một phần không nhỏ từ những đơn vị đi đầu trong công tác đào tạo trẻ.

Mang đến thành công cho đội tuyển nam, nữ thời gian gần đây là hai HLV Park Hang Seo, Mai Đức Chung. Để các tuyển thủ gặt hái Vàng còn có sự chung tay giúp đỡ từ các đơn vị tài trợ như: VinGroup, Tập đoàn Hưng Thịnh, Tập đoàn KN, FLC… hay Vinamilk cũng bạo chi “Vì một Việt Nam vươn cao”. Minh chứng cho sự thành công là thứ hạng của hai đội tuyển nam nữ, và những thành tích đáng nể từ lớp các cầu thủ trẻ.

VinGroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng bạo chi cho bóng đá nam hướng đến mục tiêu dự World Cup

VinGroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng bạo chi cho bóng đá nam hướng đến mục tiêu dự World Cup

VinGroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng bạo chi cho bóng đá Nam: Tập đoàn Vingroup và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược nhằm hỗ trợ phát triển bóng đá Việt Nam. Việc ký kết Thỏa thuận hợp tác nhằm tạo ra khung pháp lý và khuôn khổ để hai bên thống nhất các nội dung hợp tác cụ thể theo từng năm một. Theo đó, Vingroup thông qua Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ PVF (“PVF”) tiếp tục đẩy mạnh các công tác hỗ trợ đã thực hiện thời gian qua, mở rộng thêm một số hoạt động hỗ trợ trong thời gian tới theo kế hoạch của VFF.

PVF do Tập đoàn Vingroup thành lập năm 2008 với sứ mệnh đào tạo và cung cấp tuyển thủ tài năng cho bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, nâng tầm bóng đá nước nhà lên đẳng cấp thế giới. Mục tiêu của PVF là đóng góp cầu thủ nòng cốt và những dịch vụ hỗ trợ tốt nhất cho các Đội tuyển Quốc gia, cùng bóng đá Việt Nam hướng tới Olympics 2024 và Vòng chung kết Cúp Bóng đá Thế giới FIFA World Cup 2026.

Sau những thành công vang dội của bóng đá nam, Vingroup cũng là một trong những đơn vị tiên phong giúp Liên đoàn bóng đá Việt Nam trả lương cho HLV Park Hang Seo. Ngoài ra, tập đoàn này cũng có nhiều khoản thưởng “hậu hĩnh” cho các vận động viên đạt thành tích cao trong các giải đấu. Điển hình Tập đoàn Vingroup công bố thưởng tiền mặt cho toàn bộ VĐV đạt thành tích xuất sắc ở tất cả các môn thi đấu tại SEA Games 30, tổng giá trị phần thưởng lên tới hơn 5 tỷ đồng.

Tập đoàn Hưng Thịnh chơi lớn vừa là nhà tài trợ cho đội tuyển bóng đá nữ và cùng Vingroup trả lương cho HLV Park Hang Seo trong những năm tới.

Tập đoàn Hưng Thịnh chơi lớn vừa là nhà tài trợ cho đội tuyển bóng đá nữ và cùng Vingroup trả lương cho HLV Park Hang Seo trong những năm tới.

Tập đoàn Hưng Thịnh chơi lớn cùng bóng đá nữ: Không kém cạnh Vingroup ở đội tuyển bóng đá nam, Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đầu tư cho sự phát triển của bóng đá nữ. Mới đây, ngày 23/12, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Hưng Thịnh Land. Hưng Thịnh Land sẽ là nhà tài trợ lớn nhất của bóng đá nữ Việt Nam hướng đến mục tiêu có mặt tại World Cup, giá trị hợp đồng lên tới 100 tỉ đồng.

Hợp đồng của Hưng Thịnh Land với VFF có thời hạn 5 năm, tính từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2024. Hưng Thịnh Land mong muốn góp phần chia sẻ cùng VFF chi phí trả lương, chế độ dinh dưỡng, đào tạo cho các cầu thủ trẻ để phát triển bóng đá Việt Nam. Với hợp đồng này, đội tuyển nữ Việt Nam sẽ có điều kiện tập luyện tốt để hướng đến mục tiêu có mặt tại World Cup.

Trước đó, Tập đoàn Hưng Thịnh đã ký hợp đồng với VFF để trở thành một trong những nhà tài trợ cho VFF để trả lương cho HLV Park Hang Seo và đội ngũ chuyên gia của bóng đá Việt Nam trong 3 năm (2020- 2022). Ngoài ra, Tập đoàn Hưng Thịnh đã trao tặng hơn 3 tỷ đồng tiền thưởng cho Đoàn TTVN, trong đó 1,5 tỷ đồng cho HLV Park, Ban huấn luyện và Đội tuyển U22 Việt Nam; 1,3 tỷ đồng cho Ban huấn luyện và Đội tuyển nữ Việt Nam, và gần 400 triệu đồng tiền thưởng cho các VĐV của Sở Văn hóa & Thể thao TP.HCM.

Thái Minh

Tạp chí số Xuân 2020
Bạn đang đọc bài viết Những bước chân lặng thầm nâng tầm bóng đá Việt Nam tại chuyên mục DOANH NHÂN của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận