Phường Phú Hữu, quận 9: “Bùa” hồ sơ để chèn ép doanh nghiệp?

11/06/2020, 08:03

TCDN - Địa chỉ nhà xưởng bị cưỡng chế là đúng, nhưng quyết định trên lại sai đối tượng tiếp nhận, sai chủ thể quản lý. Chính quyền địa phương đã “bùa” người vi phạm để ký quyết định xử phạt dẫn tới hàng loạt sai phạm nghiêm trọng rất khó khắc phục.

Lộng quyền “lập khống hồ sơ”

Hơn 1 tháng qua, Tài chính Doanh nghiệp đã thông tin về tình trạng rầm rộ xây dựng nhà xưởng trái phép trong khu dân cư Đại học Bách Khoa (phường Phú Hữu, quận 9). Việc xây dựng rồi đập bỏ trên dưới 50 cái xưởng trong khu vực này gây nhiều hệ luỵ xấu về kinh tế cũng như an ninh trật tự xã hội trên địa bàn.

Nhiều chủ xưởng phân trần họ bị đập xưởng trong uất nghẹn. Họ bị thiệt hại đơn, hại kép, vừa ảnh hưởng dịch bệnh, ảnh hưởng sản xuất, giờ nhà xưởng lại bị đập bỏ gây thiệt hại, lãng phí hàng chục tỷ đồng.

“Chúng tôi sai, chúng tôi chấp nhận bị đập bỏ, chấp nhận thiệt hại kinh tế. Nhưng chính quyền địa phương cho chúng tôi xây dựng trái phép thì đến nay đã ai bị đuổi việc, thậm chí bị khởi tố vì buông lỏng quản lý gây hậu quả nghiêm trọng hay chưa?. Hơn 50 nhà xưởng, trị giá cả triệu USD bị đập bỏ, chả lẽ chính quyền địa phương không thấy xót xa hay sao?”, đại diện 1 chủ xưởng chia với phóng viên.

Cả chủ đất và chủ nhà xưởng đều không biết ông Hồ Nguyễn Quốc Thịnh (đối tượng mà cán bộ dựng lên để cưỡng chế nhà xưởng) là ai.

Cả chủ đất và chủ nhà xưởng đều không biết ông Hồ Nguyễn Quốc Thịnh (đối tượng mà cán bộ dựng lên để cưỡng chế nhà xưởng) là ai.

Liên quan đến việc xây dựng nhà xưởng trái phép tại khu dân cư Đại học Bách Khoa, chúng tôi nhận thấy có nhiều sai phạm của các cán bộ quản lý địa bàn đến mức rất nghiêm trọng. Thậm chí có cả tình trạng lập khống “bùa” hồ sơ để báo cáo cấp trên nhằm che dấu cho các sai phạm.

Trước chỉ thị 23-CT/TU, ngày 25/7/2019 do Thành ủy Tp.HCM ban hành, hàng loạt nhà xưởng trong khu vực này bị đập bỏ, việc lập hồ sơ khống này mới dần được lộ diện.

Theo hồ sơ PV Tài chính Doanh nghiệp nắm được, cán bộ tại phường Phú Hữu đã giả chữ ký, lập hồ sơ khống chủ xưởng, chủ đất trong khu dân cư Đại học Bách Khoa. Khi có Chỉ thị 23-CT/TU về việc cưỡng chế các công trình không phép, phường Phú Hữu đã vô tư đẩy doanh nghiệp không liên quan vào thế khó.

Nhiều nhà xưởng vẫn tồn tại trong khu dân cư Đại học Bách Khoa

Nhiều nhà xưởng vẫn tồn tại trong khu dân cư Đại học Bách Khoa

“Doanh nghiệp tôi không nằm trong đối tượng cưỡng chế của phường Phú Hữu nhưng trên địa chỉ kho của chúng tôi lại dán quyết định cưỡng chế của 1 người mà chúng tôi không hề hay biết. Tôi khẳng định tôi và chủ đất không hề quen biết với đối tượng trong quyết định cưỡng chế.

Chúng tôi kinh doanh trên đất này nhiều năm cũng chưa từng bị nhắc nhở hay xử phạt gì liên quan đến việc xây dựng trái phép. Bởi đơn giản là chúng tôi không hệ xây dựng trong suốt quá trình kinh doanh của mình. Các chữ ký trong hồ sơ quản lý đều giả, không phải của tôi. Họ “bùa” hồ sơ, để hợp thức hoá sai phạm. Tôi đã làm việc với chủ đất, cần thiết sẽ khởi kiện ra toà để đòi quyền lợi khi bị xâm phạm”, một chủ xưởng khẳng định.

Cũng theo vị đại diện này, ngày 7/5/2020 ông có làm việc với chính quyền địa phương về việc tháo dỡ, cưỡng chế nhà xưởng của mình. Vị đại diện này cho biết: “Phía chính quyền đã thừa nhận sai trong việc thi hành cưỡng chế nhà xưởng của ông sau khi ông đưa ra những bằng chứng, chứng minh. 

Cụ thể, khi có quyết định cưỡng chế thì chủ đất bà T, chủ xưởng công ty H và đại diện là ông cũng không nhận được thông báo gì về việc cưỡng chế này mà thay vào đó chủ xưởng ký tên trong hồ sơ nghe đâu lại là một người tên Q.T ở ngoài tận miền Trung”.

Doanh nghiệp thiệt hại tiền tỷ

Theo tìm hiểu của phóng viên, kho hàng này tổng trị giá tài sản hàng chục tỷ đồng. Khi chính quyền địa phương dán thông báo cưỡng chế, giám đốc công ty H đang ở nước ngoài nên không hề hay biết. Đến khi nhân viên báo lại ông mới tá hoả cho kiểm tra, đồng thời chủ động thuê kho khác để di dời tài sản nhằm thực hiện nghiêm lệnh cưỡng chế.

Chủ xưởng H ở đây cho biết: “Trong suốt quá trình chính quyền địa phương tổ chức, gây áp lực cưỡng chế tôi không hề hay biết, vì xưởng trên là kho chứa gạch lâu ngày không sử dụng, không có người canh gác. Sau khi có quyết định cưỡng chế nhân viên gọi điện báo lúc đó tôi đang mới tá hỏa về diễn biến sự việc.

Nhưng để chấp hành tốt các chủ trương của địa phương chúng tôi đã thuê một kho mới tại vị trí khác với giá 50 triệu/tháng để bảo vệ tài sản của mình, thời điểm đó giá trị tài sản trong kho vào khoảng 40 tỉ đồng. Để đề phòng việc chính quyền cưỡng chế sai đối tượng có thể xảy ra.

Nhiều doanh nghiệp thiệt hại tiền tỷ vì sự buông lỏng quản lý của lãnh đạo nơi đây.

Nhiều doanh nghiệp thiệt hại tiền tỷ vì sự buông lỏng quản lý của lãnh đạo nơi đây.

Tuy nhiên không hiểu sao đến ngày cưỡng chế chúng tôi và cán bộ nhân viên ra xưởng để thực hiện lệnh cưỡng chế thì không thấy đoàn cưỡng chế xuất hiện. Cho đến thời điểm này cũng không thấy chính quyền có thông báo gì cho chúng tôi.”.

“Riêng chi phí thuê kho, đặt cọc, chi phí vận chuyển, hư hỏng gạch trong quá trình di dời, chúng tôi đã thiệt hại cả tỷ đồng”, vị đại diện công ty H cho biết thêm.

Bà T, chủ đất cũng khẳng định bà không hề hay biết việc chính quyền cưỡng chế trên đất bà cho đến khi công ty H thông báo. Bà cũng khẳng định không hề quen biết hay ký tá gì với đối tượng bị cưỡng chế. Tôi đã thuê luật sư, nếu cần thiết, có thể hỗ trợ công ty H khởi kiện ra toà để bảo vệ quyền lợi của mình", ông H cho biết thêm.

Thiết nghỉ, từ những phán ánh của đại diện doanh nghiệp ở trên, há chẳng phải lãnh đạo địa phương tại phường Phú Hữu đã quá chuyên quyền, tự tung tự tác khi lập khống hồ sơ doanh nghiệp ở dưới để thi hành cưỡng chế nhằm tạo thành tích.

Ngược lại, với việc chuyên quyền của mình lãnh đạo phường đã đẩy doanh nghiệp vào con đường “sống như chết”, tổn thất tiền của trong thời điểm đại dịch bùng phát. Đi ngược lại chủ trương của Chính phủ trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vực dậy sau dịch bệnh.

Chúng tôi đề nghị chính quyền các cấp, cần điều tra và xử lý dứt điểm tình trạng này nhằm nâng cao uy tín của chính quyền địa phương, đồng thời để người dân tâm phục khẩu phục chấp nhận việc tự tháo dỡ công trình vi phạm khi các cán bộ liên quan bị xử lý một cách nghiêm túc.

Tài chính Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin.

Thái Minh - Trọng Công
Bạn đang đọc bài viết Phường Phú Hữu, quận 9: “Bùa” hồ sơ để chèn ép doanh nghiệp? tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan