Nội bộ OPEC+ có nguy cơ bất hoà khi giá dầu tăng nhanh

10/02/2021, 16:35

TCDN - Trong khi phần lớn thành viên OPEC+ muốn giảm sản lượng để giá dầu tăng thêm, rất có thể Nga lại muốn tăng sản lượng do những vấn đề riêng của họ.

Từ tuần trước, giá dầu tăng lên mức đỉnh trong vòng một năm. Lượng dầu tồn kho khổng lồ trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19 đang giảm nhanh chóng.

Với việc giá dầu tăng nhanh, nhiều khả năng các nước thành viên OPEC+ sẽ tính tới việc tăng sản lượng sớm hơn cam kết mà họ đạt được hồi năm ngoái.

Ý định ấy có thể dẫn tới căng thẳng giữa hai nước đồng lãnh đạo OPEC+ là Arab Saudi và Nga, làm suy yếu đà phục hồi của giá dầu.

Brent oil

Kết quả đánh giá từ cuộc họp OPEC+ tuần trước khá khả quan, Bloomberg nhận định. Cụ thể, tỷ lệ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng kể từ khi nó có hiệu lực vào tháng 5/2020 là 99%.

Ngoài ra, giá dầu Brent đang chạm ngưỡng 60 USD/thùng, mức cao nhất trong một năm qua. Tồn kho dầu thô thương mại ở những nước phát triển thuộc nhóm OECD đang giảm dần. OPEC+ đang muốn lượng tồn kho giảm xuống dưới mức trung bình 5 năm (2015 - 2019) vào tháng 8 năm nay.

Dù liên minh dầu mỏ đã đạt những thành công bước đầu để ổn định cán cân cung - cầu, Arab Saudi dường như vẫn muốn các thành viên OPEC+ tuân thủ cam kết, trừ một nước duy nhất. Hơn 50% thành viên tham gia thỏa thuận giảm sản lượng không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của họ.

Giống như trước đây, Arab Saudi vẫn gánh phần lớn trọng trách. Tính đến tháng 12 năm ngoái, mức giảm sản lượng thực tế của Arab Saudi đã vượt mức cam kết ban đầu đến 37 triệu thùng.

OPEC+ cũng ràng buộc từng thành viên. Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nigeria lãnh nhiệm vụ giúp các nước xuất khẩu dầu mỏ khác của châu Phi, đặc biệt là Cộng hòa Congo, Guinea Xích đạo, Gabon và Nam Sudan, hoàn thành cam kết giảm sản lượng để bù đắp cho các vi phạm trong quá khứ.

Vậy mà Nga - nước sản xuất vượt hạn mức nhiều nhất trong thỏa thuận, lại không chịu áp lực nào.

Việc OPEC+ liên tục gây áp lực cho các nước thành viên nhỏ nhưng không đả động tới Nga và thậm chí để Moscow tăng sản lượng cho thấy liên minh dầu mỏ thực sự mong manh.

Nếu cần, OPEC+ có thể buông tay 4 thành viên châu Phi. Ở mức 740.000 thùng/ngày, tổng sản lượng của 4 nước trong tháng 12/2020 chỉ bằng 8% con số 9,11 triệu thùng/ngày của Nga.

Điều quan trọng hơn là 4 nước châu Phi đều đang khai thác gần mức công suất tối đa, tức là trong tương lai, họ không thể đóng góp lớn vào nguồn cung chung. Mặt khác, Nga có thể tăng sản lượng lên 1,2 triệu thùng/ngày nếu Moscow không tuân theo thỏa thuận.

Đầu tháng 3 tới, các bộ trưởng năng lượng OPEC+ sẽ họp để thảo luận kế hoạch sản xuất cho tháng 4. Nếu giá dầu tăng cao hơn hoặc ổn định ở mức hiện nay, Arab Saudi sẽ bơm trở lại 1 triệu thùng/ngày mà họ tự nguyện giảm trong hai tháng 2 và 3 năm nay, trong khi Nga sẽ tiếp tục hô hào tăng sản lượng.

Giá nhiên liệu tăng kỷ lục đang trở thành khó khăn với Nga. Chính phủ yêu cầu các công ty dầu mỏ chuyển thêm dầu thô đến các nhà máy lọc dầu trong nước và hạn chế xuất khẩu. Nga không phải là thành viên OPEC. Trước đó, OPEC từng rất tốn công để động viên Nga tham gia OPEC+.

Đương nhiên, Nga không muốn gánh khối công việc nặng nhọc của OPEC+ và họ còn đang lo ngại chính sách giảm sản lượng của OPEC+ sẽ tạo động lực cho ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ phục hồi khi giá dầu tiếp tục tăng.

Cũng có thể Nga muốn giành lại thị phần mà họ đã chấp nhận bỏ khi tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng với OPEC+. Các nước thành viên còn lại không có nhiều lựa chọn, trừ việc phải chấp nhận yêu cầu của liên minh dầu mỏ. Cuộc chiến giá dầu đã bùng nổ khi OPEC+ không thể thuyết phục Nga giảm sản lượng.

Nhã Vy
Bạn đang đọc bài viết Nội bộ OPEC+ có nguy cơ bất hoà khi giá dầu tăng nhanh tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan