Quốc hội thảo luận việc phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư với EU
TCDN - Dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến việc phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA).
Thảo luận tại phiên họp toàn thể, các đại biểu đều bày tỏ nhất trí cao với đề xuất Quốc hội phê chuẩn các Hiệp định Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA).
Bên cạnh đó việc thực hiện cơ chế giải quyết tranh chấp theo Hiệp định EVIPA cũng đặt ra những thách thức lớn hơn trong việc xây dựng và thực thi pháp luật, phòng ngừa và giải quyết có hiệu quả tranh chấp, vướng mắc với nhà đầu tư. Những thách thức nêu trên đòi hỏi Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp phải thực hiện những giải pháp đồng bộ, toàn diện để có thể phát huy tối đa những lợi ích từ Hiệp định EVIPA và EVFTA.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho biết nếu như Hiệp định EVFTA có thể có hiệu lực ngay thì Hiệp định EVIPA cần phải có sự phê chuẩn của 27 Nghị viện của các nước thành viên của Liên minh Châu Âu mà các nước này có nền chính trị khác với Việt Nam. Do đó, quá trình phê chuẩn có thể có nhiều ý kiến trái chiều, đặt ra nhiều nhiệm vụ cần phải làm đối với Việt Nam cả về đối nội và đối ngoại trong đó có hoàn thiện thể chế.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng với hai Hiệp định này thời cơ đang đến nhưng có tận dụng được thời cơ hay không là vấn đề. Từ kinh nghiệm hội nhập 20 năm qua từ việc ký kết hiệp định song phương với Hoa Kỳ hay việc gia nhập WTO…cho thấy Việt Nam có những ưu điểm và cũng có những điểm yếu trong biến thời cơ thành động lực.
Đại biểu đề nghị Chính phủ chú trọng chiến lược, kế hoạch cụ thể để toàn xã hội, toàn hệ thống chính trị nỗ lực hiện thực các nội dung của Hiệp định để tạo được sự thay đổi mạnh mẽ về thể chế để thời cơ, đem lại cơ hội thúc đẩy phát triển.
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Hồng – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng không cần thiết ban hành Nghị quyết riêng của Quốc hội về công nhận và cho thi hành phán quyết chung thẩm của Cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA.
Trước đó, trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước về việc phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết các quy định tại khoản 2,3,4 và 5 Điều 3.57 Chương 3 quy định về cơ chế thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo Hiệp định (phán quyết EVIPA) chưa được quy định trong pháp luật Việt Nam. Do đó Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép công nhận và thi hành phán quyết EVIPA tại một Nghị quyết riêng của Quốc hội.
Theo đó, Nghị quyết của Quốc hội quy định trong thời gian 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam công nhận và cho thi hành phán quyết EVIPA với bị đơn là Việt Nam theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về công nhận và cho thi hành pháp quyết của trọng tài nước ngoài; công nhận và cho thi hành phán quyết EVIPA với bị đơn là EU hoặc nước thành viên EU như bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam. Sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam công nhận và cho thi hành phán quyết EVIPA như bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam.
Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành quy định này. Luật Thi hành án dân sự được áp dụng đối với việc thi hành phán quyết EVIPA đã được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam.
Tuy nhiên về những nội dung này đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Hồng cho rằng các quy định tại Điều 3.57 Chương 3 của Hiệp định Bảo hộ đầu tư EVIPA đã quy định rõ, chi tiết, có thể áp dụng trực tiếp.
Đại biểu Nguyễn Công Hồng chỉ rõ, tại khoản 3,4,5 và 7 Điều 3.57 của Hiệp định quy định trong thời hạn 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực hoặc thời gian dài hơn nếu xét thấy cần thiết, phán quyết EVIPA mà bị đơn là Việt Nam được Tòa án có thẩm quyền xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam theo quy định của Công ước New York 1958 và Việt Nam đã là thành viên của Công ước New York 1958.
Các phán quyết chung thẩm được Cơ quan giải quyết tranh chấp phúc thẩm ban hành được coi là phán quyết trọng tài. Việc cho công nhận và thi hành phán quyết trong thời hạn trên và các bên sẽ công nhận phán quyết chung thẩm là ràng buộc và cho thi hành các nghĩa vụ tài chính trên lãnh thổ của mình tương tự như phán quyết chung thẩm của tòa án của Bên đó.
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Hồng, nếu ban hành một Nghị quyết riêng thì về bản chất nội dung của dự thảo Nghị quyết chỉ quy định cụ thể hơn việc áp dụng Điều 3.57 của Hiệp định. Do đó việc ban hành Nghị quyết riêng là không cần thiết và chỉ cần ban hành một điều khoản riêng trong Nghị quyết phê chuẩn của Quốc hội quy định về việc áp dụng trực tiếp, đồng thời yêu cầu Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao rà soát kiến nghị sửa đổi bổ sung quy định của pháp luật trong nước để bảo đảm thống nhất.
Đại biểu cũng cho rằng, phương án này sẽ khắc phục được vướng mắc trong việc xác định thời điểm có hiệu lực của dự thảo Nghị quyết. Hơn nữa việc cho phép áp dụng trực tiếp các quy định tại Điều 3.57 của Hiệp định không dẫn đến bất cứ bất lợi nào; cũng không phải xem xét sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự hoặc Luật Thi hành án dân sự. Việc áp dụng trực tiếp cũng thể hiện sự thiện chí, nhất quán, quyết tâm chính trị cao của Nhà nước Việt Nam trong việc thực thi Hiệp định.
Giải trình làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và có nghiên cứu để báo cáo Chính phủ xem xét khả năng có thể tích hợp các nội dung trong Nghị quyết của Quốc hội về phê chuẩn Hiệp định EVIPA.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng ghi nhận ý kiến đại biểu Quốc hội trong việc nhất trí việc Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA) có ý nghĩa rất quan trọng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế và triển khai chính sách đối ngoại của Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự nghiệp đổi mới, đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, hội nhập sâu hơn kinh tế toàn cầu, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Đề nghị các cơ quan hữu quan lưu ý quan tâm đến ý kiến của đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Hồng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng chỉ rõ, theo Tờ trình của Chủ tịch nước do pháp luật của Việt Nam chưa có quy định liên quan đến phán quyết chung thẩm của Cơ quan giải quyết tranh chấp theo Hiệp định (phán quyết EVIPA) nên sẽ phải có Nghị quyết riêng về vấn đề này và căn cứ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ phải có Tờ trình, Báo cáo đánh giá tác động, nghiên cứu những lĩnh vực điều chỉnh theo hướng tới giải quyết những vấn đề thực tiễn, đối tượng điều chỉnh, phạm vi điều chỉnh khác với việc nội luật hóa các cam kết về kinh tế…
Do đó cần có thêm nghiên cứu để xây dựng văn bản quy phạm pháp luật mới với đối tượng, phạm vi điều chỉnh rất mới thuộc lĩnh vực tư pháp; cần tiếp tục nghiên cứu kỹ để nội luật hóa những quy định về giải quyết tranh chấp nhất là giá trị của quyết định chung thẩm để bảo vệ quyền và lợi ích quốc gia.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp này.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899