Tâm lý của giới đầu tư chứng khoán Mỹ đã sụp đổ

04/10/2023, 19:02
báo nói -

TCDN - Tình trạng bán tháo chứng khoán Mỹ xảy ra do giới đầu tư đã chấp nhận thực tế là lãi suất sẽ tiếp tục neo ở mức cao hơn, trong thời gian dài hơn.

CNBC nhận xét thị trường tài chính đã bắt đầu đổ vỡ. Song, thứ vỡ vụn lần này không phải một loại tài sản nào mà là tâm lý của giới đầu tư.

Hơn một năm qua, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cố gắng thuyết phục thị trường rằng lãi suất sẽ được duy trì ở mức cao trong thời gian dài. Đến tận bây giờ, giới đầu tư mới bắt đầu chấp nhận ý tưởng đó.

Đối với Phố Wall, sự thừa nhận này gây đau lớn. Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đã đồng loạt giảm mạnh trong phiên 3/10 và lợi suất trái phiếu kho bạc nhảy vọt lên mức cao nhất trong khoảng 16 năm.

Bà Quincy Krosby, Giám đốc đầu tư tại LPL Financial, giải thích: “Nền kinh tế đã từng vận hành dựa trên lãi suất gần bằng 0, nhưng giờ lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đang nhanh chóng hướng đến mức 5%.

Giới đầu tư sẽ phải cân nhắc lại, vì tác động của lãi suất đến nợ vay cũng sẽ thay đổi. Chi phí vốn đang đi lên, doanh nghiệp sẽ phải tái tài trợ nợ với lãi suất cao hơn”.

Bà nói thêm: “Thị trường sẽ phải tiêu hóa tất cả những thông tin này. Rõ ràng đây là điều đáng ngại và khó khăn”.

Nỗi lo kinh tế và lạm phát 

Trước khi giờ giao dịch bắt đầu, các nhà đầu tư đã thấy những dấu hiệu chứng tỏ thị trường chứng khoán Mỹ sắp phải trải qua thêm một ngày khó khăn sau tháng 9 ảm đạm.

Nhưng màn bán tháo chỉ thực sự bắt đầu sau khi Bộ Lao động  công bố báo cáo cho thấy số cơ hội việc làm đã bất ngờ tăng trở lại trong tháng 8. Trước đó, nhận định chung của các nhà đầu tư là thị trường việc làm đã hạ nhiệt và áp lực tiền lương sẽ không còn lớn như trước.

Sau dữ liệu này, các nhà đầu tư trở nên lo ngại rằng Fed sẽ buộc phải duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt. Trong tuần này, ít nhất 4 nhà hoạch định chính sách công khai ủng hộ việc tăng lãi suất hoặc chỉ ra rằng lãi suất sẽ duy trì ở mức cao trong một thời gian dài.

Cùng với đà giảm giá của cổ phiếu, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm và 30 năm cũng leo lên mức cao nhất trong hơn chục năm, những thời điểm nền kinh tế hướng đến khủng hoảng tài chính.

Bà Krosby nhận xét: “Rất nhiều bộ phận của nền kinh tế đã phát triển nhờ lãi suất thấp và lãi suất âm. Giờ đây, chúng phải thích ứng với môi trường lãi suất bình thường hơn, khi xét theo tiêu chuẩn lịch sử”. Sau 15 năm thị trường được tận hưởng lãi suất thấp khác thường, chính điều bình thường lại có vẻ bất thường.

Nguy cơ của các ngân hàng

CNBC nói rằng ngân hàng là các tổ chức gặp rủi ro lớn nhất khi lãi suất tăng. Hồi đầu năm nay, một số ngân hàng Mỹ đã sụp đổ sau khi lỗ nặng vì bán trái phiếu kho bạc kỳ hạn dài để trả tiền gửi cho khách hàng.

Trong quý 2, tổng lỗ chưa thực hiện trong bảng cân đối kế toán của các ngân hàng đã lên đến 558,4 tỷ USD, tăng 8,3% so với quý trước đó, theo Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang. Trong đó, trái phiếu kho bạc nắm giữ đến ngày đáo hạn chiếm đến 309,6 tỷ USD.

Ông Larry McDonald, nhà sáng lập công ty nghiên cứu The Bear Traps Report, dự kiến lỗ chưa thực hiện vì trái phiếu kho bạc của các ngân hàng sẽ đi lên.

Ông cho biết các ngân hàng có thể phải phát hành thêm cổ phiếu nếu họ buộc phải bù đắp cho các khoản lỗ. Điều này sẽ khiến cổ phiếu bị pha loãng.

Đây có thể là một trong những yếu tố dẫn đến việc giá cổ phiếu ngân hàng giảm hơn 2% trong phiên 3/10, với đại diện là giá chứng chỉ quỹ SPDR S&P Bank ETF.

nha dau tu 1

Lãi suất cao cũng gây ra những rắc rối khác. Người tiêu dùng đang chịu áp lực từ lãi thẻ tín dụng cho đến lãi vay mua nhà. Hơn 36% các ngân hàng báo cáo rằng họ đã thắt chặt tiêu chuẩn cho vay trong quý III. Trong quá khứ, tỷ lệ cao đến mức này thường đi kèm với suy thoái.

Triển vọng lãi suất đạt đỉnh

Một số chuyên gia cho rằng mọi chuyện sắp đến hồi ngã ngũ. Ông McDonald bình luận: “Fed không thể tăng lãi suất thêm lần nào nữa. Việc đó gây ra quá nhiều đau đớn cho nền kinh tế. Các đợt tăng lãi suất đang gây thiệt hại và giờ Fed đã nhận thức rõ hơn về các nạn nhân”.

Ông Joseph LaVorgna, cựu chuyên gia kinh tế của Nhà Trắng, cũng nghĩ rằng đà tăng của lợi suất trái phiếu đã gần đi đến hồi kết. Hậu quả tiềm tàng có thể là suy thoái và Fed phải mua trái phiếu chính phủ trở lại.

“Chúng ta không thể dùng các yếu tố cơ bản để giải thích cuộc bán tháo hiện nay. Tôi đoán rằng trong tương lai gần, chứng khoán sẽ rẻ hơn, đủ để lôi kéo người mua trở lại”, ông nhận xét.

Thị trường lao động yếu kém hoặc một số dấu hiệu rạn nứt khác trong nền kinh tế có thể ngăn cản Fed tiếp tục tăng lãi suất và mở đường để cơ quan này sớm hạ lãi suất.

Ông LaVorgna nói tiếp: “Bệnh nhân của chúng ta - tức là các thị trường tài chính - đang không ở trong trạng thái khỏe mạnh. Như tôi đã nói nhiều lần, Fed đã đi quá xa, quá nhanh. Rồi họ sẽ phải đảo ngược hướng đi của lãi suất”.

Như Hằng/CNBC
Bạn đang đọc bài viết Tâm lý của giới đầu tư chứng khoán Mỹ đã sụp đổ tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan